Dù phần lớn thị trường đang chững lại sau dịch Covid-19, nhưng dự án giá trị thực, vị trí tốt vẫn được khách hàng săn đón. Cá biệt có trường hợp còn tăng giá so với thời điểm trước khi có dịch.
Nguồn cung khan hiếm, giá trị thực lên ngôi
Theo báo cáo quý 1/2020 của DKRA Vietnam, nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM tiếp tục đà giảm so với quý trước đó. Toàn thị trường có 8 dự án đáng chú ý được mở bán, cung ứng khoảng 718 căn, giảm 9% so với quý trước. Tỷ lệ tiêu thụ trong quý đạt 50% nguồn cung mới (khoảng 359 căn), tăng nhẹ so với quý trước và tăng 58% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ tập trung chủ yếu vào những dự án mới mở bán trong tháng 1 và tháng 2/2020, với mức giá khoảng 15 tỷ đồng/căn có vị trí đẹp và tiến độ xây dựng tích cực.
Đánh giá về phân khúc này, ông Phan Công Chánh, Chủ tịch HĐQT Phú Vinh Investment, cho rằng, so với nhu cầu của thị trường, nguồn cung phân khúc nhà phố và biệt thự tại TP.HCM luôn luôn thiếu so với nhu cầu thực, vì quỹ đất ngày càng ít. Đối với các sản phẩm mới chất lượng và có mức giá hợp lý thì thị trường vẫn đón nhận nhanh chóng.
Khảo sát thực tế trên thị trường TP.HCM, các sản phẩm sơ cấp ở phân khúc này không có dấu hiệu giảm giá, thậm chí có dự án còn tăng giá. Đơn cử như tại An Phú New City (Q.2), với mức giá nhà phố đợt 1 khoảng 160 triệu/m2, trên 90% rổ hàng đã được tiêu thụ, và xuất hiện giao dịch chênh lệch trên thị trường thứ cấp. Chủ đầu tư dự kiến tăng giá 5 - 10% trong đợt 2, nhưng sức hút trên thị trường với dự án này vẫn gia tăng.
Theo giới đầu tư, đây là dự án có vị trí tốt tại khu đô thị An Phú, pháp lý hoàn chỉnh, tiến độ xây dựng tốt, nhưng mức giá rất cạnh tranh. Nếu so sánh giá với mặt bằng xung quanh: Đường Song Hành 300 - 340 triệu/m2; đường Trần Não 320 - 380 triệu/m2; đường Lương Định Của 280 - 320 triệu/m2… thì dự án An Phú New City còn biên độ tăng giá khá tốt. Đây là lý do khiến dự án gia tăng sức hút, dù giá đợt 2 tăng so với đợt đầu.
Tại quận 9, nhiều dự án cũng nhộn nhịp trở lại sau dịch Covid-19. Khu biệt thự và nhà vườn Ba Son - Đông Tăng Long Hưng Phúc, đang đưa ra mức giá chỉ từ 45 triệu/m2, mức giá được đánh giá khá mềm so với mặt bằng chung. Dự án liền kề đường Vành Đai 3 và kết nối thuận tiện qua 4 tuyến đường huyết mạch của quận 9 là Nguyễn Duy Trinh - Lã Xuân Oai - Liên Phường - Trường Lưu.
Bên cạnh đó, dự án Senturia Q9 Central Point, tọa lạc ngay Khu công nghệ cao quận 9, cũng là điểm thu hút sự quan tâm, trong bối cảnh TP.HCM đang muốn tập trung xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông. Ý tưởng xây dựng khu Đông trở thành hạt nhân để dẫn đầu và thúc đẩy phát triển kinh tế thành phố và khu vực phía Nam trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0.
Thiên thời của nhà đầu tư khu Đông
Theo đánh giá của các chuyên gia, trong khi thị trường bất động sản đang trầm lắng do ảnh hưởng của dịch Covid-19, thì khu Đông trở thành tâm điểm, nhờ vào nhiều yếu tố cộng hưởng.
Việc Thủ tướng ủng hộ TP.HCM sáp nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức để xây dựng Khu đô thị sáng tạo phía Đông, là thông tin được nhiều nhà đầu tư kỳ vọng sẽ đẩy nhanh quá trình hình thành “thành phố phía Đông”. Đây là khu vực chỉ chiếm khoảng 10% diện tích và dân số, nhưng được Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân dự báo sẽ đóng góp đến 30% GRDP của toàn thành phố, và đây cũng sẽ là động lực phát triển của thành phố trong 5 - 10 năm tới.
Khu đô thị sáng tạo phía Đông dựa trên các trụ cột có sẵn là Khu công nghệ cao (KCNC) quận 9, Đại học Quốc gia TP.HCM (quận Thủ Đức) và Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2). Trong đó, KCNC là nơi tạo sức lan tỏa, góp phần phát triển công nghiệp hỗ trợ và phát huy năng lực nội sinh về khoa học và công nghệ cho các ngành sản xuất, khu công nghiệp của Thành phố và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Tổng giám đốc Công ty Nhịp Cầu Địa Ốc, đánh giá, dịch Covid-19 dù đã ảnh hưởng không nhỏ đối với kinh tế, nhưng cũng mang lại cơ hội cho Việt Nam, quốc gia được đánh giá chống dịch tốt nhất thế giới. Hiện nhiều nước châu Âu, Mỹ, Nhật đang có xu hướng giảm dần sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Việt Nam được xem là nước có nhiều cơ hội để đón đầu xu hướng dịch chuyển này. Đây cũng là yếu tố lạc quan cho triển vọng phục hồi kinh tế nói chung và nhu cầu nhà ở nói riêng.
Mặt khác, theo ông Hưng, động thái giảm một loạt lãi suất của Ngân hàng Nhà nước mới đây sẽ tác động tích cực đến thị trường. Lãi suất tiết kiệm ngắn hạn tối đa xuống chỉ còn 4,75%/năm, sẽ kích thích việc rút tiền gửi để mua bất động sản.
Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM Lê Hoàng Châu cho rằng, tác động tiêu cực của dịch Covid-19 chỉ là ngắn hạn, còn về lâu dài bất động sản luôn là một kênh đầu tư tiềm năng. Điều này đã được chứng minh trong cuộc khủng hoảng nhà đất năm 2008 - 2011, những người bắt đáy có tầm nhìn xa đều thu được lợi nhuận lớn. Chính vì vậy, dù hiện nay dịch Covid-19 ảnh hưởng đến nhiều ngành kinh tế, nhưng vẫn có làn sóng nhà đầu tư âm thầm mua nhà đất giữ tiền.
Dù nhận định có nhiều cơ hội nhưng Tổng giám đốc Công ty bất động sản Việt An Hòa cũng lưu ý, thời điểm này không dành cho đầu tư ngắn hạn, lướt sóng. Nhà đầu tư cần xác định đây là khoản đầu tư tương đối dài hạn, từ 2 - 3 năm, chứ không thể rút khỏi thị trường trong ngắn hạn như trước đây. Mặt khác, ông Quang cũng lưu ý, với nhà đầu tư có vốn mỏng không nên mạo hiểm trong lúc này. Nếu dùng đòn bẩy tài chính thì cũng không nên quá 50% so với số vốn tự có.