Chính phủ vừa ban hành nghị định về khung giá đất áp dụng cho giai đoạn 2020-2024, với mức tăng chung 20%. Tuy nhiên, mức giá đất ở mức cao nhất cho các đô thị đặc biệt vẫn giữ nguyên như hiện nay là 162 triệu đồng/m2.
Theo khung giá đất Chính phủ vừa ban hành áp dụng trong giai đoạn từ 2020-2024, giá đất ở Hà Nội, TP HCM cao nhất 162 triệu đồng/m2 - Ảnh: XUÂN LONG
Theo quy định, các địa phương trên cả nước ban hành bảng giá đất cho chu kỳ 2020-2024 phải phù hợp với khung giá đất mà Chính phủ vừa ban hành.
TP HCM giữ nguyên giá cũ, Hà Nội tăng 15%
Đầu tháng 12 vừa qua, Sở TN-MT đã trình UBND TP HCM hai phương án cho bảng giá đất mới trên địa bàn TP giai đoạn 2020-2024. Phương án thứ nhất với giá đất ở mức cao nhất - tăng hơn 2 lần so với hiện nay, tức khoảng 330 triệu đồng/m2.
Cơ quan chuyên môn này cho rằng giá đất 330 triệu đồng/m2 ở các tuyến đường đắc địa nhất TP thì cũng chỉ bằng 41% giá thị trường hiện tại. Vì thế, với các khu vực khác, phương án bảng giá đất cũng được điều chỉnh tăng bằng 41% giá thị trường. Phương án thứ hai là tiếp tục áp dụng bảng giá đất hiện tại cho chu kỳ 5 năm tới.
Theo khung giá đất mới ban hành (có hiệu lực từ ngày 19-12), giá đất ở mức cao nhất của đô thị đặc biệt khu vực Đông Nam Bộ vẫn giữ nguyên mức như trước đây là 162 triệu đồng/m2.
Với khung giá mới ban hành thì bảng giá đất hiện nay của TP HCM đã "mút khung", không thể tăng thêm được. Các chuyên gia kinh tế trong ngành bất động sản nhận xét giá đất cao nhất của khung giá mới ban hành bằng khoảng 15% giá đất thị trường TP HCM hiện tại. Đây là mức giá khá thấp so với mặt bằng chung các tỉnh trong khu vực Đông Nam Bộ.
Còn đại diện Cục Thuế TP HCM cũng cho rằng với bảng giá đất quá thấp, ngành thuế TP.HCM sẽ thất thu do các khoản nghĩa vụ tài chính về đất đai của người dân với Nhà nước đều lấy cơ sở là bảng giá đất. Phần lớn các trường hợp thu thuế thu nhập cá nhân khi người dân chuyển nhượng quyền sử dụng đất hay bán nhà cũng lấy bảng giá đất làm cơ sở vì người dân thường khai giá thấp.
Thậm chí, Cục Thuế TP HCM cũng đã có đề xuất xây dựng bảng giá đất khác làm cơ sở để tính các khoản thu từ đất nhằm tránh thất thoát cho ngân sách.
Nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết Sở TN-MT đã trình UBND TP HCM chọn phương án giữ nguyên bảng giá đất hiện hành có bổ sung giá đất của một số tuyến đường mới. Như vậy, dự thảo bảng giá đất mới của TP HCM không tăng, giá đất ở mức cao nhất trên địa bàn TP HCM tại các tuyến đường Đồng Khởi, Lê Lợi, Hàm Nghi (Q.1) vẫn là 162 triệu đồng/m2.
Tờ trình về bảng giá đất của UBND TP.HCM dự kiến sẽ được HĐND TP xem xét vào kỳ họp bất thường cuối tháng này.
Còn UBND TP Hà Nội đề xuất với HĐND TP phương án giá đất cho chu kỳ 5 năm tới tăng bình quân khoảng 15% so với giá hiện hành. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho rằng mức điều chỉnh này nhằm tránh tác động lớn đến các hoạt động của doanh nghiệp và người dân trên địa bàn TP.
Theo bà Hồ Vân Nga, trưởng Ban kinh tế - ngân sách HĐND TP Hà Nội, mức tăng này phù hợp với thực tế biến động của giá đất trong thời gian qua. "Giá đất nông nghiệp trên địa bàn Hà Nội sẽ không tăng để không ảnh hưởng đến các dự án thu hồi đất vùng ngoại thành" - bà Nga nói.
Còn theo Cục Thuế TP Hà Nội, việc tăng giá đất 15% trong giai đoạn 5 năm tới làm tăng nguồn thu cho ngân sách khoảng 3.810 tỉ đồng từ các khoản thuế, phí, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất...
Với mức tăng này, sau năm 2022, mỗi hộ dân ở Hà Nội sẽ đóng thuế sử dụng đất phi nông nghiệp cao hơn hiện tại 45.000 đồng/năm. Tổng số tiền thuế Nhà nước thu thêm tăng khoảng 57 tỉ đồng.
Không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Đình Thọ - cục trưởng Cục Kinh tế và phát triển quỹ đất, Tổng cục Quản lý đất đai - cho biết mức tăng 20% không tác động lớn tới doanh nghiệp và người dân. Bộ TN-MT đã điều tra giá đất tại 672 xã trên địa bàn 84 huyện, thị xã thuộc 21 tỉnh, thành phố để làm cơ sở xây dựng dự thảo khung giá đất trình Chính phủ.
Theo ông Thọ, khung giá đất của Chính phủ cho phép UBND cấp tỉnh căn cứ vào thực tế tại địa phương được ban hành bảng giá đất với mức giá tối đa cao hơn không quá 20% mức giá tối đa của cùng loại đất theo khung giá.
Ông Thọ chia sẻ thêm: "Đây là mức tăng phù hợp sau 5 năm thực hiện khung giá đất giai đoạn 2015-2019 nếu so sánh với tốc độ tăng trưởng kinh tế (tăng 1,38 lần so với năm 2015), tỉ lệ lạm phát (tăng 1,15 lần so với năm 2015) và tốc độ tăng lương tối thiểu (tăng 1,29 lần so với năm 2015)".
Cũng theo ông Thọ, khung giá đất và bảng giá đất do Nhà nước ban hành không ảnh hưởng đến việc xác định giá đất cụ thể nên không gây thất thoát trong tính tiền sử dụng đất trong trường hợp giao đất, cho thuê đất, tính giá trị sử dụng đất trong sắp xếp, xử lý tài sản công.
Và đặc biệt, bảng giá đất của Nhà nước không được dùng để tính tiền bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất nên không ảnh hưởng đến người dân bị di dời để thực hiện các dự án.
Ông Thọ khẳng định: "Về nguyên tắc, khung giá đất và bảng giá đất sẽ không ảnh hưởng tới thị trường bất động sản trong thời gian tới. Việc tăng nghĩa vụ tài chính sẽ làm giảm đầu cơ đất đai. Mức tăng 20% áp dụng cho cả chu kỳ 5 năm chứ không chỉ 1 năm nên sẽ tác động không đáng kể tới thị trường".
Theo nhadat.tuoitre.vn
https://nhadat.tuoitre.vn/khung-gia-dat-moi-tang-20-nguoi-dan-cang-kho-mua-nha-20191220213651408.htm