Theo Viện KSND TP.HCM, năm 2019 có nhiều vụ án các đối tượng sử dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền lớn như vụ án tại công ty Địa ốc Alibaba hay Angel Lina...
Tội phạm trên địa bàn TP.HCM còn phức tạp
Ngày 3/1, Viện Kiểm sát Nhân dân (KSND) TP.HCM tổ chức hội nghị triển khai công tác kiểm sát năm 2020. Đến tham dự buổi hội nghị có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP.HCM; ông Lê Minh Trí, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện KSND Tối cao, cùng lãnh đạo UBND TP.HCM và các phòng nghiệp vụ Viện KSND Tối cao.
Tại hội nghị, lãnh đạo Viện KSND TP.HCM báo cáo tóm tắt kết quả đạt được năm 2019 và triển khai công tác kiểm sát năm 2020, đồng thời nêu những mặt còn tồn tại, khó khăn hạn chế cần khắc phục trong thời gian tới.
Bà Huỳnh Thị Hon, Phó Viện trưởng Viện KSND TP.HCM cho biết, năm 2019 tình hình tội phạm trên địa bàn TP.HCM diễn biến phức tạp, nhiều vụ phương thức thủ đoạn phạm tội tinh vi, có quy mô và tổ chức chặt chẽ hơn; các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản diễn ra đa dạng, nhiều vụ án các đối tượng sự dụng hình thức kinh doanh đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người với số tiền đặc biệt lớn như vụ án xảy ra tại Công ty Địa ốc Alibaba, vụ án xảy ra tại Công ty Angel Lina...
Ngoài ra, lãnh đạo Viện KSND TP.HCM cũng nêu tình hình tội phạm xâm hại trẻ em tiếp tục gia tăng và diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận. Nhiều vụ án giết người xuất phát từ mâu thuẫn nhỏ nhưng hành vi rất manh động, côn đồ...
Đáng chú ý là trong thời gian qua trên địa bàn TP.HCM có nhiều tranh chấp dân sự liên quan đến mua bán đất đai bằng hình thức giấy viết tay. Về vấn đề này, bà Huỳnh Thị Hon cho biết, Viện KNSD TP.HCM đang rà soát, tổng hợp các trường hợp bán đất bằng giấy viết tay trên địa bàn thành phố để thống nhất với cơ quan tư pháp xác định rõ bản chất là dân sự hay hình sự để có hướng xử lý. Tổng số vụ tranh chấp dân sự hôn nhân gia đình là gần 40.000 vụ việc.
Năm qua, Viện KSND TP.HCM được Viện KSND Tối cao ủy quyền thực hành quyền công tố, kiểm sát xét xử nhiều vụ án do Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc. Số vụ được Viện KSND Tối cao ủy quyền là 29 vụ với 130 bị cáo.
Một số vụ án điển hình như vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm gây thiệt hại trên 3.600 tỷ đồng xảy ra tại Ngân hàng Đông Á; vụ án Ngô Trí Đức xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín gây thiệt hại trên 5.164 tỷ đồng; vụ án Dương Thanh Cường gây thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Agribank; vụ án Châu Văn Khảm cùng đồng phạm “khủng bố nhằm chống chính quyền”...
Tập trung xử lý bỏ lọt tội phạm, ban hành bản án trái luật
Tại hội nghị, ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu phải ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác kiểm sát để cải thiện và nâng cao năng suất làm việc hơn nữa trước áp lực rất lớn từ công việc hiện nay trên địa bàn TP.HCM. Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2020 và Viện KSND Tối cao sẽ hỗ trợ Viện KSND TP.HCM thực hiện nhiệm vụ này. Đồng thời cần tăng cường phối hợp kịp thời với các cơ quan ban ngành cấp Trung ương và địa phương để giải quyết các vụ việc có hiệu quả hơn.
Theo Viện trưởng Viện KSND Tối cao, phải coi nhiệm vụ giải quyết các vụ án tạm đình chỉ là nhiệm vụ quan trọng trong năm 2020 và những năm tiếp theo. Bởi các vụ án tạm đình chỉ sinh ra hai việc. Thứ nhất là phía sau có bao che bỏ lọt tội phạm, thứ hai là xâm phạm đến quyền công dân hết sức nghiêm trọng. “Anh cứ treo người ta lơ lửng như thế, muốn gì cũng được. Mình cứ đặt mình, người thân của nhà mình có vụ bị tạm đình chỉ thì mình mới thấy bức xúc cỡ nào...", Viện trưởng Viện KSND Tối cao Lê Minh Trí nói.
Từ đó, Viện trưởng Viện KSND Tối cao yêu cầu Cơ quan điều tra Viện KSND Tối cao cần lưu ý tập trung điều tra, truy tố các hành vi không truy cứu trách nhiệm hình sự đối với người phạm tội, những người có hành vi ban hành bản án trái pháp luật.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Thiện Nhân, Bí thư Thành ủy TP.HCM đã biểu dương và đánh giá cao những thành tích mà Viện KSND TP.HCM đạt được trong năm 2019. Đồng thời, trong thời gian tới Viện KSND TP.HCM cần phát huy hơn nữa những mặt đạt được và khắc phục những tồn tại, hạn chế để góp phần vào nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, phát triển kinh tế xã hội của thành phố.
Về vấn đề mà Viện KSND TP.HCM nêu tình trạng người dân mua bán đất đai bằng giấy viết tay hiện nay xử lý theo hướng dân sự hay hình sự, ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng việc này rất quan trọng. Thừa nhận việc mua bán bằng giấy viết tay là trái pháp luật, nhưng theo ông Nhân thì có một thực tế, cứ 5 năm TP.HCM lại tăng thêm 1 triệu dân, tức là 1 triệu người cần chỗ ở. Trong khi TP.HCM chưa có một chương trình chỗ ở cho 1 triệu người dân này.
“Chúng ta có chỉ tiêu xây nhà ở tăng lên thì có nhưng nhà ở đấy người nhập cư chắc vào không được. Chỗ này cũng có chỗ vênh giữa nhu cầu người dân và cách quản lý của chúng ta cho nên có cái việc mua bán giấy tay", ông Nhân nói và cho biết trong thời gian tới thành phố sẽ có nhiều giải pháp để khắc phục tình trạng này.
https://www.tienphong.vn/xa-hoi/dia-oc-alibaba-angle-lina-lua-dao-nhieu-nguoi-voi-so-tien-dac-biet-lon-1505370.tpo