Gánh nặng nợ nần "đè" lên những ước mơ nghìn tỷ của Hòa Bình Group

30/07/2022 09:12

Nợ phải trả của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Hòa Bình Group, HOSE: HBC) đã tăng vụt trong 5 quý gần đây. Kết thúc quý 2, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này là 3,77 lần.

h1-1659146820.png

Trong khi khối nợ ngày càng phình to thì vốn của Hòa Bình Group lại giảm trong 5 quý gần đây. (Đơn vị tính: tỷ đồng)

Khối nợ phình to, cơ cấu vốn mất cân đối

Theo báo cáo tài chính (BCTC) hợp nhất quý 2/2022, tổng tài sản của Hòa Bình Group đạt 18.255,1 tỷ đồng, tăng 8,6% so với hồi đầu năm. Trong đó, tài sản ngắn hạn chiếm tới 91,1% với mức 16.632,1 tỷ đồng, tăng gần 10%; Tài sản dài hạn chỉ chiếm 8,89% đạt gần 1.623 tỷ đồng, giảm 3,6%.

Tuy có tăng quy mô nhưng nguồn vốn Hòa Bình Group lại mất cân đối khi chủ yếu hình thành từ nợ phải trả chiếm hơn 79,06%, trong khi đó vốn chủ sở hữu chỉ chiếm 20,94%.

Cụ thể, tính đến 30/6/2022, nợ phải trả của Hòa Bình Group đạt xấp xỉ 14.432 tỷ đồng, tăng hơn 1.858 tỷ đồng, tương đương tăng 15,8% so với đầu năm. Trong khi đó vốn chủ sở hữu lại giảm 9,5% xuống còn 3.823,2 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của Hòa Bình Group là 3,77 lần.

Đáng chú ý, tổng nợ vay của Hòa Bình Group đạt 6.534,6 tỷ đồng tăng gần 44% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, nợ và vay tài chính ngắn hạn tăng 24,1% lên mức 5.460,7 tỷ đồng; Nợ và vay tài chính tăng vọt từ mức gần 140 tỷ đồng hồi cuối tháng 6/2021 lên mức 1.077,6 tỷ đồng.

Tình trạng lệ thuộc vào vốn vay của Hòa Bình Group thể hiện rất rõ qua dòng tiền tài chính của doanh nghiệp này. Cụ thể, hồi đầu năm, tiền thu từ đi vay và tiền trả nợ vay lần lượt là 2.686,7 và 1,950 tỷ đồng. Đến cuối tháng 6/2022 là 2.923,1 tỷ đồng và 2.364,6 tỷ đồng, tăng lần lượt 8,8% và 21,3%.

Các chủ nợ chính của Hòa Bình Group hiện gồm: Ngân hàng TMCP Hàng Hải (MSB), Ngân Hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank),...

Về ngắn hạn, Hòa Bình Group vay tổng cộng 5.460,7 tỷ đồng tăng 1.101 tỷ đồng so với cùng kỳ năm ngoái gồm: vay ngân hàng MSB 480,3 tỷ đồng, vay ngân hàng Techcombank 287,2 tỷ đồng, vay ngân hàng VPBank chi nhánh TP.HCM 194,2 tỷ đồng...Về dài hạn, Hòa Bình Group vay gần 1.074 tỷ đồng. Trong đó có 982,5 tỷ đồng trái phiếu của Ngân hàng MSB.

Lợi nhuận tăng trưởng âm, dòng tiền kinh doanh âm

Theo BCTC, doanh thu thuần của Hòa Bình Group tăng 28% so với cùng kỳ lên 4.080 tỷ đồng. Tuy nhiên, giá vốn bán hàng chiếm hơn 3.959 tỷ đồng nên lợi nhuận gộp suy giảm mạnh, chỉ đạt 134,1 triệu đồng.

Điểm sáng bức tranh tài chính của Hòa Bình Group trong quý này là có thêm 183 tỷ đồng doanh thu từ hoạt động tài chính, gấp 2,8 lần chủ yếu nhờ bán các khoản đầu tư thu về 126 tỷ đồng.

Trong quý 2, chi phí tài chính của Hòa Bình Group chủ yếu là chi phí lãi vay là 142,6 tỷ đồng, tăng thêm 69,2 tỷ đồng, tương đương tăng tới 88% so với cùng kỳ năm ngoái. Đồng thời, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng tăng 26 % lên 130,8 tỷ đồng.

h2-1659146820.jpg

Chi phí lãi vay và giá vốn hàng hóa bào mòn lợi nhuận của Hòa Bình Group.

Kết quả, Hòa Bình Group báo lãi sau thuế hơn 50 tỷ đồng, giảm 14% so với cùng kỳ, nhưng đã cải thiện đáng kể so với 3 quý gần nhất.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của Xây dựng Hòa Bình đạt 7.063 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 61 tỷ đồng, lần lượt tăng 30% và giảm 10% so với nửa đầu năm ngoái.

Không chỉ lợi nhuận tăng trưởng âm, dòng tiền kinh doanh và đầu tư âm khiến Hòa Bình Group phụ thuộc vào dòng tiền tài chính.

Tính đến ngày 31/6/2022, dòng tiền hoạt động kinh doanh âm 314,2 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn dương 365,6 tỷ đồng. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới dòng tiền hoạt động kinh doanh của Hòa Bình Group âm từ hồi đầu năm đến nay là do các khoản phải thu tăng từ 512,3 tỷ đồng lên gần 976,6 tỷ đồng.

Đồng thời, dòng tiền hoạt động đầu tư của Hòa Bình Group cũng âm tới 242,3 tỷ đồng, trong khi quý 2/2022 vẫn dương 36,3 tỷ đồng. Tổng cộng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh và đầu tư 6 tháng đầu năm 2022 của Hòa Bình Group âm tới 556,5 tỷ đồng.

Trong kỳ dòng tiền hoạt động tài chính tăng của Hòa Bình Group là 558,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái âm 394,2 tỷ đồng. Kết thúc 6 tháng đầu năm, tiền thu từ đi vay tăng tới 20,8% lên hơn 2.293,1 tỷ đồng. Tuy nhiên, tiền trả nợ gốc vay theo đó cũng tăng từ 1.950 tỷ hồi đầu năm lên 2.364,6 tỷ đồng quý 2/2022, tương đương tăng 21,3%.

Những toan tính hàng chục nghìn tỷ đồng khó thành

Năm 2022, Hòa Bình Group đặt mục tiêu với 17.500 tỷ đồng tổng doanh thu và 350 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Như vậy kết quả nửa đầu năm đã đạt 40% tiến độ doanh thu và mới 17% chỉ tiêu lợi nhuận.

Trong bối cảnh, Ngành xây dựng đang gặp phải nhiều thách thức mới bởi các doanh nghiệp bất động sản bị kiểm soát nguồn vốn vay chặt chẽ hơn khiến việc thanh toán cho nhà thầu bị chậm trễ, nhiều dự án đầu tư bị trì hoãn.

Đặc biệt, hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Hòa Bình Group là 3,77 lần thì toan tính hàng chục nghìn tỷ và khả năng thực hiện bằng một sức khỏe tài chính lành mạnh vẫn là một bài toán khó đối với Hòa Bình Group.

 

 

 

 

 

 

Theo Nguyên Trang - Dương Hùng/Markettimes
Bạn đang đọc bài viết "Gánh nặng nợ nần "đè" lên những ước mơ nghìn tỷ của Hòa Bình Group" tại chuyên mục Tài chính. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.