Không gian xanh là xu hướng tất yếu khi tốc độ đô thị hoá, ô nhiễm ngày càng gia tăng. Tuy nhiên, kiến tạo không gian xanh không phải là điều dễ dàng nếu như không có sự chung tay giữa Nhà nước, nhà đầu tư và người dân.
Không gian xanh - Tăng giá trị cho các khu đô thị mới
Vài năm trở lại đây, người mua nhà ngày càng có yêu cầu cao hơn khi chọn lựa một không gian sống trong lành nhằm đảm bảo sức khoẻ tốt nhất cho mỗi thành viên gia đình. Tuy nhiên, hiểu đầy đủ và trọn vẹn về một không gian đáng sống tại các đô thị lại chưa rõ ràng. Nhiều người vẫn nhầm tưởng đó là không gian có nhiều cây xanh nhưng thực tế, không gian sống cần những tiêu chí khác như tiết kiệm năng lượng, tiêu chuẩn về không gian mặt nước, cây xanh đúng như quy định…
Không gian xanh là xu hướng tất yếu khi tốc độ đô thị hoá, ô nhiễm ngày càng gia tăng.
Giới chuyên gia khẳng định, không gian xanh chính là yếu tố tạo nên sức hấp dẫn của một khu đô thị mới. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, tốc độ phát triển không gian xanh của những đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM không thể “theo kịp” với tốc độ đô thị hoá và gia tăng dân số nội đô. Chính vì thế, kiến tạo không gian xanh trong đô thị hiện đại là bài toán không dễ giải.
Thấu hiểu tâm lý khách hàng, nhiều chủ đầu tư cũng đã đặt mục tiêu xây dựng không gian sống xanh khi xây dựng các khu đô thị, nhà ở. Điển hình phải kể đến các công ty tập đoàn: Tập đoàn Capital House, Văn Phú - Invest, Phúc Khang, Novaland, Ecopark, Vạn Phúc... Những đơn vị này đã dành tâm huyết nhiều năm nghiên cứu và ứng dụng không gian sống xanh thực sự vào các dự án.
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, Tổng Thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho hay: Để phát triển bền vững theo hướng tăng trưởng xanh là mục tiêu hàng đầu trong quá trình đô thị hóa.
Ông Đỗ Viết Chiến khẳng định: "Những cư dân đã có thể sẵn sàng đi xa hơn để được hít thở không khí trong lành, sẵn sàng trả thêm chi phí để được sống trong những quần thể xanh hơn. Điều ấy thật quan trọng bởi khởi nguồn của tất cả những sự thay đổi phải là từ nhận thức. Mà muốn nhận thức thay đổi thì không gì quý giá và hữu ích hơn việc trực tiếp trải nghiệm".
Ở góc nhìn doanh nghiệp, bàn luận về chủ đề này, ông Tô Như Toàn, Chủ tịch Văn Phú - Invest cho biết: "Trước đó, chúng ta nói đến nhu cầu về không gian sống còn bây giờ là môi trường sống, có nghĩa là các tiện ích xung quanh. Không gian sống thì những người có nhu cầu tài chính cao hơn sẽ có nhiều cơ hội tiếp cận hơn, còn môi trường sống xung quanh là các tiện ích, tiện nghi đáp ứng cuộc sống của cư dân".
Đặc biệt, ông Tô Như Toàn nhấn mạnh, quan trọng bây giờ còn là người sống cạnh mình là ai. Môi trường sống tốt mấy, không gian sống tốt mấy thì người bên cạnh mình như thế nào, có hài hòa hay không cũng vô cùng quan trọng. Các chủ đầu tư, nhà nghiên cứu, KTS phải làm sao có cách thức nào đó để tạo được môi trường sống xung quanh tốt nhất ngoài việc bán được căn nhà để sinh sống.
"Nếu làm được điều đó, tôi cho rằng việc kinh doanh sẽ tốt. Đó là tư duy mà chúng tôi – Những người sát với cư dân, người tiêu dùng nhất cho rằng cần phải đáp ứng được. Đây chính là tâm lý, mong muốn của khách hàng", ông Tô Như Toàn nhận định.
Kiến tạo không gian xanh dễ hay khó?
Không gian xanh trong thiết kế các đô thị hiện nay đang được nhiều người ưa chuộng. Tuy nhiên, do diện tích đất ngày càng thu hẹp, nên việc tạo không gian xanh cho các dự án khá khó khăn. Để tạo được một không gian xanh như ý, mang lại hiệu quả tốt, các kiến trúc sư, nhà quy hoạch, doanh nghiệp cùng đưa quan điểm cần có những giải pháp toàn diện và tổng thể từ quy hoạch, kiến trúc, pháp lý, trách nhiệm của cả Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.
Kiến tạo không gian xanh là mục tiêu của các doanh nghiệp khi xây dựng các đô thị hiện đại
Đưa ra giải pháp kiến tạo một không gian xanh, ông Đỗ Viết Chiến cho rằng: "Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để tư duy sống xanh - thông minh trở thành nhu cầu bức thiết, là sự chọn lựa của số đông và đưa điều đó trở thành nhận thức bền vững thì sự nỗ lực của riêng các chủ đầu tư thôi là chưa đủ. Để có một liên kết đô thị, từ Nhà nước - nhà đầu tư, cho đến người dân hưởng thụ phải hiểu được vấn đề này và thống nhất trong hành động, như vậy mới mong có được đô thị xanh".
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, xây dựng đô thị hiện đại cần dựa vào hai thứ: Một là văn hóa, hai là tôn giáo. Ở Việt nam tôi nghĩ rằng có 2 đặc điểm quan trọng: Thứ nhất là họ thích hòa đồng với thiên nhiên. Thậm chí nhiều đại gia cũng rất yêu thích không gian cây cảnh, đất đai rộng lớn làng quê. Thứ hai là giao tiếp cộng đồng. Người Việt Nam rất khó sống yên mà không giao tiếp hàng xóm. Giao tiếp họ hàng, dòng tộc, làng xóm là một đặc điểm quan trọng.
"Chúng ta xây dựng bất kỳ đô thị hiện đại nào cũng phải dựa trên nền tảng văn hóa, truyền thống, phong thủy cũng như tâm linh của người Việt", nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho hay.
Còn theo KTS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Văn Phú Invest: "Phát triển đô thị bền vững không chỉ là đưa người đến ở mà chúng ta phải giải quyết được cả cuộc sống của cư dân đô thị đó. Vì thế mà Chính phủ có nhiều chính sách hướng đến 4.0 là giải pháp hướng đến sự phát triển hài hòa, bền vững đó.
Để xây dựng một dự án xanh bền vững, ban đầu chủ đầu tư phải tìm được nhà tư vấn phát triển dự án để tư vấn hoàn thiện các tiêu chí. Đồng thời, nhà tư vấn phải có năng lực tính toán, chia sẻ với nhà đầu tư về các tiêu chí và khi ứng dụng phải có sự chắt lọc theo từng dự án, từng khu vực...".
Đưa ra giải pháp tạo không gian xanh trong đô thị, PGS.TS, KTS. Hoàng Mạnh Nguyên, Giám đốc điều hành Viện đô thị xanh Việt Nam cho rằng: "Sơ khai của một đô thị hiện nay cần rất nhiều yếu tố về các nguồn lực, tổ chức sinh kế, khai thác tài nguyên… Đô thị hoá không phải là di cư vào thành phố, bành trướng thành phố mà là sự phát triển bền vững.
Với một đô thị, đầu vào bao gồm thức ăn, nước sạch, có các nguồn năng lượng,… Sau khi vào đô thị xong, thì nó thải ra nước xám, rác, chất thải rắn… Như vậy, muốn một đô thị xanh thì phải giảm thiểu đầu vào đồng thời làm sạch đầu ra. Để các yếu tố này giao nhau thì chúng ta sẽ hướng đến được đích là đô thị bền vững".