Mcredit đòi nợ bằng văn hóa “giang hồ”?

25/02/2022 10:16

Gần 500 cuộc điện thoại gọi liên tục trong 5 ngày nhằm để đòi nợ và yêu cầu trả nợ thay người khác cho Mcredit, chị Hoàng Thị Quỳnh đã bị xáo trộn cuộc sống và hình ảnh của bản thân bị ảnh hưởng nặng nề.

Theo đó, để đòi số tiền nợ của chị T.T.T.H (trú tại Nam Định), các nhân viên của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) đã liên tục gọi điện cho chị Hoàng Thị Quỳnh để đòi nợ vì cho rằng chị là người quen của người đang nợ ngân hàng.

Cụ thể, ngày 14/2, chị Quỳnh nhận được cuộc gọi của một nhân viên phòng thu hồi nợ của Công ty Tài chính TNHH MB Shinsei (Mcredit) yêu cầu chị liên hệ một người tên H để nhắc nhở người này trả khoản nợ với Mcredit. Không dừng lại ở đó, nhân viên này còn yêu cầu chị Quỳnh phải trả nợ hộ nếu chị H không có khả năng trả.

danh-sach-so-dien-thoai-1645758135.png

Mỗi ngày chị Quỳnh nhận gần 100 cuộc điện thoại đòi nợ từ Mcredit

Mặc dù chị Quỳnh đã giải thích và nhấn mạnh rằng chị không quen chị H, và yêu cầu công ty không tiếp tục “khủng bố” điện thoại nữa. Tuy nhiên, Mcredit không dừng lại, mà còn sử dụng hệ thống gọi điện thoại tự động, sẽ tắt trong vòng 2 giây khi người nhận bắt máy và liên tục gọi vào số của chị Quỳnh.

“Họ gọi liên tục cả một ngày, tôi đã cố gắng giải thích tôi không có liên quan đến việc này và đã chặn các số điện thoại của Mcredit, nhưng mà bên công ty này có rất nhiều số điện thoại khác nhau không thể chặn hết được. Khi tôi kiên quyết nói mình không liên quan đến vụ việc thì một số nhân viên của Mcredit còn dùng những lời lẽ đe dọa tôi và gia đình” chị Quỳnh bức xúc.

tin-nhan-doi-no-1645758134.jpg

Mcredit liên tục nhắn tin chị Quỳnh nhắc nhở thanh toán nợ thay cho chị H

Theo chị Quỳnh phản ánh, chỉ trong vòng 5 ngày, chị đã nhận được gần 500 cuộc điện thoại bắt đầu từ sáng sớm và đến tối mới dừng lại. Với tần suất gọi dày đặc như thế, số điện thoại của chị luôn trong tình trạng máy bận và trong những ngày này, chị không thể nào tập trung làm việc, tiến độ công việc cũng bị chững lại.

“Mcredit yêu cầu tôi phải có trách nhiệm với khoản nợ của một người khác không quen biết, tôi đã gọi điện thoại cho tổng đài để phản ánh về việc này, tuy nhiên không ai bắt máy” chị Quỳnh chia sẻ.

Bên cạnh việc gọi điện, công ty này còn dùng SMS để nhắn tin nhắc nhở, đáng nói hơn, công ty này còn dùng các tài khoản trên mạng xã hội nhắn tin liên tục tới tài khoản mạng xã hội của chị Quỳnh.

Không dừng lại đó, Mcredit còn “khủng bố” tinh thần chị Quỳnh bằng cách sử dụng hình ảnh của chị cùng với các ngôn từ xúc phạm để bôi nhọ danh dự, hình ảnh cá nhân của chị để đăng lên các trang mạng xã hội. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến tinh thần mà còn làm xáo trộn cuộc sống và ảnh hưởng nặng nề đến công việc, danh dự và hình ảnh của chị với gia đình, bạn bè và đối tác.

 

“Trong những ngày này tôi đã rất trầm cảm khi liên tục đối mặt với hàng trăm cuộc gọi và những lời chất vấn từ gia đình, bạn bè và đối tác của tôi. Tôi đã phải bật khóc trong giây phút cuối cùng khi giải thích với gia đình rằng tôi không có khoản nợ đó” chị Quỳnh bức xúc nói.

Sau khi nhận được thông tin phản ánh của chị Quỳnh qua báo chí và mạng xã hội, ngày 22/2, Mcredit đã có thư xin lỗi đến chị và “ngầm” thừa nhận văn hóa đòi nợ “giang hồ” của nhân viên công ty này.

mcredit-xin-loi-khach-hang-1645758135.jpg

Thư xin lỗi của Mcredit gửi đến chị Quỳnh sau những ngày bị "khủng bố" tinh thần

“Sự việc trên xảy ra là ngoài mong muốn của Mcredit, Mcredit nghiêm túc tiếp nhận phản ánh của bà, thực hiện xử lý vi phạm nội bộ theo quy định và tăng cường rà soát nội bộ” văn bản xin lỗi của công ty tài chính gửi đến chị Quỳnh.

Qua vụ việc này, chị Quỳnh nhắn nhủ với nhiều nạn nhân đang bị các công ty tài chính quấy rối, đe dọa bằng hình thức nhắn tin, gọi điện cần phải bình tĩnh thu thập các bằng chứng và nhờ đến cơ quan chức năng can thiệp, xử lý.

Theo Nghị định 15/2020/NĐ-CP chính thức có hiệu lực ngày 15/04/2020 quy định về trách nhiệm sử dụng mạng xã hội.

Tại điểm G khoản 3 Điều 102, có quy định: Đối với các trường hợp người sử dụng điện thoại để đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác, sẽ có biện pháp xử phạt với mức phạt từ 10-20 triệu đồng.

Căn cứ điểm e khoản 3 Điều 102, chủ nợ tự ý đăng ảnh người vay lên Facebook để đòi tiền có thể bị phạt hành chính từ 05 - 10 triệu đồng.

Ngoài ra, nếu người nào sửa chữa, ghép ảnh làm sai lệch nội dung của hình ảnh nhằm xâm phạm uy tín, nhân phẩm của cá nhân thì có thể bị phạt từ 30 - 40 triệu đồng theo quy định tại điểm c khoản 5 Điều 18 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.

Ngoài bị phạt tiền, nếu hành vi đăng ảnh người khác lên Facebook đã xúc phạm nghiêm trọng danh dự, nhân phẩm của người khác thì người thực hiện hành vi này có thể bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 155 Bộ luật Hình sự.

Theo Hoàng Thơ/Doanh Nghiệp Việt Nam

Bạn đang đọc bài viết "Mcredit đòi nợ bằng văn hóa “giang hồ”?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.