Hệ thống online, siêu thị quá tải khi hơn nửa chợ đóng cửa

07/07/2021 13:06

Người dân ùn ùn xếp hàng từ sớm để chờ vào siêu thị mua, còn trên nhiều app online báo hết hàng, quá tải không truy cập được.

51-1625641642.jpg

Khách xếp hàng dài chờ tới lượt vào mua hàng ở Co.opmart Xa lộ Hà Nội. Ảnh: Tấn Đạt.

Sau khi chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức - chợ đầu mối cuối cùng của TP HCM - thông báo đóng cửa tối 6/7, nhiều người dân lo lắng không có hàng dự trữ nên rồng rắn xếp hàng tại siêu thị từ tối hôm qua và sáng nay để được vào mua.

Lúc 8h30 sáng 7/7, khảo sát của VnExpress cho thấy hàng trăm người dân xếp hàng dài phía trước siêu thị Co.op Mart Xa lộ Hà Nội (Hiệp Phú, TP Thủ Đức) chờ đến lượt vào mua. Tại cửa ra vào, nhân viên đo thân nhiệt và hướng dẫn khách hàng khai báo y tế. Sau đó, khách hàng sẽ ngồi chờ ở khu vực định sẵn để đến lượt vào khu vực mua sắm.

Chị Phương ở quận Thủ Đức cho biết đến siêu thị từ 7g sáng nhưng vẫn còn trễ hơn nhiều khách khác, bởi khá đông người đã xếp hàng sẵn từ 6h30.

"Đến siêu thị đông nghịt lúc này biết là nguy cơ lây nhiễm cao nhưng phải chịu. Vì không đi thì không có thức ăn trong khi nhiều chợ truyền thống và chợ đầu mối đã đóng cửa. Kênh online đặt từ tối qua đến giờ vẫn không thể mua được", chị giải thích.

52-1625641642.jpg

Hàng dài người xếp hàng chờ tính tiền ở siêu thị Mega Market (TP Thru Đức) sáng 7/7. Ảnh: Thành Nguyễn

Cùng với chị Phương, hầu hết khách hàng đều cho biết, lần đầu tiên chứng kiến cảnh nhiều người xếp hàng khi đi siêu thị như hôm nay. Một số khách không chờ đợi nổi nên bỏ về. Nhân viện tại Co.opmart siêu thị Xa lộ Hà Nội cho biết đang hoạt động hết công suất. Đơn đặt hàng và khách mua sắm trực tiếp liên tục tăng khiến nhân viên quá tải.

Còn tại Co.op Xtra Phạm Văn Đồng, các quầy hải sản và rau củ trống trơn, nhiều mặt hàng đã được mua hết. Hầu như khách hàng đều gom thực phẩm tươi sống với lượng lớn, đủ để dùng cho cả tuần.

Nhân viên siêu thị phải liên tục bổ sung nguồn hàng lên kệ. Đại diện Co.opmart Xtra Phạm Văn Đồng cho biết siêu thị đã chuẩn bị nguồn hàng tăng gấp 5 lần so với ngày trước đó nên sẽ không sợ hụt hàng.

53-1625641642.jpg

Khách gom hết sạch rau trên kệ tại Co.op Xtra Phạm Văn Đồng. Ảnh: Tấn Đạt.

Cùng với hệ thống Co.opmart, tại Big C, Go! Bách Hóa Xanh, Lottemart... người dân cũng ùn ùn mua sắm. Lượng khách sáng nay đến các hệ thống này tăng gấp 2-3 lần so với trước đó.

Không chỉ quá tải tại các siêu thị và cửa hàng tiện lợi, lượng khách mua online cũng tăng cao đột biến. Chị Hạnh, người dân ở quận Thủ Đức cho biết, chiều hôm qua (6/7), chị vào app VinID mua hàng nhưng phần lớn các sản phẩm như rau củ đều báo hết. Ngay sau đó, chị chuyển sang mua hàng tại hệ thống online của Co.opmart, MM Mega, Big C... nhưng cũng đều thông báo tạm hết các mặt hàng mà chị đặt mua.

"Sáng nay để có hàng, chị chọn cách chạy ra siêu thị Co.opmart ngay Xa Lộ Hà Nội nhưng cũng phải xếp hàng chờ cả tiếng đồng hồ mới được đến lượt vào mua", chị Hạnh nói.

Chung tình cảnh, chị Thảo, ở quận 2 cho biết đã đặt hàng thực phẩm online tại kênh siêu thị MM Mega Martket từ sáng thứ Ba nhưng tới nay vẫn chưa nhận được hàng. Trong khi đó, chị quay sang đặt hàng thêm bên hệ thống của Big C Thảo Điền thì lượng hàng cung ứng không đủ, thịt và cá đều hết nên gia đình chị đành phải chờ để đặt thêm từ các đầu mối bán hàng trên mạng khác.

Nhiều người tiêu dùng khác cũng cho biết, mua hàng online trên các kênh siêu thị như Vinmart, Sagon Co.op, Big C, Go! Bách Hóa Xanh, Lottemart hiện nay đều quá tải, nhiều hệ thống báo không còn hàng. Trong khi đó, một số app còn không đăng ký và đăng nhập được do lượng truy cập quá lớn.

54-1625641642.jpg

App VinID báo hết hàng từ tối qua cho tới sáng nay. Ảnh: Thi Hà.

Trao đổi với VnExpress, đại diện các siêu thị đều cho biết, lượng mua hàng online tăng 2-10 lần so với trước đó, còn tại hệ thống tăng gấp 3 lần. Do đó, lượng đặt hàng đang quá tải, một số mặt hàng do lượng mua quá đông nên hết hàng. Các hệ thống siêu thị đang tăng nguồn lực để đảm bảo cung ứng hàng hóa đến tay người tiêu dùng.

Đại diện MM Mega Martket cũng xác nhận, lượng đơn đặt hàng online đang quá tải. Với những khách hàng đã đặt trước đó, siêu thị sẽ cố gắng giao sớm nhất. "Chúng tôi đặt mua hàng trực tiếp từ các vựa và tại các trang trại nên nguồn hàng luôn dồi dào. Việc giao hàng chậm là do người dân đổ xô đặt mua nên nhân sự không thể đáp ứng ngay tức thời. "Chúng tôi mong người dân bình tĩnh, không nên đặt mua ồ ạt, gây ùn ứ và tắc nghẽn cục bộ", đại diện này nói.

Về phía Vincommerce, đơn vị này cũng đang tăng nguồn lực 20% cho khách đến mua sắm trực tiếp, đơn online tăng 50% so với ngày trước đó.

Với Tập đoàn Central Retail, đơn vị sở hữu chuỗi bán lẻ Go! Big C... cũng đang tăng cường hết công suất khi thấy lượng khách mua hàng tại siêu thị tăng 2-3 lần so với trước đó.

Người dân không nên lo thiếu hàng

Là đơn vị có lượng khách đặt mua tăng mạnh nhất, Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) khẳng định, hàng không thiếu và siêu thị hoạt động xuyên suốt dù bất cứ xảy ra hoàn cảnh nào. Do đó, ông khuyên người dân không nên mua sắm dồn dập, tụ tập quá đông sẽ đẩy nguy cơ bệnh dịch lên cao và có thể gây tắc nghẽn các kênh mua sắm.

Hiện app mua sắm của Co.opmart quá tải, đang nghẽn nên người mua không thể truy cập nhưng có thể đặt hàng qua hệ thống website khác của siêu thị để đáp ứng nhanh nhu cầu đặt hàng online giao hàng tận nhà.

"Chúng tôi trữ hàng và bình ổn giá trong tối thiểu 6 tháng tới cho các mặt hàng nhu yếu phẩm như đường, gạo, dầu ăn, muối, nước mắm, dầu ăn, thực phẩm khô... và đặc biệt là các mặt hàng chống dịch như gel, nước rửa tay, xà bông, khẩu trang vải sát khuẩn", đại diện Co.opmart nói và cho biết tất cả mặt hàng này đã tăng gấp 3-5 lần.

Cùng với phương án đảm bảo nguồn hàng, TP HCM cũng có kế hoạch tăng cường năng lực cung ứng của các chợ truyền thống, hệ thống phân phối hiện đại (các siêu thị, cửa hàng tiện lợi) với quan điểm tăng cường bảo vệ các hệ thống này để giữ vai trò cốt yếu trong cung ứng hàng hóa thiết yếu cho người dân.

"Người dân không nên quá lo lắng vì hàng hoá vẫn được phân phối qua nhiều kênh và luôn đáp ứng đủ nhu cầu", ông Nguyễn Nguyên Phương, Phó giám đốc Sở Công Thương TP HCM nhấn mạnh.

Đến sáng nay, TP HCM đã có 125/234 chợ truyền thống tạm ngưng do có liên quan ca nhiễm Covid-19, trong đó có 3 chợ đầu mối nông sản thực phẩm lớn. Để điều tiết hàng hóa thông suốt, đêm 6/7 Sở Công Thương TP HCM đã gửi văn bản đến 22 Sở Công Thương các tỉnh đề nghị thông tin đến các thương nhân trên địa bàn đang kinh doanh hàng hóa tại các chợ đầu mối, hướng dẫn họ tổ chức giao dịch, đưa hàng trực tiếp đến các chợ truyền thống.

Theo Thi Hà -Tấn Đạt/Vnexpress
Bạn đang đọc bài viết "Hệ thống online, siêu thị quá tải khi hơn nửa chợ đóng cửa" tại chuyên mục Đời sống. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.