Thực tế cho thấy, giá nhà đất liên tục tăng, nguồn cung căn hộ vừa túi tiền tiếp tục khan hiếm đã khiến những người trẻ ngày càng khó tiếp cận với chốn an cư của mình. Có lẽ câu chuyện người trẻ làm sao mua được nhà ở đô thị vẫn đang là chủ đề được nhắc nhiều nhất ở giai đoạn hiện nay khi mà nhiều nút thắt còn chưa được tháo gỡ.
Người trẻ ngày càng khó mua nhà?
Đó là thực tế mà thị trường phải thừa nhận. Những người trẻ sống ở các đô thị lớn, mới ra trường hoặc mới lập gia đình có vốn tích lũy khiêm tốn thì giấc mơ về một chốn an cư ngày càng xa vời khi mà giá nhà đất liên tục tăng trong những năm qua.
Theo khảo sát của một đơn vị nghiên cứu thị trường, những người trẻ có thu nhập 20 -25 triệu đồng/tháng hiện rất khó để mua được nhà, hoặc nếu có mua được thì sẽ rơi vào tình trạng mức sống tằn tiện sau khi mua nhà. Thường giá nhà tại Việt Nam gấp 4-5 lần thu nhập của người lao động.
Như vậy, nếu thu nhập 20 triệu đồng/tháng thì nhà mua ở khung giá 800 triệu đến 1 tỉ đồng. Thế nhưng, với giá này hiện tại ở Tp.HCM không có nhà để mua, không khả thi. Còn nếu thu nhập 25 triệu đồng/ tháng, đi vay 1 tỉ đồng để mua nhà 2 tỉ thì tính toán ra chỉ còn khoảng 10 triệu đồng để sống.
Trong suốt 3 năm qua, giá nhà đất tại Tp.HCM tăng từ 50-60%, ở một số khu vực mức tăng có thể lên đến 100-200%. Ước mơ về một căn nhà giá trên dưới 1 tỉ đồng/căn dường như đã không bao giờ thành hiện thực. Mơ ước có căn nhà giá trên dưới 1.5 tỉ đồng/căn cũng ngày càng khó tìm kiếm. Rõ ràng, với chi phí đầu vào cao, doanh nghiệp BĐS có muốn cũng không thể bán được căn nhà với mức giá này, còn với khách hàng thì sự mong mỏi là chính đáng nhưng lại xa vời với diễn biến thực tế thị trường.
Hiện nay, những căn hộ có mức giá từ 1.5 tỉ đồng (bán thời điểm năm 2018) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đến thời điểm hiện tại, giá cũng đã tăng lên khoảng 1.7-1.9 tỉ đồng/căn. Đây được xem là mức giá còn khá mềm trên thị trường BĐS, được người trẻ đón nhận. Dù mức tài chính bỏ ra xấp xỉ 2 tỉ đồng/căn nhưng theo những gia đình trẻ, để tìm được căn hộ diện tích 65-70m2 ở mức giá này cũng không còn là chuyện dễ dàng nữa.
Mới đây, tại sự kiện khách hàng thăm quan căn hộ thật tại dự án Phú Đông Premier, chứng kiến nhiều khách hàng trẻ đã xúc động, bật khóc khi nhìn thấy chốn an cư của mình hiện hữu ở công trình đang xây dựng. Theo các khách hàng này, thời điểm mua (tháng 6.2018), căn hộ có giá 1.5 tỉ đồng/căn (2 phòng ngủ), họ xúc động vì với tầm tài chính vừa phải đó họ có được căn nhà mà bản thân mong mỏi ngày đêm để được nhận vào ở. Hiện giá thứ cấp căn hộ đã tăng lên khoảng 1.8-1.9 tỉ đồng/căn.
Rõ ràng, từ câu chuyện này để thấy, bản thân những người trẻ mua nhà lần đầu điều họ mong muốn nhất là có được chốn an cư ở chốn thị thành. Nhưng vì giá nhà đang diễn biến tăng và chưa có dấu hiệu dừng lại nên việc sở hữu được căn nhà vừa túi tiền từ thời điểm cách đó 1-2 năm đó là niềm xúc động mà rất nhiều khách hàng trẻ thể hiện ra.
Còn đến thời điểm này, theo các chuyên gia, giá nhà tăng cao, vượt xa mức tăng thu nhập bình quân đầu người và liên tục lập chuẩn mặt bằng giá mới cho mỗi phân khúc đã khiến người trẻ ngày càng khó tiếp cận nhà ở. Và đây cũng là bài toán đặt ra cho các cơ quan nhà nước cũng như các doanh nghiệp phát triển nhà ở hiện nay.
Phải làm gì để người trẻ mua được nhà?
Theo ghi nhận của DKRA Vietnam, trong 10 năm qua, tỷ lệ người trẻ dưới 35 tuổi trong số lượng khách hàng mua nhà ngày càng tăng, hiện tại đạt mức 23%. Theo đó, nhu cầu an cư của người trẻ ngày càng tăng và cấp thiết. Thế nhưng, trong bối cảnh hiện tại, bài toán an cư của người trẻ tại TP.HCM ngày càng trở nên khó giải quyết. Nguyên nhân chính nằm ở chỗ giá nhà liên tục tăng, doanh nghiệp BĐS cũng không mấy mặn mà với phân khúc giá mềm do những lí do về lợi nhuận, thủ tục….
Theo đại diện DKRA Việt Nam, để giải bài toán này, tất cả chủ thể tham gia thị trường bao gồm Chính phủ, Nhà nước, các Bộ ban ngành, doanh nghiệp, chủ đầu tư và cả khách hàng đều phải chung tay vào câu chuyện nhà cho người trẻ.
Cụ thể, khách hàng cần lưu ý và cân nhắc điều kiện tài chính của bản thân, chuẩn bị sẵn sàng một nguồn lực tài chính và xác định rõ nhu cầu sở hữu nhà ở cũng như thu nhập đảm bảo việc chi trả nhà trong dài hạn, cũng như chi phí sinh hoạt cuộc sống sau khi cấn trừ khoản tiền góp nhà hàng tháng. Khi quyết định sở hữu nhà ở, cũng phải xem xét và lựa chọn sản phẩm/dự án phù hợp với nhu cầu thực tế, năng lực tài chính, chủ đầu tư uy tín, chính sách thanh toán.
Thế nhưng, theo các chuyên gia và doanh nghiệp, bài toán an cư của người trẻ tại TP.HCM ngày càng trở nên khó giải quyết
Về phía Chính phủ, Nhà nước, cần có những chính sách nhà ở mang tính quốc gia và chương trình hỗ trợ tài chính lâu dài dành cho đối tượng người mua nhà lần đầu. Cải tiến quy trình, thủ tục giấy tờ để thuận tiện hơn người dân có nhu cầu, đồng thời có những cơ chế phù hợp và thuận lợi cho chủ đầu tư khi tham gia phát triển loại hình này. Xem xét vấn đề quy hoạch và quỹ đất, phối hợp với các doanh nghiệp chủ đầu tư trong những dự án lớn, đô thị lớn phải có tỷ lệ nhất định dành cho nhà ở vừa túi tiền, nhà ở lần đầu.
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group, là đơn vị chuyên về dòng sản phẩm nhà ở dưới 2 tỉ đồng “hiến kế”: Thực tế rất ít doanh nghiệp mặn mà với dòng sản phẩm căn hộ vừa túi tiền vì nó liên quan đến câu chuyện lợi nhuận. Nếu bản thân doanh nghiệp đó không biết hi sinh lợi nhuận để theo đuổi tâm huyết làm nhà cho những người có nhu cầu ở thực, cho người trẻ thì rất khó để làm.
Theo đó, bản thân doanh nghiệp khi đã xác định làm nhà cho người ở thực thì cũng phải vắt óc để suy nghĩ làm sao với giá tiền vừa phải, căn hộ phải tích hợp được công năng trong diện tích từ 50-65m2. Chẳng hạn, trong thiết kế phải làm sao căn hộ 65m2 mà ở được 3 thế hệ, từ ông bà, cha mẹ đến con cái. Đây cũng là nhu cầu rất thực của những gia đình trẻ hiện nay. Họ không có nhiều tiền để mua căn hộ diện tích lớn với tầm tài chính 4-5 tỉ đồng.
Với giá tiền trên dưới 2 tỉ đồng họ rất cần những căn hộ tích hợp để ở thực nhưng vẫn khá thoải mái. Theo ông Phúc, đây cũng là bài toán đặt ra cho các doanh nghiệp BĐS, có thể linh hoạt để tạo nên những không gian ở thực hay không phụ thuộc nhiều vào cách bố trí, thiết kế căn hộ đúng với nhu cầu thực tế, nhưng trên hết dù làm cách nào thì câu chuyện chất lượng căn hộ vẫn phải được doanh nghiệp đặt lên hàng đầu.
Vị CEO này cũng tiết lộ, sắp tới sẽ giới thiệu ra thị trường một dự án căn hộ nằm trên địa phận TX Dĩ An, giáp ranh Tp.HCM với mức giá trên dưới 2 tỉ đồng/căn, đáp ứng nhu cầu ở thực của giới trẻ mua nhà lần đầu.
Theo các chuyên gia, với một đô thị như Tp.HCM, người lao động nhập cư, lao động trẻ đang chiếm tỷ lệ lớn, nhu cầu về nhà ở luôn trong tình trạng vượt cung, nhưng vấn đề là phải làm sao tạo ra sản phẩm giá vừa phải. Do đó, nếu giải quyết được chi phí đất, rút ngắn được thời gian từ lúc xin chủ trương triển khai xây dựng dự án đến khi đưa căn hộ ra thị trường và giải pháp tài chính cho người vay thì vẫn sẽ có sản phẩm tốt, giá vừa phải, đáp ứng được nhu cầu ở thực của số đông khách hàng trẻ.
“Chi phí đất đai đang chiếm khoảng 40% trong tổng chi phí xây dựng và giá đất không có chiều hướng giảm nhiệt, trong khi thời gian để doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường mất trung bình 4 - 5 năm, thêm vào đó là lãi suất cho vay (cho cả nhà phát triển BĐS lẫn người mua nhà) tại các ngân hàng không ổn định là những yếu tố cho thấy việc khống chế được giá thành căn hộ không phải dễ dàng”, đại diện một chuyên gia trong ngành nhấn mạnh.
Theo Nhịp Sống Việt