Với đam mê sáng tạo, anh Nguyễn Minh Hoàng (27 tuổi; ngụ xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) đã nghiên cứu, thiết kế và xây dựng thử nghiệm thành công “ngôi nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL”, rất phù hợp cho người dân vùng sông nước ĐBSCL.
Sinh ra trong một gia đình nông dân vùng rốn lũ của Đồng Tháp Mười, tuổi thơ của Hoàng gắn liền với nhiều lần chạy lũ khi con nước thượng nguồn đổ về. Hoàng luôn ao ước làm ra ngôi nhà chống ngập để gia đình, bà con không phải vất vả chạy lũ. Đến lúc học xong ngành kiến trúc, chàng kiến trúc sư trẻ quyết tâm thiết kế một ngôi nhà “lưỡng cư” để chống ngập, vừa tiện nghi trên cạn, trên bề mặt ao hồ vừa phù hợp khi mực nước dâng cao.
Với ý tưởng được nung nấu từ nhỏ, sau thời gian tìm tòi, kết hợp kiến thức trên giảng đường Trường ĐH Xây dựng Miền Tây (tỉnh Vĩnh Long), Hoàng đã hoàn chỉnh và trình làng một căn nhà nổi với thiết kế đẹp, tiện nghi. Ngôi nhà diện tích 48 m2, có dãy hành lang trước nhà, 2 phòng ngủ, phòng vệ sinh, 1 phòng khách và nhà ăn tích hợp. Ngôi nhà được thực hiện với giải pháp kiến trúc xanh kết hợp với điều kiện khí hậu gió và nước làm mát cho công trình bằng hệ thống thông gió, chiếu sáng tự nhiên. Mặc dù rất tiện lợi nhưng giá trị ngôi nhà chỉ khoảng 300 triệu đồng và có thể sử dụng trong 30 – 50 năm.
Anh Hoàng cho biết thiết kế của căn nhà với chân đế và sàn gỗ được nâng lên cao hơn so với mặt đất. Vào mùa khô, căn nhà đặt trên nền đất như bình thường. Đặc biệt là khi nước dâng lên, các thùng phuy nhựa dưới kết cấu sàn cùng hệ thống trượt nổi sẽ giúp căn nhà nổi lên. Chi tiết trượt nổi thiết kế đơn giản nhưng mang lại hiệu quả an toàn cao. Nguyên tắc vận hành của các chi tiết dựa trên định luật lực đẩy Archimedes, theo đó, nhà sẽ nổi lên mà không cần phải tốn chi phí nào để tác động vận hành. Nhờ vậy, nước sẽ không gây bất cứ hư hỏng gì đến công trình bên trên, người dân vẫn có thể an tâm sinh hoạt trong nhà và không cần di dời đồ đạc. “Ngôi nhà phù hợp với nhiều địa hình khác nhau như đất liền, ven sông hoặc trên ao hồ. Ngoài ra, việc bảo trì cũng khá dễ dàng. Thông thường, việc bảo trì thùng phuy nhựa sẽ được thực hiện 2 năm/lần để bảo đảm quá trình vận hành không gặp sự cố khi có nước dâng” – anh Hoàng chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Khanh – Chủ tịch UBND xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười – đánh giá mô hình nhà chống ngập này không chỉ thiết thực với các địa phương vùng ĐBSCL mà còn rất phù hợp với loại hình du lịch homestay, thân thiện môi trường. Mặt khác, xét về ứng dụng, ngôi nhà có thể tiết kiệm được diện tích đất, tiện ích cao cho bà con vùng ngập, lũ.
Với những tính năng vượt trội, dự án “ngôi nhà lưỡng cư thích ứng với biến đổi khí hậu khu vực ĐBSCL” của chàng kỹ sư 9X Nguyễn Minh Hoàng đã xuất sắc giành giải ba trong cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia 2018.
Theo Người Lao Động
https://nld.com.vn/moi-truong/doc-dao-nha-luong-cu-chong-ngap-20191129222042191.htm