Sáng 22-2, buổi đối thoại giữa lãnh đạo UBND TP.HCM và các doanh nghiệp bất động sản diễn ra nhằm tìm ra những giải pháp để "giải cứu" các dự án bất động sản đã trầm lắng thời gian qua và nay ảnh hưởng dịch corona.
Tại buổi đối thoại, ông Lê Hòa Bình - giám đốc Sở Xây dựng TP - đã kiến nghị UBND TP.HCM một số biện pháp để giải quyết vướng mắc của các doanh nghiệp (DN) hiện nay.
Phải có đầu mối gỡ vướng
Trước hết là thành lập tổ chuyên gia (mới) để thẩm định hồ sơ quyết định chủ trương đầu tư. Theo ông Bình, việc này khắc phục tình trạng các sở, ngành liên quan gửi văn bản trả lời Sở Xây dựng về xét hồ sơ cấp quyết định chủ trương đầu tư cho DN đã không thể hiện rõ nội dung có thống nhất hay không với đề xuất dự án của nhà đầu tư.
Sau khi có quyết định chủ trương đầu tư, tổ chuyên gia lựa chọn chủ đầu tư các dự án phát triển nhà ở (tổ chuyên gia hiện có) được xem xét, đánh giá và cho ý kiến về hồ sơ chấp thuận chủ trương đầu tư để thực hiện cùng lúc hai thủ tục: chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư.
Nếu bảo đảm các điều kiện, DN cùng lúc sẽ nhận được hai quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và công nhận chủ đầu tư. "Cùng lúc làm hai thủ tục này sẽ rút ngắn được thời gian giải quyết thủ tục, số lần họp... của tổ chuyên gia này" - ông Bình nói.
Sở Xây dựng cũng kiến nghị UBND TP.HCM 5 bước thực hiện dự án nhà ở đối với trường hợp chủ đầu tư đã có hoặc chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp (xem bảng). Các bước trong quy trình thủ tục này cụ thể hóa cơ quan thực hiện và những thủ tục phải làm, có địa chỉ chịu trách nhiệm.
Ủng hộ đề xuất này, các DN cho rằng không quan trọng các cơ quan chức năng thực hiện thủ tục đầu tư trong bao nhiêu bước, vấn đề là thời gian thực hiện trong bao lâu. Nếu như gom chung các thủ tục, quy định các bước đi nhưng quy định không có sẽ gặp vướng mắc khi giải quyết, thời gian càng kéo dài hơn. "Điều DN quan tâm là thời gian thực hiện dự án phải nhanh hơn nhằm giúp DN giảm chi phí đầu tư, nhanh triển khai dự án để đưa sản phẩm ra thị trường" - giám đốc một DN bất động sản nói.
Làm sao gỡ 3 "vướng" ?
Ông Lê Hoàng Châu - chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) - cho rằng Luật đất đai và Luật kinh doanh bất động sản đều quy định khi DN đóng tiền sử dụng đất trước khi chuyển nhượng hoặc khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trong khi quy trình của Sở Xây dựng lại buộc chủ đầu tư phải đóng tiền sử dụng đất trước khi được công nhận là chủ đầu tư là chưa phù hợp với các quy định hiện hành và thực tiễn. Điều này khiến các DN phải chịu chi phí lãi vay nhiều hơn.
Ông Châu kiến nghị cho chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất khi muốn bán sản phẩm ra thị trường.
Bất động sản nghỉ dưỡng bị vạ lây vì corona
Hàng loạt tín hiệu xấu với thị trường bất động sản ngay từ đầu năm 2020 như khan hàng, siết tín dụng và dịch Covid-19 khiến nhiều phân khúc "đóng băng". Trong đó, bất động sản nghỉ dưỡng đang chịu ảnh hưởng nặng nhất bởi dịch Covid-19.
Theo các chuyên gia, thị trường bất động sản khó khăn kéo theo nhiều ngành khác suy giảm như xây dựng, vật liệu xây dựng. Do đó nếu không có sự tháo gỡ kịp thời các vướng mắc cho thị trường, hàng loạt ngành nghề sẽ bị vạ lây.
B.NGỌC
Theo Phó chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan, DN phải đóng tiền sử dụng đất mới được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là cơ sở để thực hiện những thủ tục khác. Sau khi đóng tiền sử dụng đất, chủ đầu tư mới được chuyển nhượng dự án, làm thủ tục chấp thuận đầu tư và cấp phép xây dựng... "Cho đóng tiền sử dụng đất như đề xuất của HoREA sẽ dẫn đến tình trạng nợ tiền sử dụng đất kéo dài" - ông Hoan nói.
Do đó ông Hoan đề xuất 2 giải pháp tháo gỡ vướng mắc, đó là kiến nghị trung ương đồng ý cho chủ đầu tư không phải đóng tiền sử dụng đất trước khi cấp giấy phép xây dựng hoặc rút ngắn thời gian xác định tiền sử dụng đất. "Cách hay nhất là rút ngắn thời gian tính tiền sử dụng đất vì việc này thuộc thẩm quyền của TP" - ông Hoan nói.
Cũng theo ông Hoan, thực tế cho thấy có 3 "vướng": luật vướng, nhận thức của cán bộ vướng (bị thanh tra kiểm tra nên co cụm lại, không dám làm), vận hành cũng vướng. Vì vậy phải có biện pháp gỡ vướng tổng thể để các cơ quan chức năng thực hiện chứ không thể đi vào từng dự án cụ thể.
Cơ quan chức năng đưa ra quy trình là để cam kết trách nhiệm, tổ chuyên viên được lập ra là để thực hiện đúng và nhanh quy trình đó, thảo luận chung, cách làm chung sẽ giảm được thời gian, tăng khả năng xử lý thủ tục. "Các quy trình đặt ra nhưng khi xử lý sẽ linh động để gom các bước lại nhằm làm thủ tục nhanh hơn. Sau buổi gặp này, những việc thuộc thẩm quyền của TP sẽ thống nhất, ban hành văn bản hướng dẫn để làm ngay" - ông Hoan nói.
Chính quyền sai, dân gánh thiệt hại!
Tại Đà Nẵng có hàng trăm dự án bất động sản tại khu vực trung tâm và vệt đất ven biển đang trong tình trạng bỏ hoang do những sai phạm về đất đai trước đây của chính quyền đến nay vẫn chưa được khắc phục.
Có thể kể đến 2 dự án lớn ven sông Hàn là dự án bất động sản và bến du thuyền Đà Nẵng (Marina Complex) và Olalani Riverside Towers đã "đứng bánh" gần một năm qua vì TP yêu cầu dừng lại để điều chỉnh quy hoạch. Dự án The Sunrise Bay (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) với diện tích 181ha đang triển khai xây dựng cũng đã dừng lại trong 3 năm nay sau khi thanh tra vào cuộc và đến nay vẫn chưa kết luận. Vì vậy hàng ngàn người mua nhà ở đây không biết chờ bao giờ mới có nhà, trong khi chủ đầu tư trả lời "chờ kết luận thanh tra" mới làm tiếp.
Trước những khó khăn của DN, Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đã từng có buổi tiếp xúc lắng nghe ý kiến khiếu nại của DN và người dân liên quan đến sai phạm đất đai theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Theo ông Nguyễn Bá Sơn - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, pháp luật không nghiêm cấm và không giới hạn quyền được khởi kiện của người dân, DN đối với quyết định của chính quyền.
Tuy nhiên, ông Sơn cho biết Đoàn đại biểu Quốc hội TP sẽ cố gắng, nỗ lực hết mình để có kết quả sớm nhất, bảo vệ những quyền lợi cử tri, đeo đuổi kiến nghị đến cùng, tháo gỡ khó khăn cho DN. Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng sẽ kiến nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm có ý kiến với Chính phủ xem xét lại vấn đề trên nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.
HỮU KHÁ
Đến 30-4 phải giải quyết dứt điểm các vướng mắc
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho rằng những bức xúc của DN như đặt vấn đề về trách nhiệm của TP trong việc đồng hành với DN, cho thấy các sở, ngành cần phải nỗ lực hơn nhằm có giải pháp giải quyết để gỡ vướng cho các DN.
Theo ông Phong, các sở, ngành phải có trách nhiệm trong từng lĩnh vực, đẩy nhanh việc thực hiện dự án. Điều này sẽ có lợi cho DN cũng như với TP. "Làm sao đẩy nhanh việc triển khai thực hiện dự án, không để kéo dài làm ảnh hưởng đến việc phát triển của TP, nguồn lực của DN, ảnh hưởng đến uy tín của TP. Tuy nhiên việc triển khai phải trên cơ sở đúng quy định pháp luật" - ông Phong nhấn mạnh.
Cũng theo ông Phong, sau buổi họp này, các cơ quan chức năng phải ngồi lại giải quyết các kiến nghị, vướng mắc của DN, đến ngày 30-4 phải xong. "Nếu ngày thường bận giải quyết công việc thì họp vào thứ bảy, chủ nhật... Lãnh đạo TP cũng sẽ bàn bạc để có một đầu mối tiếp nhận những khó khăn, vướng mắc của DN" - ông Phong cam kết.
Quy trình thực hiện dự án nhà ở (đề xuất của Sở Xây dựng):
* Với dự án chủ đầu tư chưa có quyền sử dụng đất ở hợp pháp:
Bước 1: Lập thủ tục quyết định chủ trương đầu tư.
Bước 2: Lập quy hoạch chi tiết 1/500.
Bước 3: Lập thủ tục giao thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất.
Bước 4: Lập thủ tục xác định nghĩa vụ tài chính, nộp tiền sử dụng đất theo quy định, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở.
Bước 5: Công nhận chủ đầu tư, chấp thuận đầu tư, thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, cấp giấy phép xây dựng và triển khai xây dựng.
* Đối với nhà đầu tư có quyền sử dụng đất hợp pháp:
Bước 1: Chấp thuận chủ trương đầu tư.
Bước 2: Công nhận chủ đầu tư.
Bước 3: Trình duyệt đồ án quy hoạch chi tiết 1/500.
Bước 4: Chấp thuận đầu tư dự án.
Bước 5:
+ Bước 5A: Thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế cơ sở cấp giấy phép xây dựng.
+ Bước 5B: Dự án có điều chỉnh chỉ tiêu quy hoạch: xác định nghĩa vụ tài chính bổ sung song song thẩm định thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật và cấp giấy phép xây dựng.