(Ảnh minh họa: Reuters)
Trong cuộc họp báo tại hội nghị thường niên năm 2019 của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), Changyong Rhee, Giám đốc phụ trách khu vực châu Á và Thái Bình Dương của IMF, cho biết khu vực châu Á dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức 5% trong năm 2019 và 5,1% trong năm 2020.
Theo quan chức này, cùng với đà suy giảm tăng trưởng toàn cầu, tốc độ tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương dự kiến sẽ chậm nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, trong bối cảnh tình hình bất ổn dai dẳng trên toàn cầu.
Ông Rhee nêu rõ nền kinh tế toàn cầu đang trải qua một sự suy giảm toàn diện giữa bối cảnh của căng thẳng địa chính trị và thương mại, do đó khu vực châu Á sẽ không nằm ngoài xu hướng này và cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Trong khi đó, trả lời phỏng vấn hãng tin THX, Jonathan Ostry, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương của IMF, cũng đồng tình với quan điểm trên của ông Rhee và nhận định khu vực châu Á sẽ trải qua một sự suy giảm đáng kể trong năm 2019 và 2020.
Theo ông Ostry, căng thẳng thương mại không chỉ gây ra tác động trực tiếp vào thuế quan, mà nó còn ảnh hưởng đến niềm tin của các nhà đầu tư trên thị trường tài chính và "những tác động này gây tổn hại cho đầu tư, tăng trưởng".
Theo Triển vọng kinh tế thế giới mới được IMF công bố, tốc độ tăng trưởng kinh tế tại Trung Quốc dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,1% trong năm 2019 và giảm xuống 5,8% vào năm 2020. Theo ông Rhee, điều này phản ánh sự chuyển đổi liên tục của Trung Quốc sang một mô hình tăng trưởng bền vững hơn và tác động tiêu cực của căng thẳng thương mại đang diễn ra.
Nhật Bản dự kiến sẽ tăng trưởng 0,9% trong năm 2019 và ở mức trung bình 0,5% vào năm 2020. Trong khi đó, nền kinh tế Ấn Độ có thể sẽ tăng trưởng 6,1% vào năm 2019, tăng lên 7% vào năm 2020.
Tuy nhiên, theo ông Rhee, mặc dù tốc độ tăng trưởng chậm lại, song khu vực châu Á "vẫn được coi là khu vực năng động nhất" trên thế giới, chiếm hơn 70% mức tăng trưởng toàn cầu trong năm nay.