Theo quy định, tất cả dự án phát triển bất động sản đều phải dành diện tích nhất định cho công viên. Thế nhưng, thực tế cho thấy, nhiều chủ đầu tư đã không chấp hành nghiêm quy định này.
“Bỏ quên” công viên
Khu dân cư An Sương, phường Tân Hưng Thuận (quận 12) có quy mô quy hoạch 66ha (hiện nay một phần diện tích vẫn chưa hoàn thành công tác đền bù, giải tỏa) được triển khai đã gần 20 năm. Cho đến thời điểm hiện tại, nhiều người đã nhận đất và xây nhà ở, tạo nên một khu dân cư mới khá bài bản, khang trang với đường sá rộng rãi, các căn nhà được xây dựng đồng bộ…
Tuy nhiên, phần đất công viên trung tâm có diện tích quy hoạch 5ha vẫn hoang hóa từ đó đến nay. Cách đây vài năm, một phần diện tích đất công viên đã được cho thuê để lắp đu quay, cầu trượt, xe điện làm khu vui chơi cho trẻ nhỏ. Không lâu sau đó, toàn bộ khu vui chơi này lại bị dẹp bỏ, công viên trở thành nơi thả diều, tập lái ô tô. Hiện tại, chủ đầu tư đã dùng lưới B40 rào xung quanh và bên trong tiếp tục bỏ hoang, cỏ mọc um tùm.
Cũng trên địa bàn quận 12, dự án chung cư 18 tầng tại phường Tân Thới Nhất do Công ty Tín Phong làm chủ đầu tư, tại khu vực được quy hoạch làm công viên cây xanh - thể thao, chủ đầu tư đã tự ý xây dựng “hồ mặt nước”, thực chất là hồ bơi. UBND TP HCM đã có quyết định cưỡng chế công trình sai phép này từ năm 2013 nhưng đến nay, công trình vẫn tồn tại (!?).
Theo các chuyên gia, công viên là một trong những công trình phúc lợi của xã hội. Do đó, Nhà nước phải ưu tiên ngân sách để đầu tư xây dựng, duy trì hoạt động của công viên. Cùng với đó là công tác lập quy hoạch, xây dựng chính sách để xã hội hóa nguồn vốn trong lĩnh vực này. Nhà nước khuyến khích các tổ chức cá nhân xây dựng, cải tạo công viên, khai thác các dịch vụ công viên theo hình thức xã hội hóa. Các loại hình đầu tư kinh doanh, khai thác trong công viên như bãi xe, giải khát… là những công trình phụ trợ. Việc lắp đặt các công trình này không được làm thay đổi chức năng chính của công viên. TP cần dành nguồn vốn mỗi năm 100 - 200 tỷ đồng cho việc phát triển công viên công cộng, đặt mục tiêu phát triển tối thiểu 10 - 20ha đất công viên công cộng. |
Ngoài ra, cũng ở trên địa bàn quận 12, còn có một số dự án nhà ở mà khu công viên không được chủ đầu tư thực hiện hoàn chỉnh như quy hoạch. Người dân tự trồng cây cho sạch, đẹp thì lại bị “ban ngành” chặt với lý do phát quang sạch sẽ nhưng sau đó lại bỏ cho cây cối mọc um tùm.
Trao đổi với phóng viên Báo SGGP, ông Lê Trương Hải Hiếu, Chủ tịch UBND quận 12, cho biết, dự án Khu dân cư An Sương do Công ty Kinh doanh nhà TP vốn là một doanh nghiệp nhà nước làm chủ đầu tư. Tuy nhiên hiện nay doanh nghiệp này đã cổ phần hóa, nên việc triển khai hạng mục công viên chậm. Theo ông Hiếu, quan điểm của quận là phần diện tích nào đã quy hoạch đất công viên, phải giữ lại để thực hiện chứ không chuyển mục đích khác.
TS Võ Kim Cương, chuyên gia quy hoạch, cho biết thêm, một thực trạng đáng buồn là nhiều công viên được quy hoạch ngay từ đồ án quy hoạch chung đầu tiên (còn gọi là quy hoạch tổng mặt bằng) vào năm 1993 nhưng đến nay, sau 26 năm vẫn chưa thực hiện được; ngoài ra nhiều công viên bị thu hẹp diện tích hoặc “xóa sổ” so với ban đầu như Công viên Đồng Diều, Công viên Rạch Bà Lào… Những điều bất cập trong quy hoạch và thực hiện quy hoạch đã tạo nên những bất cập về chỉ tiêu cây xanh và chỉ tiêu thụ hưởng cây xanh của người dân TP.
Chế tài chưa đủ mạnh?
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng TP HCM, cho biết, tính đến cuối năm 2018, TPHCM có 491,16ha đất công viên (369 công viên, bao gồm các công viên công cộng và các công viên trong các dự án nhà ở; diện tích công viên bình quân đạt 0,49m2/người (tính với quy mô dân số 10 triệu người). Trong đó, diện tích công viên khu vực nội thành cũ (13 quận) là 273.13ha, chiếm 55,6%, đạt bình quân 0,67m2/người; diện tích công viên khu vực quận mới (6 quận) là 172ha chiếm 35% toàn thành phố, đạt bình quân 0,72m2/người.
Khu vực ngoại thành (5 huyện) có 46ha công viên chiếm tỷ lệ 9,4%, đạt bình quân 0,3m2/người. Hiện nay, quận 1 có 56,74ha công viên trong khi quy hoạch phải có 75,65ha; quận 3 có 0,61ha và quy hoạch 8,97ha; quận 4 hiện trạng 4,45ha, quy hoạch 54.74ha; quận 12 hiện trạng 0.89ha, quy hoạch 568ha; huyện Bình Chánh hiện trạng 37ha, quy hoạch 1.288ha; huyện Nhà Bè hiện trạng 3,79ha, quy hoạch 1.170ha; huyện Cần Giờ 0,84ha, quy hoạch 566ha…
Theo ông Lê Hòa Bình, hiện việc phân bố công viên trên địa bàn TP không đồng đều và bất hợp lý. Các quận nội thành có diện tích công viên lớn hơn các quận huyện còn lại. Các quận huyện ngoại thành diện tích công viên còn rất hạn chế mặc dù diện tích quy hoạch công viên rất lớn. Điển hình như các quận 12, 9, Thủ Đức, Bình Tân, Nhà Bè, Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh chưa có công viên công cộng nào.
Một khu đô thị mới ở quận 8 vắng bóng mảng xanh Ảnh: THÀNH TRÍ
Công viên công cộng ở khu vực này trong 7 năm qua chỉ tăng thêm 10,7ha; do đó chưa tăng thêm không gian sinh hoạt có quy mô lớn cho người dân. Ngoài ra, việc chậm đầu tư xây dựng công viên cũng ảnh hưởng đến đời sống của người dân nằm trong khu vực đất quy hoạch xây dựng công viên.
Việc xây dựng công viên trong các dự án bất động sản ở các quận huyện vùng ven này cũng rất hạn chế dù rằng đây là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh. Hiện nay, số dự án đã xây dựng và có người dân vào ở nhưng chủ đầu tư vẫn chưa đầu tư hạ tầng kỹ thuật, công viên cây xanh khá nhiều. Theo số liệu thống kê của Hội đồng Công trình Cây xanh Việt Nam, hiện Việt Nam chưa có đến 100 công trình xanh đạt chuẩn quốc tế.
Ông Huỳnh Thanh Khiết, Phó Chủ tịch UBND quận 2, lý giải, cái khó của cơ quan ở địa phương là chưa có chế tài đủ mạnh để xử lý những chủ đầu tư nói trên. Theo nhiều chuyên gia về quản lý đô thị, điều đó cho thấy công tác kiểm soát việc đầu tư đồng bộ các hạng mục trong đó có công viên cây xanh trong các khu dân cư mới còn chưa chặt chẽ. Việc này đã ảnh hưởng đến chất lượng sống của người dân cũng như kiến trúc cảnh quan đô thị.
Cá biệt, còn có một số chủ đầu tư cố tình không đền bù giải tỏa phần đất được quy hoạch là công viên hoặc cố tình chuyển đổi đất công viên thành đất khác mà ngành chức năng cũng chưa thể xử lý dứt khoát được. Như vậy, vấn đề ở đây là hoàn thiện cơ chế chính sách, đặc biệt có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm những hành vi cố tình chây ì, không thực hiện nghĩa vụ phát triển mảng xanh.
Nhà đầu tư cũng có lợi
Bên cạnh những dự án “bầy hầy” thì vẫn có không ít dự án được chủ đầu tư chăm chút cảnh quan, mảng xanh theo đúng quy định. Khu đô thị Vạn Phúc dành trên 100ha diện tích cho mặt nước và mảng xanh. “Trong năm 2019, chúng tôi còn dành hơn 2.000 tỷ đồng đầu tư cho 10 hạng mục công trình trọng điểm… trong đó bao gồm nhiều hạng mục công viên cảnh quan như: Công viên Vạn Phúc 1, hồ bơi ngoài trời, Công viên Royal Garden…”, ông Phạm Danh, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Bất động sản Đại Phúc, cho biết. Dự án Celadon City (quy mô gần 100ha tại quận Tân Phú) do một tập đoàn của Malaysia đầu tư cũng được nhiều người ví là dự án “phố trong rừng” bởi tỷ lệ mảng xanh khá cao, cây cối um tùm như một khu rừng. Và đây là một trong những ưu thế vượt trội của dự án so với nhiều dự án khác trong khu vực. Chỉ có một vấn đề khiến nhiều chủ đầu tư băn khoăn, đó là cần có những quy định riêng chặt chẽ hơn nhằm đảm bảo trật tự cũng như bảo vệ mảng xanh cho dự án cũng như “quyền lợi” của cư dân mua nhà tại dự án. Bởi lẽ, theo quy định, hầu hết các công viên trong dự án phát triển bất động sản, sau khi được nghiệm thu phải bàn giao cho cơ quan chức năng quản lý. Công viên lúc này là của chung cộng đồng và nếu không quản lý tốt, sẽ rất dễ bị xuống cấp. |
Theo Đỗ Trà Giang (sggp.org.vn)