Chưa bao giờ khó vậy
“Vậy là toang quý một rồi”, anh Tùng, giám đốc một công ty môi giới bất động sản nhỏ tại quận Thủ Đức, TPHCM thở dài.
Anh Tùng cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán 2020, doanh nghiệp 10 người của anh bỗng “ngồi chơi xơi nước” cho đến nay. Thị trường thiếu hụt nguồn cung, dự án mới nhỏ giọt trong khi số lượng sàn giao dịch, nhân viên môi giới cả chục nghìn người luôn sẵn sàng cạnh tranh khốc liệt để giành giỏ hàng. Với những công ty nhỏ như của anh Tùng thì việc chen chân vào thị phần này không hề đơn giản.
Trong bối cảnh đó, dịch bệnh Covid-19 bùng phát lại càng khiến cho tình hình thêm bết bát hơn. Mọi hoạt động tiếp xúc với khách hàng đều bị hủy bỏ.
“Khách hàng cũng lo ngại dịch bệnh nên hễ anh em gọi điện xin gặp là từ chối”, anh Tùng nói.
Điều vị giám đốc trẻ này trăn trở hơn cả là làm sao để giữ được nhân viên trong tình hình khó khăn hiện nay. Bởi, môi giới bất động sản lương cơ bản rất thấp, thu nhập chủ yếu phụ thuộc vào hoa hồng nhưng hiện nay không có giao dịch.
Mặt khác, với một doanh nghiệp non trẻ, việc duy trì trả lương cơ bản dù ít cũng là một thách thức do nguồn tích lũy hạn chế. Số tiền thuê mặt bằng hàng tháng khoảng 25 triệu đồng cũng là một gánh nặng khiến anh Tùng phải đau đầu.
“Trong mười năm làm bất động sản, chưa bao giờ tôi thấy thị trường khó khăn như hiện nay”, anh Tùng thở dài.
Hàng trăm doanh nghiệp đóng cửa
Báo cáo tình hình kinh tế xa hội tháng 2 và hai tháng đầu năm vừa được Tổng Cục thống kê công bố cho thấy, trong hai tháng đầu năm 2020, có năm lĩnh vực có số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, lĩnh vực bất động sản có 790 doanh nghiệp đăng ký, giảm 6%.
Đây là lần hiếm hoi lĩnh vực bất động sản có số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bị sụt giảm. Trước đây, bất động sản luôn là lĩnh vực nằm trong tốp dẫn đầu về số lượng doanh nghiệp thành lập mới.
Nhiều chuyên gia cho rằng, việc sụt giảm số lượng doanh nghiệp đăng ký thành lập mới phản ánh đúng thực tế khó khó khăn của thị trường bất động sản hiện nay. Số lượng dự án mới sụt giảm, nguồn cung khan hiếm cùng với đó là diễn biến phức tạp của dịch bệnh gây nhiều khó khăn cho ngành bất động sản.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam, cho biết khó khăn của thị trường cùng diễn biến phức tạp của dịch bệnh đang khiến nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động một phần.
Cụ thể, 1/3 số sàn giao dịch bất động sản phải đóng cửa vì chủ đầu tư dự án không mở bán sản phẩm. Tính đến hết năm 2019, cả nước có khoảng 1.000 sàn bất đống sản hoạt động trên thị trường, hiện đã có khoảng 300 trong số này phải đóng cửa vì khó khăn chồng chất.
Ngoài ra, ước tính có khoảng 500 sàn giao dịch phải tạm dừng hoạt động tạm thời. Những doanh nghiệp này đang phải tìm nhiều phương án để bám trụ như cho nhân viên nghỉ luân phiên để giảm chi phí, một số thì giảm nhân sự.