Dù đã được quy hoạch nhưng tới nay, thị trường bất động sản Tây Bắc TP.HCM vẫn chưa phát triển.
Khu vực được quy hoạch nói trên làm khu dịch vụ, thương mại, y tế, văn hóa, giáo dục đào tạo, thể dục thể thao và nghỉ dưỡng vui chơi giải trí cho TP.HCM và các tỉnh lân cận như Long An, Tây Ninh.
“Sa lầy” ở Tây Bắc
Đầu năm 2019, bà Võ Thúy Hằng mua 2 nền đất tại dự án Khu đô thị Thịnh Vượng, đường Nguyễn Thị Lắng, huyện Củ Chi, TP.HCM với giá hơn 1 tỷ đồng/nền đất rộng hơn 70 m2.
Tưởng như đầu tư đất nền ở đây để đón đầu sóng hạ tầng khi tuyến Metro số 2 Bến Thành - Tham Lương và tuyến Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài được xây dựng sẽ đi qua Củ Chi, nhưng tới nay đã 5 tháng rao bán, thậm chí cắt lỗ mỗi lô đất 20 triệu đồng so với mức giá mua ban đầu, nhưng vẫn không ai mua.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, một nhà đầu tư thứ cấp tại TP.HCM cho biết, đang mắc kẹt ở khu Tây Bắc 5 năm nay.
Ông Tuấn cho biết, năm 2015, khi thị trường bất động sản nóng sốt trở lại, ông cùng nhóm đầu tư xuống khu Tây Bắc TP.HCM để đầu tư đất nền, ông mua 3 lô tại một dự án với mỗi lô là hơn 700 triệu đồng trong khu dân cư được quảng cáo sẽ lợi nhuận tại Khu công nghiệp Đức Hòa 3, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Thế nhưng, tới nay, dự án này vẫn chưa có sổ đỏ, trong khi chủ đầu tư bị tỉnh Long An xử phạt vì lấy đất khu công nghiệp làm bất động sản bán nhà ở và doanh nghiệp cũng đã dừng hoạt động 1 năm.
“Vậy là tới nay đã 5 năm, tôi vẫn chưa thể thu hồi được vốn”, ông Tuấn nói.
Cũng trong cảnh “sa lầy” khi đầu tư vào bất động sản khu Tây Bắc, bà Thanh Tuyết, ngụ quận 9, TP.HCM cho biết, năm 2017, khi thông tin một tập đoàn lớn đầu tư làm dự án tại huyện Đức Hòa, bà cùng nhóm đầu tư đổ vốn mua đất tại khu Tây Bắc, nhưng sau khi ôm đất thì không thể ra hàng.
“Thị trường Tây Bắc đúng là nơi mà giới đầu tư khó kiếm lời nhất hiện nay. Đây cũng là nơi mà các doanh nghiệp địa ốc lớn tại TP.HCM bỏ ngỏ không phát triển dự án. Chính vì vậy, thị trường không thể phát triển, giá nhà cũng không tăng”, bà Tuyết nói.
Không chỉ nhà đầu tư thứ cấp mắc kẹt ở thị trường Tây Bắc TP.HCM, mà cả doanh nghiệp địa ốc cũng mắc kẹt ở đây.
Ông Đ.V.Q, Giám đốc Công ty Bất động sản H.V Land cho biết, hiện ông đang mệt mỏi với 2 dự án bất động sản rộng hàng chục héc-ta tại huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
Theo đó, năm 2014, ông về huyện Đức Hòa mua 2 khu đất để phát triển dự án nhà phố, nhưng không chỉ thủ tục pháp lý khó khăn, mà việc tìm kiếm khách hàng mua sản phẩm dự án mới là vấn đề lớn nhất. Cụ thể, từ năm 2016 tới nay, 2 dự án với hơn 1.000 sản phẩm vẫn chưa thể bán hết.
Nguyên nhân của việc thị trường khu Tây Bắc kém phát triển được ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Công ty Bất động sản LVH Land cho rằng, đến từ hạ tầng giao thông.
Trục giao thông huyết mạch của khu Tây Bắc là Quốc lộ 22 nối với đường Trường Chinh vào Cộng Hòa để đi trung tâm TP.HCM đang bị quá tải và kẹt cứng.
"Thị trường Tây Bắc TP.HCM dù rất nhiều quỹ đất và giá đất rất rẻ, nhưng lại không có điểm sáng về giao thông, về hạ tầng sống cơ bản, nên rất ít doanh nghiệp nhòm ngó". - Ông Lê Văn Hùng, Giám đốc Công ty Bất động sản LVH Land |
Cụ thể, từ huyện Củ Chi vào trung tâm TP.HCM chỉ 40 km, nhưng phải mất trung bình tới 3 giờ chạy xe ô tô, bởi Quốc lộ 22 chỉ 6 làn xe, nhưng lượng xe container, xe tải nặng…
Hoạt động lưu thông đi cửa khẩu mộc bài (tỉnh Tân Ninh) và đi Khu công nghiệp Đức Hòa (tỉnh Long An) rất lớn, khiến tình trạng kẹt xe diễn ra thường xuyên.
Ngoài ra, một điểm yếu nữa của khu vực này là có quá nhiều khu công nghiệp. Dù việc này tạo ra nguồn cầu lớn, nhưng lại ảnh hưởng tới môi trường, nên không thu hút người dân về ở.
“Các dự án khu thương mại, vui chơi giải trí, trường đại học… cũng thiếu vắng tại khi Tây Bắc TP.HCM, đã tạo cho thị trường này điểm mù với nhà đầu tư.
Thị trường này dù rất nhiều quỹ đất và giá đất rất rẻ, nhưng lại không có điểm sáng về giao thông, về hạ tầng sống cơ bản, nên rất ít doanh nghiệp nhòm ngó”, ông Hùng nói.
Cửa phát triển vẫn chưa mở
Ông Lê Văn Cường, giảng viên Khoa xây dựng, Đại học Bách Khoa TP.HCM cho rằng, đối với một thị trường bất động sản, để phát triển mạnh cần có các yếu tố cơ bản là hạ tầng giao thông thông thoáng, hạ tầng giáo dục, hạ tầng vui chơi giải trí phát triển.
Đơn cử, năm 2007 khi khu Nam TP.HCM được hoàn thiện hạ tầng giao thông với trục đường Nguyễn Văn Linh và khu Phú Mỹ Hưng và các khu vui chơi, giải trí, trường học xuất hiện, thị trường bất động sản ngay lập tức chiếm ngôi đầu của TP.HCM.
Sau đó, năm 2014, khi khu Đông phát triển hạ tầng giao thông, lẫn dịch vụ tiện ích, trong khi hạ tầng khu Nam quá tải, nên khu Đông đã thay thế khu Nam trở thành tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM.
Hay khu Tây Nam của Thành phố với tuyến đường An Dương Vương được xây dựng cũng ngay lập tức kích thị trường bất động sản phát triển.
Còn khu Tây Bắc thì tới thời điểm này, toàn bộ hạ tầng giao thông, lẫn hạ tầng giáo dục, tiện ích đều mới chỉ nằm trong quy hoạch dự kiến, nên toàn bộ khu vực này, thị trường bát động sản chưa thể phát triển.
Bên cạnh đó, câu chuyện quy hoạch của khu Tây Bắc vẫn chưa được hoàn thiện. Cụ thể, năm 2010, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 24 phê duyệt quy hạch phát triển TP.HCM theo mô hình đa cực.
Trong khi đó, khu nội đô hiện tại sẽ cải tạo lại và phát triển các không gian ngầm quanh khu vực nhà ga metro thành các trung tâm thương mại, tiện ích gắn với phương tiện công cộng. Đồng thời, Thành phố sẽ phát triển thêm về 4 hướng với 2 hướg chính là Đông và Nam; còn phía Tây Bắc sẽ xây khu đô thị mới...
Tới năm 2018, Thành phố thay đổi quy hoạch dự án Khu đô thị tây Bắc TP.HCM. Tiếp đó, ngày 20/2/2020 UBND TP.HCM chỉ đạo Ban Quản lý đầu tư xây dựng Khu đô thị Tây Bắc phối hợp với các cơ quan liên quan điều chỉnh quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 Khu đô thị Tây Bắc Thành phố.
Theo quy hoạch, Khu đô thị mới Tây Bắc hướng đến sự hiện đại với đầy đủ chức năng, đảm bảo đồng bộ hạ tầng, kỹ thuật thu hút các nhà đầu tư. Các công trình cao tầng được ưu tiên bố trí cạnh trục giao thông chính như trục song hành Quốc lộ 22, dọc tuyến Metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương - Củ Chi)...
Tuy nhiên, đến nay, tuyến Metro số 2 và Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đi qua khu Tây Bắc, được cho là lực đẩy mở cửa thị trường Tây Bắc vẫn còn trong giai đoạn đền bù giải phóng mặt bằng, chưa biết cụ thể thời điểm khởi công, nên cánh cửa cho thị trường bất động sản Tây Bắc vẫn còn chưa mở.
Theo Báo Đất Việt