Bài 2: Khi “người nhà” cũng… kiện
Một trong những vụ kiện đề nghị mở thủ tục phá sản đối với đối tác để đòi nợ thu hút sự quan tâm đặc biệt thời gian gần đây là “cuộc đấu” giữa Ricons và Coteccons - hai bên có quan hệ “người nhà”, là cổ đông, đối tác và cũng là… đối thủ.
Từng là “người nhà”, lại đang là cổ đông
Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (Coteccons) và Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) đều nổi tiếng trong giới thi công xây dựng dự án lớn và cũng là “người quen cũ”, bởi Ricons vốn là công ty thành viên của Coteccons. Năm 2019, thương vụ sáp nhập Ricons vào Coteccons bất thành. Năm 2020, sau sự cố giữa ban lãnh đạo cũ của Coteccons và nhóm cổ đông ngoại, Ricons chính thức tách khỏi Coteccons, xây dựng hệ sinh thái riêng của mình, kéo theo nhiều nhân sự từ nơi cũ sang nơi mới.
Cùng với sự “ly khai” của Ricons, các thành viên khác trong hệ sinh thái Coteccons như Newtecons, BM Window, SOL E&C, Boho cũng tách ra. Đây đều là các doanh nghiệp thuộc sở hữu của ông Nguyễn Bá Dương (đồng sáng lập, giữ vị trí Tổng giám đốc, sau đó là Chủ tịch HĐQT Coteccons và đã rời khỏi Coteccons từ năm 2020).
Sau sự tan rã nói trên, Coteccons vẫn nắm giữ 14,3% cổ phần tại Ricons.
Vào khoảng tháng 3/2023, Công ty Luật L.N đại diện cho Ricons gửi nhiều văn bản tới Coteccons đề nghị Coteccons phải tiến hành ký kết biên bản thỏa thuận về việc xác nhận và cấn trừ công nợ đã đến hạn thanh toán với số tiền hơn 87,3 tỷ đồng và tiến hành thanh toán cho Ricons hơn 23,6 tỷ đồng tiền chênh lệch công nợ còn lại của kỳ này. Công nợ còn lại hoặc phát sinh sẽ được 2 bên cấn trừ/thanh toán vào các đợt thanh toán sau theo từng điều khoản hợp đồng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên của Coteccons tổ chức ngày 17/10 vừa qua, liên quan đến khoản nợ với Ricons, Ban Kiểm soát Coteccons đề nghị Ban Tổng giám đốc cần rà soát lại những khối lượng công việc mà các nhà thầu đang yêu cầu trả tiền và có hướng giải quyết dứt điểm để không ảnh hưởng đến danh tiếng của Công ty. |
Đại diện Ricon cũng thẳng thừng nêu rõ, trường hợp Coteccons không thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong 3 tháng, thì được xem là mất khả năng thanh toán, nên phía Ricons có quyền yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons…
Tháng 7/2023, Coteccons nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án Nhân dân (TAND) TP.HCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản của Ricons đối với Coteccons.
“Hành động pháp lý” đúng thời điểm nhạy cảm
Tại Thông báo gửi cổ đông, khách hàng và đối tác hồi tháng 7/2023, Ricons cho hay, việc Công ty nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản đối với Coteccons là kết quả của khoản công nợ quá hạn đã được Coteccons thừa nhận, nhưng kéo dài nhiều năm không thanh toán. Ricons đã cân nhắc phương án tối ưu nhất để thu hồi công nợ và đã chủ động gửi nhiều công văn đến Coteccons đề xuất phương án giải quyết; trong quá trình đó, cũng đã thông báo và cập nhật cho Coteccons về việc Ricons đã nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản với mong muốn giải quyết trước khi tòa án thụ lý đơn, nhằm tránh hậu quả bất lợi có thể xảy ra, nhưng Ricons không nhận được phản hồi thiện chí từ Coteccons.
“Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, hành động pháp lý nêu trên không nhằm mục đích nào khác là để thu hồi khoản công nợ quá hạn đã lâu, nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Công ty và cổ đông, đảm bảo dòng tiền thanh toán cho các đối tác nhà thầu phụ/nhà cung cấp đã đồng hành cùng Ricons trong tình hình thị trường khó khăn như hiện tại”, Thông báo của Ricons nêu.
Tuy nhiên “hành động pháp lý” trên “bung” ra đúng thời điểm rất nhạy cảm, khi đang trong quá trình cạnh tranh khốc liệt Gói thầu số 5.10 (thi công xây dựng và lắp đặt thiết bị công trình Nhà ga hành khách thuộc Dự án thành phần 3 - Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn I) có giá trị hơn 35.000 tỷ đồng. Ở gói thầu này, Ricons là một thành viên thuộc Liên doanh VIETUR, là liên doanh cạnh tranh gói thầu này với Liên doanh do Coteccons đứng đầu.
Gói thầu đang trong giai đoạn chấm thầu, dự kiến công bố đơn vị trúng vòng hồ sơ kỹ thuật vào đầu tháng 8/2023 và trúng thầu vào cuối tháng 8/2023.
Oái oăm, cũng chính trong tháng 8/2023, theo quy định về thời hạn của Luật Phá sản, TAND TP.HCM cũng sẽ buộc phải ra phán quyết mở hoặc không mở thủ tục phá sản với Coteccons sau khi thông báo thụ lý đơn kiện ngày 4/7/2023 của Ricons.
Lúc đó (tháng 7/2023), cả đại diện HĐQT Coteccons cùng luật sư của doanh nghiệp đã gặp phóng viên Báo Đầu tư và cung cấp các chứng lý với mong muốn phân minh công khai.
Coteccons còn làm văn bản gửi hàng loạt cơ quan liên quan như Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam, Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM thông tin: nguyên nhân công nợ phát sinh bắt đầu từ giai đoạn trước năm 2019, Coteccons và Ricons chịu sự điều hành và xác định như là những thành phần đóng góp cho một hệ sinh thái gồm 7 công ty thành viên có sự liên kết lẫn nhau, bao gồm: Coteccons, Unicons, Ricons, Newtecons, BM Windows, Sol E&C, Boho.
Trong quá trình hoạt động trong một hệ sinh thái, một số dự án do Ricons làm tổng thầu xây dựng phát sinh những giao dịch bên liên quan đến Coteccons với vai trò là nhà thầu phụ tại dự án, như: Dự án Regina Hưng Yên, thiết kế Dự án Đông Á, Dự án Golden Palace và một số giao dịch cho thuê thiết bị giữa 2 công ty. Những công nợ phát sinh hiện nay vẫn chưa được quyết toán xong, do vướng mắc về vấn đề xác định giá trị công nợ kèm theo những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý.
Tương tự, một số dự án do Coteccons làm tổng thầu có phát sinh công nợ cho Ricons với vai trò là nhà thầu phụ cũng chưa được quyết toán xong, như các dự án: Newtaco, Regina giai đoạn IV, nhà xưởng Regina Miracle, Regina giai đoạn VI, Regina Hưng Yên, Nhà máy VinFast, Simco.
Coteccons cho rằng, số tiền nợ rất nhỏ so với tổng tài sản của Coteccons là 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu là 8.236 tỷ đồng, lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.
Khác với lý lẽ mà Ricons đưa ra, phía Coteccons cho biết sẵn sàng hợp tác để giải quyết tranh chấp hợp đồng kinh tế và đề nghị Ricons hợp tác, nhanh chóng cung cấp những chứng từ đạt đủ điều kiện về pháp lý, xác định giá trị công nợ phát sinh giữa 2 bên để không ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu của Coteccons, song Ricons không cung cấp được chứng từ pháp lý theo giá trị công nợ yêu cầu.
“Thời điểm hiện tại, Coteccons đang trong quá trình đấu thầu những dự án rất quan trọng (gói thầu có tổng giá trị 35.000 tỷ đồng thuộc Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành - PV). Mặc dù tranh chấp công nợ hợp đồng kinh tế sẽ được sớm giải quyết theo tinh thần thiện chí tại các trung tâm trọng tài, nhưng Ricons thiếu sự hợp tác và đã gửi đơn kiện lên tòa án với tuyên bố yêu cầu phá sản..”, các văn bản của Cotecccons đầy ngụ ý như vậy.
Nỗi buồn và… niềm vui
Ngày 1/8/2023, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) - chủ đầu tư Dự án Đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành thông báo Liên danh VIETUR (có Ricons là thành viên) đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật cho gói xây dựng và lắp đặt thiết bị Nhà ga hành khách. Tới ngày 24/8, ACV công bố Liên danh VIETUR trúng thầu gói thầu hơn 35.000 tỷ đồng nêu trên.
Liên doanh do Coteccons đứng đầu trượt thầu, nhưng được xác định bởi các lý do khác, không liên quan tới vụ kiện đề nghị mở thủ tục phá sản.
Nói về “cú thua” này, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 17/10 vừa qua, Chủ tịch HĐQT Coteccons, ông Bolat Duisenov chỉ than “rất buồn” và khẳng định: “Đó chỉ là một trong nhiều dự án lớn mà Việt Nam sẽ có. Không thắng thầu sân bay Long Thành, chúng tôi sẽ tiếp tục tìm kiếm các cơ hội khác”.
Sau đó, Coteccons thông tin nhận được Thông báo 10/TB-TA của TAND TP.HCM về việc thụ lý đơn của Ricons.
Cụ thể, sau khi yêu cầu các bên cung cấp hồ sơ và chứng cứ liên quan, TAND TP.HCM đã ban hành Quyết định số 2112/2023/QĐ-KMTTPS 29/9/2023 về việc không mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.
Như vậy, trường hợp của Coteccons không “nguy hiểm” như trường hợp của Công ty cổ phần Tập đoàn Đức Long Gia Lai, đã bị TAND tỉnh Gia Lai ra quyết định mở thủ tục phá sản (đề cập ở bài trước).
Tính đến thời điểm hiện tại, phía Ricons chưa có động thái gì mới trước quyết định không mở thủ tục phá sản đối với Coteccons của TAND TP.HCM.
Cũng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức ngày 17/10 vừa qua, Báo cáo năm tài chính 2023 của Coteccons ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất 7.744 tỷ đồng, tăng 30% so với năm trước và đạt 88% kế hoạch đặt ra. Lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 52 tỷ đồng, bằng 118% kế hoạch và tăng 862% so với năm trước.
HĐQT Coteccons còn trình kế hoạch năm tài chính 2024 với doanh thu gấp 2,6 lần năm 2023, lợi nhuận gấp 5,2 lần, lần lượt đạt 17.793 tỷ đồng và 274 tỷ đồng.
Nhìn vào những con số này, có thể thấy, nội dung “thanh minh”, giải trình, chứng minh khả năng trả nợ với tòa án và cơ quan chức năng của Coteccons trước đó là có cơ sở. Cũng có nghĩa là, phán quyết không mở thủ tục phá sản của TAND TP.HCM là có cơ sở.
Kết thúc “cuộc chiến” như trên, theo giới kinh doanh, là “đẹp” cho cả 2 doanh nghiệp từng là “người nhà” và đang là cổ đông của nhau. Nhưng qua đó cũng cho thấy, kiện tụng yêu cầu mở thủ tục phá sản là “nước cờ hiểm” trong hành trình đòi nợ của doanh nghiệp.
(Còn tiếp)