Cuối năm là khoảng thời gian nhiều người ngại ngần không muốn nghỉ việc vì tiếc lương thưởng. Tuy nhiên, nếu công ty tồn tại những đặc điểm này, cần phải "cắt bỏ" càng sớm càng tốt.
Điều quan trọng nhất khi còn đi học là gặp được một giáo viên tốt, để chúng ta học tập tri thức và nên người. Còn điều quan trọng nhất khi đã trưởng thành là gặp được một môi trường phát triển tốt, đó có thể là một người cấp trên dìu dắt, hoặc một công ty tiềm năng. Có như vậy, sự nghiệp của chúng ta mới có cơ hội tăng tiến, sự nghiệp thăng hoa, có đủ bản lĩnh để tự nuôi sống chính bản thân cũng như gia đình sau này.
Ngược lại, nếu môi trường làm việc tại các công ty không tốt, chúng ta rất dễ trở thành "nạn nhân" đánh mất tuổi trẻ và lãng phí tài năng, làm xói mòn động lực cùng sức sáng tạo. Theo thời gian trôi qua, càng ở lại những môi trường kém, chúng ta càng sai lệch về định hướng tương lai của chính mình.
Do đó, ngay từ thời điểm đầu tiên khi bước chân vào xã hội, hãy cố gắng sàng lọc, tìm đến một công ty biết tạo điều kiện phát triển cho công nhân viên, giúp chúng ta giảm thiểu được rất nhiều thiệt thòi, kiếm được nhiều tiền hơn, xây dựng một tương lai tốt hơn và tìm cách tránh xa các công ty có môi trường yếu kém, làm thui chột tài năng.
Giờ thì hãy tự hỏi bản thân xem, công ty của bạn có 4 dấu hiệu sau không, nếu có, hãy cân nhắc kỹ về tương lai:
1. Đặc điểm đầu tiên, công ty có hay mở các cuộc họp hay không?
Trong mỗi một công ty, việc mở các cuộc họp là một hoạt động vô cùng bình thường, thuộc về quy trình điều hành và quản lý cơ bản để mọi người báo cáo hiệu suất công việc, các vấn đề rắc rối gặp phải, thảo luận phương hướng giải quyết, thay đổi những vấn đề bất cập... Các cuộc họp được triển khai hiệu quả rất hữu ích cho công tác của cả tập thể.
Nhưng nếu công ty của bạn yêu cầu họp mỗi ngày lại đem tới nhiều hại hơn là lợi. Thậm chí có những bộ phận bắt nhân viên họp ngay vào thời điểm chuẩn bị hết giờ làm việc, khiến mọi người tham gia trong tâm trạng không thoải mái, lơ là thiếu tập trung.
Một điểm không thỏa đáng nhất trong "văn hóa họp hành" là khi các lãnh đạo mở cuộc họp dài hàng giờ đồng hồ chỉ vì một vấn đề nhỏ nhặt, yêu cầu tất cả nhân sự tham gia, nếu ai vắng mặt sẽ bị phê bình là người không có ý thức trách nhiệm. Đáng lẽ mọi chuyện có thể giải quyết nhanh gọn chỉ trong vài phút đồng hồ thì họ lại lấy nhỏ nói lớn, gây lãng phí không ít thời gian và công sức của cả tập thể.
Có phương pháp quản lý, điều hành hiệu quả để không gây lãng phí công sức và thời gian của nhân viên là một tiêu chí cốt lõi khi lựa chọn doanh nghiệp.
2. Đặc điểm thứ hai, mức lương hứa hẹn ban đầu khi tuyển dụng và thực tế có sự khác biệt hay không?
Đây là vấn đề nhiều người gặp phải khi mới chân ướt chân ráo vào công ty. Vào thời điểm phỏng vấn tuyển dụng, ví dụ cấp trên đã đề cập tới mức lương thử việc là 5 triệu mỗi tháng, mức lương chính thức khi làm tốt là 7 triệu mỗi tháng. Nhưng khi chúng ta thực sự vượt qua giai đoạn thử việc 1-2 tháng ban đầu và được giữ lại làm chính thức, mức lương thực sự trong hợp đồng chỉ là 6 triệu đồng mỗi tháng mà thôi.
Nếu chúng ta có thắc mắc, lý do luôn là "Do thực tế công việc của em hiện nay chưa hề phức tạp, vẫn còn nằm dưới điều kiện tiêu chuẩn của vị trí đó, cho nên mức lương cố định phải hạ xuống một chút".
Lời khuyên duy nhất cho trường hợp này chính là tìm kiếm một công ty khác ngay. Công ty mới chưa chắc đã cung cấp được môi trường tốt đẹp, nhưng ít nhất phải là đơn vị nói được làm được.
3. Đặc điểm thứ ba, công ty có phải tuyển người mới liên tục hay không?
Vấn đề lưu động nhân sự là điều bình thường, nhưng việc nhân viên từ chức quá nhiều trong cùng một thời điểm, công ty liên tục phải tuyển người mới lại là vấn đề đáng quan ngại. Điều đó chứng tỏ tình hình phát triển của công ty đang không bình thường.
Một nguyên do khác cho tình trạng biến động nhân sự số lượng lớn là do các chế độ phúc lợi cho nhân viên hoàn toàn yếu kém như áp lực công việc cao, mức lương thấp hoặc phương pháp quản lý của lãnh đạo có vấn đề... Dù là với nguyên nhân nào thì đây đều không phải một sự lựa chọn thích hợp cho các nhân tài cống hiến lâu dài.
Xây dựng văn hóa lâu bền cho cả doanh nghiệp chính là một trong những yếu tố cốt lõi để giữ chân nhân viên tiếp tục cống hiến liên tục cho cả tập thể.
4. Đặc điểm thứ tư, công ty có sẵn sàng chia sẻ "cái bánh" cho nhân viên hay không?
Nhờ có bánh xe lăn, chiếc xe mới có thể di chuyển. Cũng như việc nhờ có nhân viên không ngừng cống hiến, một doanh nghiệp mới có thể đi vào hoạt động bình thường. Thế nhưng không ít đơn vị lại cho rằng bản thân mình không ngừng phát triển và thu về lợi ích là chuyện đương nhiên chứ không hề ghi nhận công lao của những nhân viên xứng đáng.
Trong thực tế, giữa nhân viên với công ty là mối quan hệ hợp tác, hai bên cùng chia sẻ một lợi ích chung. Khi một bên luôn nỗ lực xây dựng để phát triển, kiến tạo giá trị thì bên còn lại cũng có trách nhiệm phải trao trả những giá trị tương xứng với công sức họ đã bỏ ra. Khi "chiếc bánh lợi ích" được chia đều công bình cho tất cả mọi người, quan hệ hợp tác mới có thể tồn tại dài lâu và bền vững.
Trong quá trình từ ngày đầu trưởng thành tới khi xây dựng được sự nghiệp cho riêng mình, chúng ta có thể gặp phải rất nhiều các đơn vị công tác khác nhau, có nơi tốt, cũng có nơi không tốt. Khi gặp cơ hội tốt, chúng ta nên học cách trân trọng và tận dụng, còn nếu gặp cơ hội xấu, chúng ta cũng nên kịp thời rời đi, vì thời gian và công sức đã lãng phí, khó lòng có thể lấy lại.
Phương Thúy - Theo Trí thức trẻ