Lãi suất được dự báo đi ngang trong thời gian tới, khi mức giảm cho vay và huy động đã gần tương đương, và triển vọng tín dụng có thể cải thiện.
Trên thị trường 1, từ 1/7, các ngân hàng thương mại (NHTM) đồng loạt giảm lãi suất tiền gửi từ 10 đến 90 điểm cơ bản tùy từng kỳ hạn. Đi đầu là 4 NHTM có vốn nhà nước với mức giảm 25 - 30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn dưới 6 tháng và 50 điểm cơ bản ở các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên.
Một số ngân hàng có mức giảm lớn hơn 4 NHTM Nhà nước (50 - 90 điểm cơ bản) là Techcombank, ACB, TPBank… Các NHTM thường huy động lãi suất cạnh tranh (VPBank, SHB, HDBank…) cũng giảm từ 10 - 30 điểm cơ bản. Đây là đợt hạ lãi suất mạnh nhất và tiếp nối đà giảm từ cuối năm 2019 đến nay.
Lãi suất tiền gửi hiện ở mức 3,5 - 4,25% với kỳ hạn dưới 6 tháng, 4,4 - 6,7% với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng, từ 5,5 - 7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Vùng lãi suất này đã thấp hơn 0,75 - 1%/năm ở kỳ hạn dưới 6 tháng và thấp hơn 1 - 2%/năm ở các kỳ hạn 6 tháng trở lên so với thời điểm cuối năm 2019.
Bên cạnh tác động từ hạ lãi suất điều hành, lãi suất tiền gửi giảm chủ yếu do đầu ra tín dụng yếu. Tăng trưởng tín dụng đến 29/6 chỉ đạt 3,26% so với cuối 2019, dù có tăng tốc trong tháng 6 nhưng vẫn ở rất thấp so với mức 7,36% của cùng kỳ năm trước.
Tăng trưởng huy động cao hơn tín dụng khiến cho các NHTM dư thừa Việt Nam đồng và cần giảm lãi suất tiền gửi. Sau đợt này, nhiều khả năng lãi suất tiền gửi sẽ đi ngang vì 3 lý do.
Thứ nhất mức giảm lãi suất huy động 1 - 2% đã gần bằng với mức giảm lãi suất cho vay. Thứ hai, triển vọng tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện do các hoạt động kinh tế, giao thương đang dần hồi phục và giải ngân đầu tư công được đẩy mạnh. Thứ ba là điều hành lãi suất được cân đối với yếu tố tỷ giá và lạm phát.