Việc thành lập thành phố phía Đông của TP.HCM đang trở thành động lực mạnh, thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường BĐS nơi đây. Trong đó, nhiều nhà đầu tư đi trước, đón cơ hội đã bắt đầu có được quả ngọt.
Để hiểu rõ hơn về cơ sở thành lập thành phố phía Đông cùng những tác động đột phá cho thị trường bất động sản khu vực này cũng như cơ hội cho nhà đầu tư, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội BĐS TPHCM.
Thưa ông, việc thành lập Thành phố phía Đông từ từ sáp nhập địa giới hành chính 3 quận của TP là Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức có phù hợp với quy hoạch không?
Trước năm 1975, hầu hết không gian của Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức bây giờ được gọi chung là huyện Thủ Đức, thuộc tỉnh Gia Định. Sau năm 1975, huyện Thủ Đức là huyện trực thuộc TPHCM. Sau năm 1997, TPHCM thành lập ra 7 quận mới gọi là quận nội thành phát triển, theo đó quận Thủ Đức lại được chia tách thành 3 quận là Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức như hiện nay.
Đứng về mặt không gian đô thị, việc Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức sau khi chia tách nay được sáp nhật lại trở thành thành phố phía Đông là phù hợp. Bên cạnh đó, nếu xét ở điều kiện địa lý tự nhiên thì 3 quận này nằm bao gọn trong sông Sài Gòn nên trở thành một đơn vị hành chính cũng là thuận theo tự nhiên.
Hiện dư luận đang lấn cấn nhiều đến khái niệm "thành phố trong thành phố" khi thành phố phía Đông được thành lập, ông có quan điểm gì về vấn đề này?
Nếu chúng ta coi TPHCM là một tỉnh thì việc thành phố trực thuộc tỉnh là bình thường. Chúng ta có thể thấy, thành phố Vinh trực thuộc tỉnh Nghệ An, Thành phố Biên Hòa trực thuộc tỉnh Đồng Nai, TP Mỹ Tho trực thuộc tỉnh Tiền Giang…
Đối với TPHCM, thành phố phía Đông trực thuộc TPHCM cũng giống một thành phố trực thuộc tỉnh. Để giải quyết nhận thức về chuyện này, năm nay Quốc Hội sẽ sửa đổi Luật tổ chức chính quyền địa phương và sẽ xem xét đề án này.
Theo ông, sau khi trở thành thành phố thì quy mô phát triển của khu vực phía Đông sẽ như thế nào?
Sau khi thành lập TP phía đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5 km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người, tương đương với Đà Nẵng. Vì vậy, thành phố phía Đông hoàn toàn có đủ cơ sở trở thành đô thị loại I như TP Biên Hòa.
Tuy nhiên, chúng ta đừng nhìn bó hẹp thành phố khu Đông chỉ ở 3 quận Q.2, Q.9, và Q.Thủ Đức như bây giờ. Nếu lấy quận 9 làm trung tâm quay bán kính 50km chúng ta sẽ thấy cần phải mở rộng TP phía đông của TP.HCM một phần sang huyện Long Thành và Nhơn Trạch của tỉnh Đồng Nai để có dư địa phát triển.
Không những thế, sân bay Long Thành cũng nên sáp nhập vào TP phía đông này bởi một sân bay tầm quốc tế không thể để một tỉnh quản lý. TP nên xin cơ chế sáp nhập một phần huyện Long Thành và toàn huyện Nhơn Trạch vào "Thành phố phía Đông".
Nhiều ý kiến cho rằng, nếu thành phố phía Đông được thành lập sẽ tạo động lực tăng trưởng mới cho TPHCM, ông đánh giá thế nào về ý kiến này?
Về mặt kinh tế, TPHCM phát triển đầu tàu cả nước, tốc độ phát triển TPHCM hiện đang tạm dừng so với trước đây, tăng trưởng GDP ở ngưỡng bão hoà. Về mặt vật lý, để tăng trưởng TPHCM cần được tác động bởi lực gia tốc mới.
TPHCM xác định 3 lực đẩy tăng trưởng trong giai đoạn tới. Thứ nhất là việc chuyển đổi 26.000 ha đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ đô thị. Đây là lực gia tốc lớn bởi giá trị gia tăng từ 26.000ha đất công nghiệp tạo ra gấp 900 lần so với sản xuất nông nghiệp. Lực gia tốc thứ 2 là chuyển đổi 5 huyện nội thành thành quận trong vòng 10 năm tới. Lực gia tốc thứ 3 chính là việc hình thành thành phố phía Đông, đây được kỳ vọng tạo lực gia tốc mạnh nhất.
Nghị quyết đại hội đảng bộ TPHCM trong 10 năm qua đã đưa ra định hướng phát triển đô thị TPHCM thành thành phố thông minh và để làm được điều này thì cần đột phá, đó là xây dựng đô thị phía Đông.
Sau khi thành lập TP phía đông sẽ có diện tích tự nhiên 211,5 km2, quy mô dân số hơn 1,1 triệu người, tương đương với Đà Nẵng.
Việc thành lập thành phố phía Đông đang có tác động mạnh mẽ đến thị trường BĐS nơi đây, theo ông tác động này sẽ diễn biến tiếp theo thế nào?
Trong chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, Việt Nam nằm trong bộ tứ kim cương, trong bộ 7 nước được mời gọi để xem lại vấn đề tái cấu trúc toàn cầu. Hiện nay thu hút dòng vốn nước ngoài vào Việt Nam, phân khúc đầu tiên hưởng lợi là BĐS công nghiệp, khu công nghệ cao. Thành phố phía Đông sẽ được xây dựng theo mô hình khu đô thị sáng tạo, vì vậy, phân khúc BĐS nhà ở, căn hộ, văn phòng cao cấp đang có rất nhiều cơ hội phát triển trong thời gian tới.
Với chiến lược xây dựng khu đô thị sáng tạo, trước mắt thành phố phía Đông sẽ thu hút một lượng lớn cư dân là những nhà khoa học, các chuyên gia cố vấn nước ngoài có mức thu nhập rất cao. Chính vì vậy, để đáp ứng được nhu cầu của tầng lớp này, chắc chắn BĐS cao cấp, trong đó bao gồm nhà ở, căn hộ, trung tâm thương mại và văn phòng làm việc sẽ phải được ưu tiên.
Tuy nhiên, bên cạnh phát triển BĐS cao cấp là bất động sản bình dân bởi thành phố phía Đông sẽ còn phải giải quyết nhu cầu nhà ở cho 1 triệu người dân bản địa.
Theo ông, những đại đô thị đang được xây dựng tại khu Đông sẽ đóng góp như thế nào cho sự phát triển của khu vực này trong tương lai?
Sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông kéo theo sự xuất hiện của hàng loạt khu dân cư và cao ốc, khu đô thị tầm cỡ như Vinhomes Grand Park, Verosa Park, Sala… biến nơi đây thành điểm đến thu hút nhà đầu tư.
Những đại đô thị này về tương lại sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của thành phố khu Đông. Cụ thể như Vinhomes Grand Park, đây là đô thị mới, là thành phần trong thành phố phía Đông. Đại đô thị này đi trước, tạo điểm nhấn và là cực cực thu hút đầu tư cư dân về ở. Đại đô thị này sẽ giúp tái bố trí lại cư dân của TPHCM, kể cả là của Đồng Nai bởi thành phố phía Đông không chỉ thu hút dân cư TPHCM mà còn là người nhập cư từ nhiều tỉnh, nhất là những khu vực kết nối từ Metro, thủ dầu 1, Bình Dương.
Trước tiềm năng của khu Đông hiện nhiều nhà đầu tư đang tìm về khu vực này, ông có lời khuyên gì cho nhà đầu tư thưa ông?
Tại khu Đông, có những doanh nghiệp đã chuẩn bị từ hàng chục năm trước và bây giờ họ đã gặt hái được những thành quả ngọt ngào từ khu vực đó, có thể kể đến như Vingroup. Hiện nay, khi khu Đông đã được quy hoạch và giá đất đã có sự tăng trưởng những doanh nghiệp đến đây cần có sự vững mạnh về tài chính và uy tín nhất định.
Đối với người mua nhà, nhà đầu tư nhỏ lẻ chúng ta có thể thấy vẫn còn cơ hội rất lớn. Theo quy luật bất cứ nhà đầu tư nào đến với các dự án BĐS từ ban đầu đều được hưởng lợi do sự gia tăng giá, do giá tăng theo thời gian nhờ có tăng theo hạ tầng và dịch vụ kèm theo.
Tại khu Đông, ngoài hạ tầng phát triển còn có lợi thế lớn ở quỹ đất dồi dào, là cơ hội để phát triển các mô hình bất động sản theo xu thế tương lai. Các khu đô thị sinh thái thông minh tích hợp đầy đủ chức năng và tiện ích sẽ là thỏi nam châm hút nhà đầu tư khi khách hàng ngày càng có yêu cầu cao hơn về chất lượng cuộc sống.
Xin chân thành cảm ơn ông!