Covid-19 đã tạo ra những biến đổi lớn trên thế giới, trong đó có sự xê dịch, định vị lại chuỗi cung ứng toàn cầu. Với việc kiểm soát dịch thành công, Việt Nam đang là điểm đến đầy tiềm năng đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Định vị lại chuỗi cung ứng, Việt Nam nắm lợi thế thu hút FDI
Tại tọa đàm trực tuyến "Hậu Covid-19: chuẩn bị gì để trở lại đường đua?" diễn ra mới đây, bà Phạm Chi Lan, chuyên gia kinh tế đã có những nhận định về tình hình nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam trước tác động của dịch bệnh. Theo bà Lan, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đã khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy. Trung Quốc - nơi được coi là đại công xưởng của thế giới đã phải tạm dừng hoạt động.
Bà Lan cho hay, cuộc khủng hoảng kinh tế hiện tại khác so với cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Năm 2008, cuộc khủng hoảng xảy ra nhưng vẫn có sự lãnh đạo đầu tàu của nhiều nước lớn như Mỹ và sự bắt tay của các quốc gia khác trong việc bàn bạc, đưa ra giải pháp. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng hiện tại xảy ra trong bối cảnh cuộc chiến tranh thương mại của 2 nước lớn là Mỹ và Trung Quốc.
"Thế giới đang lúng túng trong cách hợp tác với nhau giữa các nước lớn. Điều này dự báo những khó khăn trong nền kinh tế hiện nay", bà Chi Lan đánh giá.
Đồng quan điểm đó, ông Phan Hữu Thắng, nguyên Cục trưởng Cục đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng nhận định về tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu khi dịch bệnh xuất hiện. Trong bối cảnh đó, Việt Nam đã và đang nhận được nhiều điểm vàng từ thu hút đầu tư FDI.
“Việt Nam thành công trong chống dịch đã tạo ra lợi thế trong bối cảnh các nước khác đang chịu nặng nề của Covid-19. Các nhà đầu tư được củng cố niềm tin khi Việt Nam an toàn trong cuộc sống đời thường bởi đây là quốc gia không phân biệt người trong nước hay người nước ngoài. Họ cũng nhìn thấy cơ hội vàng của Việt Nam khi 3 năm gần đây, kết quả tăng trưởng kinh tế tốt, môi trường minh bạch”, ông Thắng cho hay.
Cũng theo ông Thắng, các nhà đầu tư đã nhìn thấy sự quyết liệt, chỉ đạo đúng đắn của Chính phủ trong mặt trận phòng chống dịch bệnh. Điều đó dẫn tới kết quả trong tháng 4 với nhiều tín hiệu tích cực từ đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Việt Nam có chủ trương nhất quán trong ứng xử với đầu tư nước ngoài. Việt Nam coi FDI là một ngành cấu tạo nên nền kinh tế. Điều này đã tạo nên cơ hội vàng cho Việt Nam thu hút đầu tư khi các nước trên thế giới khó khăn, dòng vốn, nguồn cung ứng bị đứt gãy.
Mặc khác, ông Thắng cho rằng, Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị vào tháng 8/2020 đã đưa ra chủ trương, giải pháp rất cơ bản, căn cơ để tạo điều kiện, nâng cao sức cạnh tranh của Việt Nam với nước ngoài, phục vụ phát triển kinh tế và đất nước. Chủ trương đó đã điều chỉnh lại cơ cấu, hệ thống chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.
Tận dụng cơ hội vàng
Dù nhận định Việt Nam đang hưởng lợi từ chuỗi cung ứng toàn cầu song, các chuyên gia cho rằng, vấn đề quan trọng là Việt Nam tạo đà bứt phá từ bối cảnh thuận lợi này như thế nào?
“Cơ hội vàng là vậy nhưng Việt Nam có tận dụng được không lại là vấn đề khác. Chủ trương của Việt Nam hiện nay đối với thu hút đầu tư nước ngoài cần phải chọn lọc, không thu hút bằng mọi giá, nhất là trong bối cảnh quốc tế ngày càng phức tạp", ông Thắng nhấn mạnh.
Trong khi đó, bà Phạm Chi Lan cũng cho rằng: “Cơ hội là có, nhưng vấn đề là chúng ta có biết tận dụng cơ hội đó không, biết cách tổ chức thu hút để hiệu quả ra sao?”
Bà Lan nhấn mạnh, việc thu hút đầu tư FDI không để các nhà đầu tư núp bóng bỏ vốn, tiến tới thâu tóm thị trường Việt. Mặc dù Việt Nam đã có chủ trương, chính sách trong lựa chọn nhà đầu tư cẩn trọng, nhưng các giải pháp phòng ngừa đang yếu thế, có thể dẫn tới những lo ngại không đáng có.
"Chính phủ nên quan sát sớm, đưa ra những vấn đề có thể ảnh hưởng đến tương lai gần và tương lai xa. Các biện pháp thu hút đầu tư là hoàn toàn đúng đắn nhưng cần chắt lọc để hiệu quả", bà Lan cho hay.
Bà Lan cũng phân tích: "Một vấn đề của Việt Nam đó là xây dựng chiến lược "quả mít", tức ngành nào cũng trở thành mũi nhọn. Chúng ta phải đánh giá đúng thực lực của mình để có chiến lược thu hút hiệu quả. Ví dụ như ở Indonesia, đích thân Thủ tướng đã dành ra quỹ đất rộng lớn chỉ để thu hút nhà đầu tư Mỹ. Việt Nam là cô gái đẹp nhưng đã già, chính vì vậy càng cần phải tận dụng cơ hội hợp lý.
Hay như trước đó, chúng ta thường nói đến cuộc cách mạng 4.0. Chủ trương có, chính sách có nhưng thực trạng triển khai lại không tiệm cận với nó. Những người đang thực thi chủ trương, cơ chế không phù hợp với khát vọng thực sự của người dân, doanh nghiệp. Điều này cần phải thay đổi".
Ở góc nhìn khác, ông Thắng nhấn mạnh, dù cơ hội của Việt Nam so với các quốc gia khác là lớn nhưng nguồn FDI vào Việt Nam vẫn sẽ có thể sụt giảm 20% so với năm trước.
"Điều này là hoàn toàn chấp nhận được khi trong bối cảnh dịch bệnh. Nhưng đây lại là cơ hội để Việt Nam gia tăng điểm vàng", TS. Phan Hữu Thắng nhận định.