Hãy lắng nghe lời khuyên dạy của cổ nhân xưa để hoàn thiện bản thân, tạo tiền đề vững chắc để gây dựng cơ đồ, sự nghiệp.
Tăng Quốc Phiên là một đại thần nổi tiếng dưới thời nhà Thanh.
Mặc dù có xuất thân bình thường, tố chất cũng không có gì nổi bật nhưng nhờ những phương thức xử sự riêng của mình mà ông gặt hái được rất nhiều thành công và không ngừng thăng tiến.
Việc lập đức, lập công, lập ngôn đã trở thành sự tồn tại không thể thiếu đối với mỗi bậc thánh hiền. Tăng Quốc Phiên sở dĩ có thể đạt được nhiều thành tựu vĩ đại, được ví như thánh nhân chính là nhờ lối tư duy khôn ngoan khác biệt của ông.
Ông chỉ ra 3 việc con người cần phải loại bỏ nếu muốn có được thành công trong suốt cuộc đời. Hãy xem đó là những việc gì.
1. Độc chiếm lợi ích, chỉ muốn hưởng lợi một mình
Một người muốn làm nên chuyện lớn cần phải có "thiên thời địa lợi nhân hoà".
"Thiên thời địa lợi" thì tùy thuộc vào may mắn, riêng "nhân hoà" thì chính chúng ta có thể tự kiểm soát, tạo lập được.
Có câu "tài tán nhân tụ, tài tụ nhân tán", nghĩa là muốn hội tụ, tập trung những người năng lực ưu tú lại với nhau để cùng phấn đấu, hướng tới một mục tiêu chung thì phải hiểu được cách tán tài (phân bổ tài lực).
Trước khi đánh chiếm Nam Kinh, quân Tương của Tăng Quốc Phiên muốn chiếm đóng thủ phủ chủ chốt cuối cùng là An Khánh.
Tăng Quốc Phiên đã phải lên kế hoạch hết sức tỉ mỉ, dồn hết tâm huyết cho trận chiến đấu quyết liệt này.
Nhưng khi dâng tấu lên triều đình, Tăng Quốc Phiên lại nhường phần công lao đã trù tính kế hoạch giành thắng lợi này cho Hồ Lâm Dực, đồng thời đem chiến công của trận huyết chiến trên tiền tuyến cho Đa Long A.
Trong suốt mấy chục năm làm quan, ông luôn nhường nhịn, phân chia lợi ích, giúp đỡ và dìu dắt người khác. Chính vì vậy mà dưới trướng quân Tương của ông có vô số người tài.
Tăng Quốc Phiên cũng nhờ vậy mà lập được công lao to lớn trong việc dẹp yên quân Thái Bình Thiên Quốc.
Trước đó, dưới thời nhà Hán, sau khi Hàn Tín bình định Tề Vương liền đề nghị Lưu Bang chia đất phong vương, phong cho ông ta làm "Giả Tề Vương ".
Lưu Bang nghe vậy chỉ đáp: "Tề Vương cũng có phân biệt thật giả sao? Ngươi đã muốn làm thì làm hẳn Chính Tề Vương đi". Sau đó liền phong Hàn Tín làm Tề Vương. Cũng nhờ vậy mà Lưu Bang thu phục được Hàn Tín, khiến Hàn Tín một lòng cùng ông chinh chiến thiên hạ.
Tăng Quốc Phiên từng nói rằng: "Có phúc thì cùng hưởng, chớ nổi lòng chiếm đoạt".
Ai cũng mong muốn giành được càng nhiều lợi ích, nhưng lợi ích không nên khư khư ích kỷ hưởng thụ một mình. Một người chỉ khi biết cho đi ích lợi mới có thể tạo dựng được thành tựu trong sự nghiệp.
2. Thiếu tư duy độc lập, mù quáng làm theo người khác
Tăng Quốc Phiên từng khuyên rằng: "Cửu lợi chi sự vật vi, chúng tranh chi địa vật vãng". Nghĩa của câu này là: Những việc luôn luôn mang lại lợi ích thì đừng làm, nơi đang xảy ra tranh chấp, ai cũng muốn giành giật thì đừng lui tới.
Thấy người khác làm, mình cũng bắt chước làm y chang như vậy, giống như ôm tổ ong vò vẽ, một khi ong vỡ tổ sẽ phá hỏng tan tành tất cả.
Có một câu chuyện kinh doanh thế này:
Từ thế kỉ trước, người Mỹ đã sớm phát hiện ra một mỏ vàng trữ lượng cực lớn ở vùng phía Tây của đất nước.
Lượng vàng nhóm người đầu tiên đào đãi kiếm được nhiều vô kể, đến nhóm người đào vàng thứ hai đến cũng thu hoạch được không ít, cho đến tốp người đào đãi vàng thứ ba, thứ tư bước vào mỏ vàng thì lợi nhuận thu về chẳng còn là bao. Cuối cùng, những người tới đây đào vàng ngay cả tiền xe trở về cũng không kiếm đủ.
Lúc này lại có vài người nhìn ra được cơ hội kiếm tiền từ chính những người đến đào vàng ấy. Họ không lựa chọn đi đãi vàng mà quyết định đi bán nước, bán dụng cụ đãi vàng cho nhóm người kia, nhờ vậy mà họ thu được nguồn lợi nhuận đáng kể và trở nên giàu có.
Chu Dị từng nói: "Túng quẫn sinh biến, gặp biến ắt thông, thông sẽ dài lâu".
Câu này ý muốn nói, một người chỉ khi hiểu được sự biến đổi, linh hoạt ứng biến thì mới gặp được nhiều điều tốt lành và thuận lợi.
Đừng mù quáng theo kiểu gió thổi chiều nào quay theo chiều ấy, thấy người khác làm gì mình cũng ù cạc mô phỏng làm theo.
Khi đương đầu với những khó khăn, bão táp của cuộc đời, chúng ta phải giữ cho đầu óc thật tỉnh táo, đồng thời tập cho mình thói quen suy nghĩ độc lập, có như thế chúng ta mới có thể mở ra một thế giới mới thuộc về mình trong thế cục phức tạp hỗn loạn kia.
3. Soi mói lỗi lầm người khác mà không nhìn ra điểm tốt của họ
Tăng Quốc Phiên từng nói: "Vật dĩ tiểu ác khí nhân đại mỹ, vật dĩ tiểu oán vong nhân đại ân".
Câu nói này ý muốn khuyên người ta đừng vì lỗi lầm nhỏ của người khác mà phủ nhận tài năng, sự thành công và ưu điểm của họ, cũng đừng vì chút ân oán mà quên đi công ơn của người ta.
Có một người nhân viên nọ vì để triển khai một dự án mà phải tiêu tốn rất nhiều thời gian để hoàn thành một bản báo cáo hoàn chỉnh.
Bản báo cáo này dài đến mấy chục trang. Khi anh đang trình bày trong cuộc họp thì có một vị đồng nghiệp phát hiện anh viết sai một chữ, thế là thẳng toẹt chỉ ra lỗi ấy trước mặt mọi người.
Sau này, người đồng nghiệp kia cũng tham gia vào một hạng mục khác. Mất một lần thức đêm để làm bản kế hoạch, làm xong cũng tự cảm thấy hài lòng về thành quả của mình.
Kết quả đến ngày hôm sau, chỉ vì một số liệu chẳng to tát gì mà dẫn đến sai sót, bị người phụ trách phê bình thậm tệ.
Cổ nhân nói rồi: "Hảo nhi tri kỳ ác, ác nhi tri kỳ mỹ giả, thiên hạ tiên hĩ", nghĩa là: Một người nếu yêu thích ai mà thấy được chỗ xấu của họ, ghét bỏ ai mà thấy được chỗ tốt của họ, ấy là điều hiếm có trong thiên hạ.
Khuyết điểm thì nên tránh, ưu điểm thì phải học hỏi, tránh xem xét nhìn nhận vấn đề trên góc độ tiêu cực và chỉ trích người khác một cách phiến diện, một chiều.
Thay vào đó, chúng ta hãy học cách bao dung, khen ngợi người khác, làm được như thế chúng ta mới thật sự là một người trưởng thành.
Nếu chỉ nhìn vào yếu điểm và sai phạm của người khác, con người chúng ta chẳng khác gì một cái thùng rác, chấp nhận bị trút đổ mọi thứ vào mình; nếu chỉ nhìn vào ưu điểm và sở trường của người khác, chúng ta ngược lại có thể trở thành một cái chậu ngọc quý giá."
Trong thế giới hồng trần này, ai là người không bao giờ mắc sai lầm? Khoan dung đối đãi với người khác chẳng phải là mang đến cho chính bản thân mình những điều tốt đẹp tử tế hơn đó sao?
Thế nên, mỗi chúng ta hãy đừng để mình chỉ nhìn thấy khuyết điểm của người khác, hãy mở lòng bao dung và thân thiện, chúng ta sẽ thấy thế giới này còn rất nhiều tốt đẹp mở ra cho bản thân.