Theo giới chuyên gia bất động sản, trước diễn biến phức tạp từ đại dịch Covid-19, giá nhà ở tại Đà Nẵng có thể tiếp tục xu hướng giảm từ đầu năm 2020.
Dịch bệnh trở lại, giá nhà ở Đà Nẵng vẫn sẽ tiếp tục giảm
Do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng tiếp tục rơi vào trạng thái “ngủ đông”, các chỉ số về nguồn cung, nhu cầu, tỷ lệ giao dịch đều giảm mạnh so với cùng kỳ năm ngoái.
Ngay cả nhiều nhà đầu tư “ruột” của thị trường bất động sản Đà Nẵng cũng đang dần mất kiên nhẫn, dẫn tới việc rút vốn và tháo chạy khỏi thị trường.
Theo báo cáo mới nhất của DKRA Việt Nam cho thấy, trong 7 tháng đầu năm 2020, hầu hết các phân khúc đều phải hứng chịu thiệt hại, trong đó, bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng là phân khúc có thiệt hại nặng nhất.
Theo đơn vị này, vào cuối tháng 5, đầu tháng 6/2020, phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng đã đón nhận một số tín hiệu tích cực, với sự ra mắt của một số dự án.
Tuy nhiên, chưa kịp gượng dậy cú đấm bồi của "làn sóng Covid-19 thứ 2" đã khiến thị trường tiếp tục lún sâu vào khủng hoảng.
Hai phân khúc sôi động nhất thị trường là đất nền và căn hộ cũng phải gồng mình gánh chịu tác động nặng nề từ dịch bệnh.
Cụ thể, với phân khúc đất nền, trong suốt 7 tháng chỉ có 90 sản phẩm được giao dịch, nguồn cung ở mức thấp và giá thì có dấu hiệu giảm ở một số dự án đối với các giao dịch thứ cấp. Còn căn hộ, nguồn cung cũng khá khan hiếm.
Thị trường ghi nhận 3 dự án mở bán, cung cấp khoảng 156 căn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2019 (khoảng 486 căn). Tỷ lệ tiêu thụ đạt 42%, tương đương 65 căn, giảm 62% so với cùng kỳ năm trước (khoảng 171 căn).
Riêng phân khúc nhà phố và biệt thự thì không có dự án mới mở bán. Nguồn cung sơ cấp chủ yếu đến từ các dự án đã mở bán trước đó. Mức tiêu thụ chung của toàn thị trường ở mức thấp.
Theo dự báo của DKRA, trong giai đoạn cuối năm 2020, giá bán của phân khúc đất nền, nhà phố và biệt thự tiếp tục xu hướng giảm.
Trong khi đó, phân khúc căn hộ tiếp tục khan hiếm nguồn cung, sức mua chung toàn thị trường duy trì ở mức thấp dù nhu cầu khá cao. Mặt bằng giá bán căn hộ không có nhiều biến động và tiếp tục duy trì trạng thái như 7 tháng đầu năm.
Cơ hội để nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường?
Theo nhận định của giới chuyên gia, đại dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản như chiếc lò xo bị “nén” lại. Vì vậy, trong thời gian tới, khi dịch bệnh được kiểm soát hoàn toàn, thị trường Đà Nẵng sẽ bật dậy mạnh mẽ.
Theo ông Nguyễn Hoàng, đại diện của DKRA Việt Nam, trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay, cả nhu cầu, lẫn nguồn cung đều giảm sút, nên rất khó để thẩm định giá trị bất động sản Đà Nẵng đã chạm đáy hay chưa.
“Khi thị trường khan hiếm nguồn cung, bản thân người có tiền cũng không biết nên đầu tư cái gì, phân khúc bất động sản nào cho phù hợp. Vì vậy, để đánh giá thị trường bất động sản Đà Nẵng có thực sự chạm đáy hay không, tôi còn phải chờ khi nào nguồn cung ổn định trở lại”, ông Hoàng nói.
Tuy nhiên, chuyên gia của DKRA cũng cho rằng, thị trường bất động sản Đà Nẵng có nhiều cơ hội bứt phá trong thời gian tới, thời điểm hồi phục có thể vào quý 4/2020.
Vị chuyên gia này phân tích, thứ nhất, cơ sở hạ tầng của Đà Nẵng tương đối hoàn thiện. Đồng thời, trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ có thêm hàng loạt các dự án giao thông trọng điểm, đơn cử như mở rộng cảng Liên Chiểu, càng Tiên Sa, tuyến đường sắt đô thị nối Đà Nẵng với Hội An, đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Trị,...
Các yếu tố về hạ tầng sẽ hỗ trợ cho tất cả các phân khúc bất động sản tăng trưởng, từ bất động sản công nghiệp, nhà ở, căn hộ, cho tới đất nền, biệt thự - nhà phố,...
Thứ hai, ngành du lịch Đà Nẵng đang có đà tăng trưởng từ năm 2019, điều này sẽ là một động lực lớn giúp phân khúc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng “nóng” trở lại.
Một số yếu tố khác cũng sẽ hỗ trợ thị trường bất động sản Đà Nẵng như việc điều chỉnh bảng giá đất mới với mức giảm 5% đối với đất thương mại - dịch vụ cũng như đất sản xuất - kinh doanh phi nông nghiệp.
Ngoài ra, hàng loạt chính sách mới từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi đại dịch đã bắt đầu phát huy hiệu quả.
Nhờ đó, các doanh nghiệp bất động sản tại Đà Nẵng có thể giảm bớt gánh nặng về tài chính, có thể tiếp cận vốn vay mới có lãi suất ưu đãi. Từ đó, các doanh nghiệp có thể hoàn thiện dự án theo đúng tiến độ, giảm chi phí thi công.
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, thời điểm này đang là cơ hội “vàng” để nhà đầu tư “bắt đáy” thị trường. Tuy nhiên, cơ hội này chỉ dành cho nhà đầu tư có nguồn vốn tự có.
“Thị trường bất động sản Đà Nẵng đã không còn “sóng ảo” như thời gian trước, giá bán bất động sản cũng đã tiệm cận với giá thật, nên để tạo ra lợi nhuận, nhà đầu tư phải có chiến lược theo đuổi dài hạn. Như vậy, việc sử dụng các đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản trong giai đoạn này tương đối phức tạp.
Dù mức vay là bao nhiêu cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro, nếu vay ít quá thì không đủ đầu tư, còn mức vay trên 30% sẽ có nguy cơ không thể không thể trả lãi ngân hàng”, ông Đính nói thêm.
Theo Reatimes