Hai gói hỗ trợ cùng hàng loạt chính sách của Chính phủ đã được triển khai để sốc lại nền kinh tế, trong đó có thị trường bất động sản. Điều này đã mang đến không ít kỳ vọng với các doanh nghiệp ngành địa ốc
Từ “căn bệnh” cạn dòng tiền
“Chính phủ nên xem xét hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản kéo dài thời hạn trả nợ ngân hàng hoặc hạ mức tiền lãi, bên cạnh đó gia hạn thêm thời gian đối với việc đóng thuế hay tiền thuê đất”.
Đó là kiến nghị của bà Như Khương, Bộ phận Nghiên cứu thị trường Colliers Việt Nam khi nhìn nhận về nhu cầu cấp bách, ngay lập tức của các thành viên thị trường địa ốc, trước những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.
Đồng quan điểm, bà Bùi Nguyễn Huyền Trang, Giám đốc cấp cao JLL Việt Nam cho biết, hiện các doanh nghiệp vẫn phải chi trả các chi phí thường xuyên, nhiều doanh nghiệp không dùng đến văn phòng, nhà xưởng nhưng vẫn phải trả tiền thuê. Do đó, cần có hỗ trợ từ chính sách để các doanh nghiệp có thể giảm giá thuê, giảm phí quản lý.
Trước tin mừng về việc các doanh nghiệp địa ốc được bổ sung vào nhóm được nhận hỗ trợ từ gói hỗ trợ tín dụng 300.000 tỷ đồng, gói hỗ trợ tài khóa 30.000 tỷ đồng, bà Trang cũng có những góc nhìn riêng.
Theo bà Trang, gói hỗ trợ của Chính phủ sẽ chia ra, hỗ trợ cho nhiều lĩnh vực, những ngành chịu tác động nặng nề của dịch, từ dịch vụ cho đến sản xuất. Gói này được phân bổ một phần cho bất động sản.
“Theo tôi, phân khúc khách sạn đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, sau đó là phân khúc cho thuê hoạt động kinh doanh như mặt bằng bán lẻ. Tuy nhiên, đến nay, câu chuyện đặt ra là các doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ thế nào, doanh nghiệp nào được hỗ trợ. Điều này chưa được quy định rõ ràng khiến nhiều người còn băn khoăn”, bà Trang cho biết thêm.
Đến liều “vắc-xin” giải cứu
Đánh giá về vai trò của liều “vắc-xin” hỗ trợ thị trường nói trên, ông Nguyễn Lê Hải Đăng, Giám đốc cấp cao Bộ phận Huấn luyện và Phát triển chiến lược Meyland đánh giá, đây là các gói hỗ trợ quan trọng, hỗ trợ kịp thời các gia đình chịu tác động bởi dịch Covid-19 và giúp các doanh nghiệp sớm ổn định lại sản xuất sau dịch. Đây là những “liều vắc-xin” rất kịp thời cho nền kinh tế, giúp các nhà đầu tư yên tâm vào triển vọng của thị trường, bởi nền kinh tế sớm hồi phục tất yếu sẽ tác động tích cực tới thị trường bất động sản.
Trước hàng loạt kiến nghị hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, giải cứu thị trường của các bộ ngành, hiệp hội bất động sản, ông Đăng cho rằng, trong thời điểm khó khăn hiện nay, các doanh nghiệp bất động sản đã nhận được những quan tâm hỗ trợ từ Chính phủ, các bộ, ngành liên quan và Hiệp hội Bất động sản Việt Nam…
Kiến nghị của Bộ Tài nguyên và Môi trường (miễn thu tiền sử dụng đất) và Bộ Tài chính (đưa doanh nghiệp bất động sản vào nhóm được hỗ trợ) đã phản ánh đúng thực trạng và nguyện vọng của số đông doanh nghiệp. Các kiến nghị được phê duyệt sẽ giúp cắt giảm đáng kể thủ tục hành chính, giúp chủ đầu tư triển khai dự án nhanh chóng hơn. Đặc biệt, kiến nghị của Bộ Tài chính về việc gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng tiền thuế và tiền thuê đất (tăng gần 100.000 tỷ đồng so với nội dung đã trình Chính phủ trước đó) sẽ giúp nhiều doanh nghiệp “dễ thở” hơn trong tình hình hiện nay.
Còn theo bà Hoàng Lài, Phó tổng giám đốc La Luna Resort, gói hỗ trợ chủ yếu sẽ tập trung cho lĩnh vực sản xuất. Do vậy, với bất động sản cần có hướng dẫn cụ thể về việc nhóm này chiếm tỷ trọng bao nhiêu trong gói hỗ trợ và doanh nghiệp như thế nào sẽ được nhận hỗ trợ. Chẳng hạn, các dự án chuẩn bị đi vào vận hành ưu tiên thay vì dự án đang bắt đầu đầu tư. Bởi dự án đi vào vận hành nếu thuộc phân khúc như nghỉ dưỡng sẽ tạo ra hàng ngàn công ăn việc làm cho người lao động, sẽ giúp nền kinh tế phục hồi nhanh hơn dự án nhà ở.
Bà Lài cho rằng, ngay lúc này, các doanh nghiệp địa ốc cần được hỗ trợ giãn, giảm các loại thuế và giảm lãi suất vay vốn trong 12 tháng để doanh nghiệp có thể phục hồi sản xuất - kinh doanh.
Theo TS. Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam, dịch bệnh Covid-19 có thể gây thiệt hại lớn gấp 3 - 4 lần so với dịch SARS 2003, mức thiệt hại có thể lên tới hàng ngàn tỷ USD trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực ASEAN bị ảnh hưởng nặng nhất.
Ông Khương khẳng định, bằng việc ký ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội trong dịch Covid-19, chúng ta đang thấy Chính phủ có những nỗ lực quyết liệt và thực tế, mà các doanh nghiệp bất động sản đặc biệt hưởng lợi.
Đại diện Savills cho rằng, với 2 gói hỗ trợ lần này, các doanh nghiệp bất động sản có thể kỳ vọng về việc Chính phủ và các bộ, các cơ quan liên quan sẽ thực hiện rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Với mọi doanh nghiệp, thủ tục hành chính được xem là gánh nặng nhiều năm. Đây thực sự là giải pháp vực dậy doanh nghiệp trong giai đoạn dịch bệnh, là thứ mà mọi doanh nghiệp đều cần.
Ngoài ra, việc Chính phủ yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công và cải thiện môi trường kinh doanh, giúp tăng tốc độ phát triển kinh tế và phát triển cơ sở hạ tầng, cũng góp phần tác động tích cực lên thị trường địa ốc.
“Về bản chất, doanh nghiệp nói chung đặt trọng tâm vào vấn đề lợi nhuận. Song ở giai đoạn dịch Covid-19, doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, dịch vụ khác nhau, sẽ có khó khăn riêng và mỗi khó khăn đòi hỏi cách giải quyết phù hợp, thay vì đứng trên bình diện chung. Vì vậy, thực tế này đòi hỏi nhu cầu về sự ra đời của các ban tư vấn chính phủ riêng rẽ, nhằm giải quyết cho từng nhóm ngành phù hợp. Chúng ta có thể tự tin rằng, khả năng phục hồi của kinh tế Việt Nam là khá tốt so với các nước khác, đến từ việc kiểm soát tốt tình hình dịch Covid-19”, ông Khương nhấn mạnh.