Kiến nghị tâm huyết của doanh nghiệp

22/02/2020 19:23

Nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản nếu không sớm được tháo gỡ có thể gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế và xã hội

Nhiều vướng mắc của các doanh nghiệp bất động sản nếu không sớm được tháo gỡ có thể gây ra nhiều hệ lụy cho kinh tế và xã hội

Ngày 22-2, UBND TP HCM tổ chức hội nghị tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN) bất động sản (BĐS) trên địa bàn. Với vai trò là người kết nối giữa lãnh đạo TP và DN, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), chia sẻ với Báo Người Lao Động về một số nội dung sẽ được các DN và HoREA nêu ra tại hội nghị để lãnh đạo TP lắng nghe, tháo gỡ.

Phóng viên: Những khó khăn nào của các DN sẽ được đưa ra trong lần hội nghị này, thưa ông?

- Ông LÊ HOÀNG CHÂU: Tham dự hội nghị lần này có khoảng 20 DN với gần 30 dự án đang gặp khó khăn sẽ đưa ra kiến nghị để lãnh đạo TP quan tâm giải quyết. Trong số này có nhiều DN gặp khó khăn kéo dài, nhiều lần kiến nghị nhưng chưa được tháo gỡ. Đặc biệt, có một số DN đã bắt đầu kiệt sức như: Novaland, Lê Thành, Sơn Kim, Him Lam, Hưng Lộc Phát,… với các vướng mắc liên quan đến đất công, đất xen cài, khó cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thiếu chính sách hỗ trợ DN phát triển nhà ở xã hội...

Kiến nghị tâm huyết của doanh nghiệp - Ảnh 1.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA)

Công ty Lê Thành là một trong những DNTN hiếm hoi đầu tư các dự án nhà ở xã hội, đặc biệt là đầu tư cả các dự án nhà ở xã hội cho thuê, bằng nguồn vốn của DN trên quỹ đất do DN nhận chuyển nhượng. Nhưng 2 dự án nhà ở xã hội mà Công ty Lê Thành triển khai đang bị vướng mắc mấy năm qua đến nay vẫn chưa được giải quyết. Hay Tập đoàn Novaland bị vướng một loạt dự án không thể triển khai được, hàng ngàn tỉ đồng đã đầu tư chưa thể thu hồi khiến DN kiệt quệ. Mới đây, tập đoàn này đã phải gửi thư kêu cứu tới Thủ tướng mong sớm giải quyết khó khăn.

Những lần trước, HoREA đã đưa ra nhiều kiến nghị nhằm hỗ trợ DN và thị trường, vậy lần này, ông mang tới hội nghị những nội dung gì?

- Chúng tôi gửi đến lãnh đạo UBND TP HCM 14 vấn đề, bao gồm cả những kiến nghị lên trung ương với mong muốn sớm tháo gỡ những vướng mắc trong thực hiện thủ tục đầu tư xây dựng; khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các dự án nhà ở và những khó khăn mà các DN BĐS đang gặp phải. Trong đó, tập trung vào 4 vấn đề quan trọng: đề nghị xác định quy trình thực hiện nhà ở hợp lý; giải quyết nhanh thủ tục nộp tiền sử dụng đất dự án nhà ở; sớm xem xét giải quyết các dự án đang bị dừng triển khai và đề nghị giải quyết các rào cản "chỉ tiêu quy mô dân số" các quận, huyện.

Kiến nghị tâm huyết của doanh nghiệp - Ảnh 2.

Một dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành đang vướng mắc về thủ tục đất đai, xây dựng... Ảnh: PHẠM ĐÌNH

Đặc biệt, chúng tôi đề nghị TP lưu ý những bất cập về quy trình thực hiện dự án nhà ở với 6 bước, gồm: thủ tục quyết định chủ trương đầu tư (bước 1); trình duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 (bước 2); làm thủ tục vào thuê đất (bước 3); DN lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, tiền nộp tiền sử dụng đất (bước 4); cấp sổ đỏ dự án (bước 5); DN được công nhận chủ đầu tư, thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và triển khai tổ chức xây dựng (bước 6).

HoREA nhận thấy pháp luật về đất đai và pháp luật về kinh doanh BĐS không quy định chủ đầu tư dự án nhà ở phải nộp tiền sử dụng đất tại thời điểm này (bước 4), mà chỉ quy định chủ đầu tư dự án nhà ở bắt buộc phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với nhà nước trong 2 trường hợp: để làm thủ tục cấp sổ đỏ bán nhà hoặc huy động vốn bán nhà ở hình thành trong tương lai. Nếu nộp tiền sử dụng đất tại bước 4, DN bị chôn vốn, chi phí đầu tư, chi phí vốn, chi phí quản lý sẽ tăng lên mà cuối cùng người mua nhà phải gánh chịu. Bên cạnh đó, nếu đến bước 6, DN mới được công nhận chủ đầu tư, mới được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng và mới được thi công xây dựng các công trình của dự án cũng không phù hợp với pháp luật về xây dựng, pháp luật về quy hoạch đô thị. Khi đó, DN bị chôn vốn trên dưới 5 năm, làm tăng giá thành mà cuối cùng người mua phải gánh chịu.

Tôi nhận thấy quy trình giải quyết thủ tục đầu tư xây dựng là nội dung cực kỳ trọng yếu cần được các DN BĐS nghiên cứu phản biện có sức thuyết phục từ thực tiễn hoạt động của DN để UBND TP có căn cứ cứu xét lại và ban hành quy trình vừa bảo đảm đúng quy định của pháp luật, đúng trình tự công tác chuẩn bị đầu tư thực hiện dự án nhỏ vừa công bằng cho DN.

Theo ông, nếu những vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời sẽ tác động đến DN và thị trường ra sao?

- Thực tế, thời gian qua một phần khó khăn của các DN và dự án đã được TP tháo gỡ vướng mắc nhưng dự án vẫn chưa thể khởi động lại. Trong khi phần lớn các kiến nghị trước đây được giải quyết còn chậm. Hiện tại, nhiều DN đã khó khăn, cắt giảm nhân sự, chi phí vốn gia tăng… nếu những khó khăn kéo dài chắc chắn họ sẽ kiệt quệ, thị trường không có sản phẩm để bán trong khi nhu cầu nhà ở của xã hội rất lớn. Từ đó nảy sinh nhiều hệ lụy lớn cho xã hội và nền kinh tế như nợ xấu, sốt đất ảo, lừa đảo, mua bán nhà đất bất hợp pháp tràn lan... 

16 năm chưa triển khai được dự án

Là một trong những DN tham dự hội nghị, Công ty CP Địa ốc Phú Long kiến nghị tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc bồi thường giải phóng mặt bằng 2 dự án công ty này làm chủ đầu tư. Cụ thể, năm 2004, DN này trúng đấu giá đất bao gồm 14 khu đất có diện tích 44,49 ha tại xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè để thực hiện dự án Dragon City. Công ty đã thanh toán đủ toàn bộ tiền trúng đấu giá, hoàn tất nghĩa vụ tài chính đối với 14 khu đất theo đúng quy định và đã được UBND TP cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Tuy nhiên đến nay, tại phân khu số 15 của dự án vẫn còn tồn tại 1 căn nhà trên khu đất và một số hộ dân không chịu di dời dẫn đến hơn 16 năm nay công ty không thể triển khai dự án.

Tương tự, dự án ngầm hóa đường điện cao thế 220 KV Nhà Bè - Tao Đàn (đoạn từ cầu Rạch Đĩa đến trạm Nhà Bè), công ty đã chuyển hơn 160 tỉ đồng cho Trung tâm Phát triển quỹ đất để bồi thường giải phóng mặt bằng nhưng hơn 12 năm nay, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Ban Bồi thường Giải phóng mặt bằng huyện Nhà Bè vẫn chưa bồi thường giải phóng mặt bằng xong để giao đất cho công ty thực hiện dự án ngầm hóa và chưa biết bao giờ việc bồi thường giải phóng mặt bằng được thực hiện xong.

Sơn Nhung - TheoNLD
https://nld.com.vn/kinh-te/kien-nghi-tam-huyet-cua-doanh-nghiep-20200221220855491.htm

Bạn đang đọc bài viết "Kiến nghị tâm huyết của doanh nghiệp" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.