Mới đây, một loạt các công ty xây dựng lớn, như Delta, Cienco4, Vinaconex, Thành An, Phục Hưng Holdings... đã có văn bản gửi Hiệp hội các nhà thầu Xây dựng Việt Nam để kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp xây lắp.
Doanh nghiệp bất động sản nói chung và các doanh nghiệp bất động sản nói riêng cũng cho biết họ cần oxy để tồn tại qua đại dịch. Một loạt đề xuất, kiến nghị hỗ trợ được doanh nghiệp đưa ra tại một tọa đàm về bất động sản vừa diễn ra.
Đa số doanh nghiệp đều muốn giảm VAT, giảm thuế TNDN, hoãn nộp các loại thuế, gia hạn thời gian trả nợ/cơ cấu nợ ngân hàng, giảm lãi suất vay ngân hàng, giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội trong năm, giảm tiền thuê đất phải nộp…
Ai cũng nói kẹt thì biết cứu ai?
Trao đổi với , TS. Hồ Quốc Tuấn - Giảng viên Đại học Bristol (Anh) cho rằng thời điểm này kinh tế vô cùng khó khăn trước ảnh hưởng của đại dịch, doanh nghiệp "chật vật" về dòng tiền, ai cũng cần hỗ trợ. Dự án không triển khai được, không mở bán được thì xây dựng, bất động sản rõ ràng sẽ bị kẹt theo.
"Giờ ai cũng kẹt thì biết cứu ai?", vị chuyên gia đặt vấn đề. Theo ông Tuấn, để hỗ trợ đúng đối tượng cần phải đặt vào tổng thể chung. "Khi kiểm soát dịch chặt chẽ thì cần có gói hỗ trợ lớn, nhưng nên ưu tiên cứu các ngành sản xuất trước. Bởi đây là xương sống của nền kinh tế", ông Tuấn bình luận. Tuy nhiên vị chuyên gia cũng nhấn mạnh đối với bất động sản, xây dựng nên có chính sách riêng…
Chuyên gia kinh tế Lê Duy Bình cũng cho rằng, khó khăn với các doanh nghiệp là khó tránh khỏi ở thời điểm này, các ngành như bất động sản, xây dựng cũng không ngoại lệ. Song vấn đề là cứu ai và tiền đâu để cứu.
"Doanh nghiệp không nên trông chờ vào sự "giải cứu" từ Nhà nước. Nghe đau xót nhưng đó là thực tế, đó là thị trường. Dù muốn "cứu" cũng khó, hỗ trợ cũng chỉ phần nào", ông Bình nhấn mạnh.
Vị chuyên gia cũng cho rằng khi nguồn lực có hạn nên ưu tiên cứu sản xuất trước, giữ vững thị trường... "Cần tập trung những chỗ hỗ trợ mà có tính khả thi, có thể tạo sự khác biệt nhờ đồng tiền hỗ trợ. Cần sử dụng đồng tiền hỗ trợ sao cho mang lại hiệu quả cao nhất vì nguồn lực ít. Có những ngành thì muốn hỗ trợ thì nguồn lực quá lớn hoặc có những ngành có đổ tiền vào thì chưa chắc đã giúp ích được nhiều", ông Bình nhận định.
Theo ông Bình, đối với xây dựng, bất động sản có thể cân nhắc phương án giãn hoãn nộp thuế, tiền thuê đất… "Đối với nhóm ngành này, nền kinh tế về trạng thái bình thường, không dịch bệnh thì nhóm ngành này sẽ mau hồi phục nhất", ông Bình nói.
Nhận định về việc xin hỗ trợ của các doanh nghiệp bất động sản xây dựng, PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh cho rằng, các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng không nằm trong nhóm các ngành nghề được ưu tiên. Bởi vậy, theo quan điểm của chuyên gia này, việc hạ lãi suất hay tái cấu trúc cũng chỉ nên xem xét. Các doanh nghiệp bất động sản, xây dựng vẫn nên tự vượt qua bằng cách tiết giảm chi phí.
Với kiến nghị giảm thuế đất, theo ông, thuế đất mang tính chất lâu dài còn khó khăn chỉ là tạm thời. Chính phủ không thể hạ một chính sách dài hạn để đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn, mà chỉ nên giãn, hoãn đóng thuế và bảo hiểm xã hội cho các doanh nghiệp xây dựng trong một khoảng thời gian.
Ngoài ra, theo ông Thịnh, việc các doanh nghiệp xây dựng xin được tiêm vắc xin sớm là không quá cấp thiết. Vì ngoài ưu tiên cho tuyến đầu chống dịch, vắc xin nên được ưu tiên cho những tỉnh có mật độ dân số cao hoặc các tỉnh có khu công nghiệp lớn là động lực tăng trưởng của cả nước.
Chỉ mong được duy trì hoạt động
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình cũng cho biết, mong mỏi lớn nhất đối với ông đó là được duy trì hoạt động sản xuất. Những vấn đề như hỗ trợ giảm thuế, hạ lãi suất… chỉ giải quyết được phần ngọn. Gốc rễ cái doanh nghiệp cần đó là giải quyết được bài toán duy trì hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp không hoạt động nhưng vẫn phải duy trì bộ máy thì bao tiền "rót" vào cho đủ.
"Cái gốc là làm sao để doanh nghiệp giảm thiệt hại, nền kinh tế đỡ bị tổn thương nhất", ông Hải cho biết bản thân doanh nghiệp ông có 3 công trình thực hiện "3 tại chỗ", duy trì sản xuất nhưng chỉ có một thành công. "Giá vật liệu tăng cao do vận chuyển đắt đỏ quá. Cần sớm gỡ được nút thắt về logistics, lưu thông hàng hóa", ông Hải kiến nghị. Đặc biệt theo ông Hải,.
Ông Hải kiến nghị chiến lược phòng chống Covid-19 cần thay đổi phù hợp trong tình hình mới. Cần xác định mục tiêu và nhiệm vụ trọng yếu thật chính xác trong dài hạn và trong ngắn hạn để có một chiến lược đúng.
"Mục tiêu trọng yếu trong dài hạn là cả nước chứ không phải riêng một tỉnh thành nào cả thoát khỏi đại dịch nhanh nhất với hai điều kiện. Thứ nhất là toàn dân sẽ sống chung với môi trường tồn tại Covid-19, nhưng được chăm sóc tốt khi rủi ro bị nhiễm bệnh. Thứ hai là hoạt động sản xuất dịch vụ và lưu thông hàng hóa không bị ách tắc", ông Hải nhấn mạnh đến việc cần tiêm vắc xin cần hướng đến các đối tượng phù hợp để giải quyết những khó khăn cho nền kinh tế.
Hiện Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã nghiên cứu, xây dựng dự thảo Nghị quyết hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp giai đoạn 2021-2025 và một số giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19.
Theo dự thảo, trong những tháng gần đây, tình hình dịch bệnh trong nước diễn biến phức tạp, do biến chủng mới, tốc độ lây lan nhanh; các đợt dịch bùng phát khiến cho các doanh nghiệp vốn đã bị tổn thương lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. Các nguồn lực dự trữ đang cạn dần trong khi thị trường trong nước và quốc tế giảm mạnh và chưa có dấu hiệu phục hồi hoặc đang phục hồi rất chậm. Sức chống chịu của khu vực doanh nghiệp tiếp tục suy giảm.
Chính vì vậy, cần có các chính sách, giải pháp nhanh, mạnh và kịp thời để tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn của doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, tiếp sức cho doanh nghiệp ổn định, duy trì sản xuất kinh doanh và việc làm cho người lao động.
Theo Nguyễn Mạnh - Thế Hưng/Dân trí