Giải quyết vướng mắc về đất đai để đẩy nhanh cổ phần hóa

15/04/2020 18:15

Còn 92 doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2020; trong đó, TP.HCM có 38 doanh nghiệp và Hà Nội có 13 doanh nghiệp.

Còn 92 doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2020; trong đó, TP.HCM có 38 doanh nghiệp và Hà Nội có 13 doanh nghiệp.

Theo Quyết định số 26/2019/QĐ-TTg ngày 15/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa đến hết năm 2020, sẽ có 93 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa; trong đó, có nhiều tập đoàn, tổng công ty lớn.

Tuy nhiên, thời gian không còn nhiều khi chỉ còn hơn 8 tháng để thực hiện khối lượng công việc khổng lồ này. Đây là thách thức rất lớn đối với tất cả các bộ, ngành, địa phương.

Báo cáo của Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) cho thấy, đến nay mới có 1 doanh nghiệp là Công ty Sách và Thiết bị trường học tỉnh Đắk Nông đã được phê duyệt phương án cổ phần hóa.

Như vậy, còn 92 doanh nghiệp sẽ phải hoàn thành công bố giá trị doanh nghiệp cổ phần hóa trong năm 2020; trong đó, TP.HCM có 38 doanh nghiệp và Hà Nội có 13 doanh nghiệp.

(Ảnh minh họa: Hồ Cầu/TTXVN)

Cụ thể, có 4 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 65% vốn điều lệ trở lên gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam - Công ty mẹ; Tổng công ty Lương thực miền Bắc; Công ty Trách nhiệm hữu hạn một thành viên Khoáng sản.

Có 62 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ trên 50% đến dưới 65% vốn điều lệ như: Tổng công ty Viễn thông Mobifone, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Cà phê, Tổng công ty Ximăng Việt Nam (Vicem), Tổng công ty Vận tải Hà Nội, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển hạ tầng đô thị (UCID)...

Bên cạnh đó, có 27 doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, nhà nước nắm giữ từ 50% vốn điều lệ trở xuống hoặc không nắm giữ cổ phần như: Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và Đô thị (HUD), Tổng công ty Giấy Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC)...

Ông Phạm Văn Đức, Phó Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cho biết trong tổng số các doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa, có một số doanh nghiệp lớn hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả nên sẽ thu hút sự quan tâm rất lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước mua cổ phần.

Đại diện Cục Tài chính doanh nghiệp cũng nhấn mạnh theo cơ chế cổ phần hóa hiện hành, các doanh nghiệp này sẽ công khai, minh bạch thông tin khi thực hiện bán cổ phần nhằm giúp cho các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu.

Mặt khác, dựa trên danh sách các doanh nghiệp cổ phần hóa nêu trên, các nhà đầu tư quan tâm có thể liên hệ với doanh nghiệp, cơ quan đại diện chủ sở hữu để nắm bắt thêm đầy đủ các thông tin trước khi quyết định mua cổ phần.

Theo ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, cổ phần hóa là giải pháp quan trọng trong sắp xếp, đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước. Hầu hết các doanh nghiệp Nhà nước sau cổ phần hóa đều sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, nộp ngân sách và thu nhập của người lao động được nâng lên.

Tuy nhiên, việc hoàn thành cổ phần hóa 92 doanh nghiệp trong năm nay là điều rất khó khăn. Là một trong những địa phương có nhiều doanh nghiệp nhà nước phải cổ phần hóa, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân TP. Hà Nội Nguyễn Doãn Toản thừa nhận quá trình cổ phần hóa của thành phố còn chậm so với yêu cầu.

Theo ông Nguyễn Doãn Toản, một trong những nguyên nhân khiến việc cổ phần hóa của Hà Nội chậm là do trước đây thành phố thực hiện cổ phần hóa theo Nghị định số 59/2011/NĐ-CP của Chính phủ về chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty cổ phần, nhưng sau đó Chính phủ ban hành Nghị định số 126/2017/NĐ-CP về chuyển doanh nghiệp nhà nước và công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do doanh nghiệp nhà nước đầu tư 100% vốn điều lệ thành công ty cổ phần, thay thế Nghị định 59.

Những quy định mới tại Nghị định này có sự thay đổi một số nội dung theo hướng chặt chẽ hơn và quy trình cũng nhiều bước hơn, nên doanh nghiệp cổ phần hóa cũng bị ảnh hưởng theo.

Ông Đặng Quyết Tiến cũng cho rằng không thể phủ nhận một thực trạng là một số bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước còn chưa thực sự nghiêm túc triển khai kế hoạch cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và chấp hành chế độ báo cáo.

Trong khi đó, vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, thiếu quyết liệt trong việc đổi mới hoạt động của doanh nghiệp, công khai minh bạch, đúng quy định pháp luật, đảm bảo nguyên tắc thị trường, chống lợi ích nhóm trong cổ phần hóa.

Ngoài ra, cũng còn những lý do khách quan như quá trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động trong giai đoạn trước cổ phần hóa làm kéo dài thời gian thực hiện cổ phần hóa.

Để tiến trình cổ phần hóa đúng theo tiến độ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu xây dựng dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý những vướng mắc về đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa.

Đối với các doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa, Nghị định 126 đã quy định doanh nghiệp thực hiện rà soát toàn bộ diện tích đất đang quản lý, sử dụng để lập phương án sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật về sắp xếp lại, xử lý nhà đất thuộc sở hữu nhà nước và trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt trước thời điểm quyết định cổ phần hóa, nhưng chưa quy định cụ thể về nội dung, trình tự, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa.

Do đó, để tách bạch rõ phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công với phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa của doanh nghiệp, việc sửa Nghị định 126 là cần thiết.

Dự thảo cũng hướng dẫn cụ thể thêm trình tự, thủ tục, nội dung, thẩm quyền phê duyệt phương án sử dụng đất khi cổ phần hóa, nhưng vẫn đảm bảo tuân thủ quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (doanh nghiệp cổ phần hóa phải được phê duyệt tại phương án sắp xếp lại, xử lý nhà, đất trước).

Đồng thời, các quy định trong dự thảo sửa đổi sẽ giúp cho doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ quan đại diện chủ sở hữu và địa phương (nơi doanh nghiệp có diện tích đất đang quản lý, sử dụng) có ý kiến kịp thời, đầy đủ, chính xác và đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật quản lý tài sản công đối với diện tích đất của doanh nghiệp sử dụng khi cổ phần hóa.

Dự thảo sửa đổi, bổ sung Nghị định số 126/2017/NĐ-CP ngày 16/11/2017 hướng dẫn cổ phần hóa doanh nghiệp để xử lý những vướng mắc về đất đai cho các doanh nghiệp khi thực hiện cổ phần hóa sẽ được Bộ Tài chính trình Chính phủ ban hành trong quý 1 năm 2020 nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cổ phần hóa và các cơ quan liên quan./.

 

Link gốc

 

 

 

 

Bạn đang đọc bài viết "Giải quyết vướng mắc về đất đai để đẩy nhanh cổ phần hóa" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.