Đừng để những khu nhà dang dở biến thành những khu nghĩa địa bê tông sắt thép. Đừng để "tấc đất tấc vàng" hoang hủy giữa lòng Thủ đô.
Mới đây, VTV lại nhắc đến Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Từ ngày bắt đầu xây dựng, có lẽ hơn ba mươi năm rồi, đây là lần thứ bao nhiêu công viên này được bêu gương, như một quy hoạch lộn xộn nhất, kém chất lượng nhất, lùm xùm nhiều nhất, vệ sinh kém nhất, bị dân kêu nhất… Năm vừa qua có vài chục cán bộ (Đoàn) bị khởi tố vì chuyện tiền nong, đất cát, quản lý.
Công viên Tuổi trẻ Thủ đô hoang tàn, xuống cấp. Ảnh: Sưu tầm
Thật hiếm có một khu đất đắc địa nào rộng tới 28ha, có hồ nước rộng, có cây xanh, lại được bao suốt ba mặt đường Trần Khát Chân - Võ Thị Sáu - Thanh Nhàn, như thế. Mảnh đất vàng này, vào tay một nhà quy hoạch công viên cây xanh, một nhà quản trị tài ba, chắc chắn sẽ là con gà đẻ trứng vàng, là chốn bồng lai cho chục vạn dân quận Hai Bà Trưng và các du khách hít thở, vui chơi, thăm thú, nghỉ dưỡng… Nhưng người ta đã nhân danh tuổi trẻ để chiếm dụng biến thành nơi hô khẩu hiệu, hứa hẹn; làm nơi chia chác, xà xẻo, biến công thành tư, làm bãi đáp của các nhiệm kỳ, kiếm được tiền và chức, rồi lại tiến lên trên...
Sẽ có ngay một công viên đối chứng để thấy hiệu quả sử dụng đất công như thế nào. Đó là Công viên Cầu Giấy, nhỏ thôi, chừng 10ha, nhưng hiệu năng đời sống (thể chất và tinh thần) thì thật tuyệt vời. Nghe nói, có nhà đầu tư đang muốn xin cắt vài héc-ta Công viên Cầu Giấy để làm bãi đỗ xe. Cầu mong nhà chức trách hãy nói không với đề xuất này, đừng có giao trứng cho ác. Hãy giữ từng mảnh, từng mảnh "lá phổi xanh" của Thành phố.
Công viên Cầu Giấy. Ảnh: Sưu tầm
Lại nhìn thấy khu nhà ma dọc đường Tố Hữu, nay là đoạn đường mang tên Nguyễn Thanh Bình, mỗi khi ra ban công nhìn ra đại lộ. Cũng gần mười năm rồi, những khung nhà trơ thép đen xỉn nhấp nhô lên trời, như những bàn tay quỷ. Một tổ hợp tới gần chục tòa nhà cao ba, bốn chục tầng, có tới hai, ba tầng hầm, tạo thành một đại siêu thị hầm liên hoàn. Chủ đầu tư là Công ty Xây dựng Sông Đà, con cưng một thời của ngành xây dựng. Vậy mà bỏ không mấy năm trời. Cuối năm ngoái, nhiều người mừng hụt, vì tòa nhà được khởi động lại, lát hè, làm tường bao quảng cáo, rầm rập xây dựng chừng hai tháng, rồi bỗng dừng lại. Không rõ lý do? Lại không biết dừng đến bao giờ?
Rồi xa chút nữa, góc đường Vạn Phúc - Tố Hữu, có một tòa nhà hơn năm chục tầng, một tòa tháp đã xây xong phần thô gần mười năm, rồi nằm đắp chiếu, như một thế chết đứng Từ Hải.
Vì sao có hiện tượng Công viên Tuổi trẻ Thủ đô treo? Cụm tòa nhà Sông Đà treo? Tòa nhà Vạn Phúc treo? Và bao nhiêu công trình xây dựng nữa… bị treo?
Không phải do dân, tất nhiên rồi. Không phải do nhà quy hoạch (vì đã đến giai đoạn thi công và hoàn thiện rồi mà). Chỉ có thể do chủ đầu tư. Chủ đầu tư không có năng lực quản lý, điều hành. Chủ đầu tư thiếu vốn, bị ngân hàng phong tỏa. Chủ đầu tư làm ăn phi pháp, chiếm dụng vốn để làm việc khác…
Bài toán này tưởng không khó khăn khi tìm lời giải.
Hãy thay chủ đầu tư. Giống như khi ra trận, thanh gươm cùn, rỉ, thì vứt ngay nó và thay một thanh gươm khác, kẻo mang họa. Giống như phát hiện ra nền móng bị lún sụt, thì dừng ngay, đừng cố mà xây nữa. Hãy xử lý lại nền móng hoặc tìm nơi xây khác. Hãy tuyên bố phát mại để tìm chủ đầu tư khác. Hãy thay chủ đầu tư Công viên Tuổi trẻ Thủ đô. Các cán bộ Đoàn hãy làm công việc đoàn thể. Giao lại đất đai, cây xanh cho một doanh nghiệp xây dựng công viên chuyên nghiệp (như Công viên Cầu Giấy). Ngân hàng hãy phát mại những tòa nhà ma khu đô thị Văn Khê và cho đấu thầu lại, để đưa nhanh công trình vào sử dụng, nhanh chóng biến khu nhà ma Văn Khê thành khu đô thị đáng sống. Ngân hàng hãy phát mại tòa nhà Vạn Phúc để giao chủ đầu tư khác tiếp tục hoàn thiện, trả nhà cho người dân.
Thiết nghĩ, TP. Hà Nội, Bộ Xây dựng nên sớm vào cuộc để giải quyết vấn nạn những dự án treo. Nên có chế tài thời gian cho những dự án treo. Đừng để những khu nhà dang dở biến thành những khu nghĩa địa bê tông sắt thép. Đừng để "tấc đất tấc vàng" hoang hủy giữa lòng Thủ đô./.
Tháng 5/2020