Cách mạng 4.0 với tiến bộ vượt bậc về công nghệ làm thế giới phẳng hơn, nhưng cũng có thể khiến khoảng cách bất bình đẳng về giới trở nên sâu sắc hơn.
Đâu là cánh cửa hẹp để phụ nữ vươn lên khẳng định vị thế và quyền năng của mình trong bối cảnh 4.0?
Cách mạng 4.0 đã hiện hữu ngay trước mắt
Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) hiện đang có sức lan tỏa và ảnh hưởng sâu sắc đến mọi ngành nghề, moi lĩnh vực trong đời sống kinh tế và xã hội. Tuy nhiên, một bộ phận lớn đối tượng lao động nữ vẫn nghĩ rằng CMCN 4.0 đang ở rất xa và chưa ảnh hưởng tới Việt Nam, trong khi, nhìn vào cuộc sống thường ngày, CMCN 4.0 đã hiện hữu ngay trước mắt. Đó là các hãng taxi công nghệ Uber hay Grab dù không sở hữu một chiếc xe nào nhưng lại đang thắng thế và đe dọa sự phá sản của hàng loạt hãng taxi truyền thống, là các phần mềm phiên dịch đang cải tiến để thay thế các thông dịch viên khiến ngoại ngữ không còn là một rào cản lớn với mọi người…
Sức mạnh của trí tuệ nhân tạo đang dần thay thế sức lao động của người ở nhiều lĩnh vực và tạo ra những chuyển biến lớn về năng suất lao động. Các chuyên gia đã ước đoán chỉ trong 20 năm nữa thôi, một số ngành nghề mà 60% bạn trẻ đang học sẽ biến mất khỏi thị trường lao động và tuyển dụng.
Nhân viên nữ làm việc trong dây chuyền sản xuất của Samsung Việt Nam.
Hiện nay, bắt kịp xu hướng công nghệ, nhiều ngân hàng của Mỹ, Nhật, Singapore đã sai thải hàng ngàn nhân viên, không chỉ vì máy đếm tiền đã thay thế công đoạn đếm thủ công, mà do robot hiện đã có thể đảm nhận cả những vị trí trợ lý hay phục vụ khách hàng ở quầy giao dịch. Tại nhiều nước phát triển hiện nay, các công ty môi trường không cần người quét rác, trên xa lộ không cần nhân viên kiểm soát vé.
Máy móc đang thay thế những công việc giản đơn, đó không chỉ là những cảnh báo cho tương lai, mà đã và đang diễn ra trong cuộc sống thường ngày.
Trong bối cảnh cuộc CMCN 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ như vậy, phụ nữ đang là một trong các đối tượng chịu tác động nhiều nhất từ những chuyển biến được đánh giá là chưa từng có và chưa lường được hết.
Tại Việt Nam, số lượng lao động nữ trong độ tuổi lao động đạt 22,3 triệu người, chiếm 45,6% lực lượng lao động của Việt Nam. Dựa trên một số thước đo thị trường lao động tại Việt Nam, nữ giới đạt được nhiều tiến bộ so với nam giới. Con số thống kê cho thấy, phụ nữ Việt Nam tham gia lực lượng lao động tương đối tích cực: tỷ lệ tham gia lực lượng lao động nữ là 71%, thấp hơn 11 điểm phần trăm so với lực lượng lao động nam (82%), cao hơn nhiều nước trong khu vực như Malaysia (52%), Indonesia (52%), và Singapore (60%) hay mặt bằng chung của thế giới (48%) và khu vực châu Á Thái Bình Dương (59%).
Điều đáng nói là, lao động nữ chiếm trên 70% lực lượng lao động của các ngành xuất khẩu chính như dệt may, da giày, điện tử và 64% lao động trong các khu công nghiệp. Tuy nhiên, đây lại là đối tượng yếu thế và dễ tổn thương hơn nam giới do không nhận được sự đối xử công bằng trong nhiều trường hợp, và vì thế những đóng góp của họ với xã hội chưa được công nhận tương xứng và thích đáng. Vậy đâu sẽ những giải pháp để xóa bỏ những tổn thương về giới ngày càng sâu sắc trong CMCN 4.0?
Chung tay nâng cao quyền năng 4.0 của phụ nữ
Vậy ở Việt Nam, những khó khăn và những ảnh hưởng của CMCN 4.0 là gì? Chúng có ảnh hưởng như thế nào đến lao động nữ, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo nói riêng? Trước những tác động đó, các bên liên quan đã có và cần có những giải pháp nào, những ai sẽ tham gia vào việc tìm giải pháp cho những khó khăn ấy?
Vào ngày 15/11/2019, tất cả những câu hỏi lớn này sẽ được thảo luận tại sự kiện Diễn đàn đa phương 2019, nơi mọi nguồn lực trong xã hội từ các cơ quan quản lý, các chủ doanh nghiệp, các chuyên gia đầu ngành từ các lĩnh vực kinh tế, pháp luật, bình đẳng giới...cùng lên tiếng và chung tay để trao quyền phát triển và tỏa sáng của phụ nữ trong CMCN 4.0.
Diễn đàn Đa phương 2019 được phối hợp tổ chức bởi Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Khoa học về Giới – Gia đình – Phụ nữ và Vị thành niên (CSAGA) và Samsung Việt Nam, với chủ đề ““Nâng cao quyền năng của Phụ nữ tại nơi làm việc trong bối cảnh Cách mạng Công nghiệp 4.0” nhằm thúc đẩy vai trò chủ động của lao động nữ bắt kịp xu thế để vượt lên trong bối cảnh công việc 4.0.
Diễn đàn đa phương là sự kiện thường niên do Samsung khởi xướng, bắt đầu được tổ chức tại Việt Nam từ năm 2018, nhằm kết nối tri thức, nhiệt huyết, nguồn lực và năng lượng của tất cả các bên liên quan, gồm cơ quan hoạch định chính sách, các tổ chức phi chính phủ, tổ chức xã hội, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và khối tư nhân. Thông qua sự kiện thường niên này, các tư tưởng, giải pháp, sáng kiến được chia sẻ và thảo luận, từ đó cảm hứng hành động và năng lượng tích cực được lan tỏa, góp phần giải quyết các vấn đề quan trọng của xã hội Việt Nam một cách hiệu quả./.
Diệu Linh
Theo: VoV.vn