Chính phủ sắp ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá rẻ.Thị trường bất động sản 2020 vừa trải qua giai đoạn "đứng hình" do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19. Từ tháng 5, với lệnh dỡ bỏ cách ly thị trường bất động sản đã và đang trên đà phục hồi.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng
Theo Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA), bắt đầu từ tháng 5/2020, thị trường bất động sản có những dấu hiệu bật dậy mạnh mẽ. Tỷ lệ dự án đưa ra thị trường tăng lên khoảng gần 6 lần, tỷ lệ tiêu thụ được trong tháng 5 so với tháng 4 tăng lên đến 15 lần.
Tất cả các dự án nhà ở từ cao cấp đến bình dân khi đưa ra thị trường đạt tỷ lệ hấp thụ rất cao, đến 99 - 100% ở phân khúc nhà ở xã hội. Phân khúc nhà ở thương mại giá trị từ 2 tỉ đồng trở xuống đạt tỉ lệ 100% tiêu thụ và nhà ở cao cấp đạt 70 - 80%, có những dự án tiêu thụ tới 100%. Nhà đầu tư thứ cấp thời gian qua cũng được hưởng lợi nhờ khan hiếm sản phẩm.
Tuy nhiên, HoREA cũng chỉ rõ, khó khăn lớn nhất chính là khan hiếm dự án, sản phẩm. Cụ thể, nếu trong năm 2018, nguồn cung chỉ giảm ở mức 20% thì đến 2019 đã sụt giảm tới 70%. Cả năm 2019 chỉ có 1 dự án được "chạy". Điều này là nguyên nhân chính khiến dù khủng hoảng do đại dịch nhưng giá bất động sản thời gian qua không vẫn không giảm.
Giá chỉ xuống ở thị trường thứ cấp vì nhà đầu tư không chịu được áp lực dòng tiền. Còn ở thị trường sơ cấp, các nhà đầu tư dự án bất động sản uy tín vẫn duy trì hoạt động với mức giá phù hợp.
Ông Nguyễn Trọng Ninh - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và Thị trường Bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường sau dịch COVID-19, từ đầu năm 2020 đến nay đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra.
Kinh nghiệm của các nước cho thấy, khi thị trường bất động sản khó khăn thì người thu nhập thấp sẽ là đối tượng cần được quan tâm nhiều nhất, trong đó phân khúc nhà ở xã hội là lĩnh vực được quan tâm đầu tư. Tuy nhiên, chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện đang có nhiều vướng mắc, nhất là quỹ đất 20% cho nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại hiện nay còn thiếu hay các quy định lựa chọn đầu tư nhà ở xã hội cũng chưa được rõ; ưu đãi đối với nhà đầu tư về lợi nhuận định mức, quản lý nguồn vốn ưu đãi cũng chưa được quy định rõ trách nhiệm.
Chính vì vậy, hiện Bộ Xây dựng, Chính phủ đang sửa đổi, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phân khúc này. Khi nhà ở xã hội phát triển tốt sẽ hỗ trợ thị trường.
"Để tháo gỡ cho nhà ở xã hội sau khi gói 30.000 tỉ đồng kết thúc, Bộ Xây dựng đã nhiều lần kiến nghị cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại và hiện đã có gói tín dụng này với khoảng 2.000 tỉ đồng. Từ đây các ngân hàng thương mại sẽ huy động thêm trên dưới 60.000 tỉ đồng. Những dự án nhà ở xã hội đang triển khai mà vướng mắc về vốn sẽ làm việc với Ngân hàng Nhà nước để có giải pháp hỗ trợ cho vay. Như vậy những năm tới phân khúc nhà ở xã hội sẽ khởi sắc", ông Ninh cho hay.
Cũng theo ông Ninh, trong thời gian tới Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết khuyến khích nhà ở thương mại giá rẻ bởi hiện nay đang lệch pha, bất động sản cao cấp nhiều, nhà giá thấp ít. Nhà nước sẽ điều tiết bằng cách tăng ưu đãi cho những doanh nghiệp tham gia vào phân khúc căn hộ thương mại giá thấp diện tích dưới 75 m2, giá dưới 20 triệu đồng/m2.
Dự kiến trong quý 3/2020 sẽ có dự thảo Nghị quyết trình Chính phủ. Nếu nghị quyết này ra đời sẽ giúp thị trường phát triển ổn định, hài hòa.
Theo NLĐ
Link gốc