Bức tranh tài chính Kita Group: Lỗ liên tiếp, khoản phải thu và tồn kho chiếm hơn 90% tài sản

21/10/2023 08:52

Những năm gần đây, Kita Group nổi lên như một “ông lớn” địa ốc khi liên tiếp mua lại và phát triển các dự án bất động sản trên cả hai miền Nam – Bắc. Hệ sinh thái Kita Group cũng phát hành trái phiếu doanh nghiệp quy mô lớn, song lại thể hiện sự ảm đạm trong kết quả kinh doanh và chất lượng tài sản ở mức rất xấu.

kita-x-1697853088.jpg

Bức tranh tài chính Kita Group: Lỗ liên tiếp, khoản phải thu và tồn kho chiếm hơn 90% tài sản

Sơ phác hình hài Kita Group

Tháng 4/2019, khu đất rộng hơn 60ha tại quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ của Công ty TNHH Xây dựng Ngân Thuận được đem ra đấu giá. Bên trúng đấu giá khi ấy là một cái tên rất mới trên thị trường, Kita Invest – được lập ra cách đó 3 tháng, với vốn điều lệ ban đầu là 100 tỷ đồng, sau tăng lên 1.150 tỷ đồng, do ông Nguyễn Duy Kiên làm chủ tịch.

Sau khi về tay Kita Invest, khu đất nêu trên đã được gắn biển dự án Stella Mega City, có quy mô 150 ha, tức gấp 2,5 lần diện tích khu đất được đấu giá trước đó. Đây có thể xem là màn “ra mắt” thị trường bất động sản không thể ấn tượng hơn của Kita Invest.

Trên thực tế, Kita Invest chỉ là một phần trong “đế chế” Kita Group của ông Nguyễn Duy Kiên và vợ là bà Đặng Thị Thùy Trang.

Theo tìm hiểu của VietnamFinance, pháp nhân đầu tiên của Kita Group được thành lập từ năm 2014, với tên gọi Công ty Cổ phần Thực phẩm đồ uống F1, hoạt động trong lĩnh vực buôn bán đồ uống.

Đến năm 2018, doanh nghiệp này mới nhảy vào mảng bất động sản. Chỉ trong thời gian ngắn sau đó, một loạt công ty mang họ “Kita” đã ra đời như: Kita Link, Kita Instruction, Kita Invest và đặc biệt là Kita Land (thành lập tháng 12/2018, vốn điều lệ 1.200 tỷ đồng).

Kết quả của những diễn biến trên là Kita Group đã có trong tay một loạt dự án bất động sản tầm cỡ tại những thành phố lớn nhất cả nước, như: Stella 927 (TP. HCM), Stella 1595 (TP. HCM), Stella Riverside (TP. HCM), Stella Quốc Oai (Hà Nội), Stella Hải Dương (Hải Dương), Stella Ocean Park (Phan Thiết), khu đô thị sinh thái Golden Hills City (Đà Nẵng), dự án Vệt 50m đường Nguyễn Tất Thành nối dài (Đà Nẵng)...

Một diễn biến đáng chú ý là tại Hà Nội, năm 2021, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Bình Tân – một pháp nhân có liên hệ với Kita Group, đã thâu tóm “Dự án công trình trung tâm thương mại trên lô đất TM01” thuộc dự án khu đô thị Nam Thăng Long (thường được biết đến với tên gọi Lotus Center) từ tay Vimedimex Group. Thương vụ này diễn ra ngay sau khi cựu chủ tịch Vimedimex Group – Nguyễn Thị Loan bị khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm trong đấu giá đất. Đây là dự án hiện gây được sự chú ý rất lớn của giới bất động sản Hà Nội.

Bức tranh u ám của Kita Group

Là pháp nhân nổi bật trong hệ sinh thái Kita, Công ty Cổ phần Tập đoàn Kita Group (từ đây gọi tắt là Kita Group) có quy mô tài sản ở mức khá, đạt 1.030 tỷ đồng vào năm 2021, sau tăng lên 1.680 tỷ đồng vào năm 2022.

Tuy nhiên, chất lượng tài sản của Kita Group lại ở mức rất xấu khi đại đa số tài sản (lên tới hơn 90%) tập trung ở các khoản phải thu và hàng tồn kho.

Cụ thể, năm 2021, các khoản phải thu của Kita Group đạt 673 tỷ đồng, chiếm 65,5% tổng tài sản; hàng tồn kho đạt 346 tỷ đồng, chiếm 33,5% tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của 2 khoản này là 99%!

Năm 2022, các khoản phải thu tăng thêm 10%, lên 741 tỷ đồng, chiếm 44% tổng tài sản; hàng tồn kho tăng gấp 2,4 lần, lên 825 tỷ đồng, chiếm 49% tổng tài sản. Tổng tỷ trọng của 2 khoản này là 93%.

Đáng nói khác, hầu hết tài sản của Kita Group đều được hình thành từ nợ phải trả. Theo đó, năm 2021, nợ phải trả tài trợ cho 73% tài sản; năm 2022, mức độ tài trợ lên tới 84%.

Nợ phải trả năm 2021 cao gấp 2,67 lần vốn chủ sở hữu. Đến năm 2022, nợ phải trả gấp tới 5,19 lần vốn chủ sở hữu. Đây là tỷ lệ rất cao, phản ánh mức độ lệ thuộc nặng nề vào vốn bên ngoài của Kita Group.

Trong cơ cấu nợ phải trả, nợ vay chiếm 14% năm 2021, sau tăng lên 26% năm 2022.

Về tình hình kinh doanh, Kita Group làm ăn khá bết bát: năm 2021 không có doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ; đến 2022, doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ cũng chỉ là 10 triệu đồng.

Doanh thu tài chính cũng rất ít ỏi, lần lượt đạt 25 triệu đồng (2021) và 462 triệu đồng (2022).

Cộng dồn các loại doanh thu, Kita Group cũng không có đủ để chi trả cho việc quản lý doanh nghiệp, vốn lên tới nhiều tỷ đồng.

Hậu quả là công ty lỗ trước thuế 5,4 tỷ đồng (2021) và lỗ 8,8 tỷ đồng (2022).

Về dòng tiền, dòng tiền kinh doanh của Kita Group rất xấu trong năm 2022 khi âm tới 185 tỷ đồng. Trong khi đó, công ty vẫn phải tiếp tục đầu tư khiến dòng tiền đầu tư âm 105 tỷ đồng. Để bù đắp sự thiếu hụt, công ty phải đẩy dòng tiền đi vay lên 374 tỷ đồng.

Dù vậy, quy mô vốn bằng tiền của Kita Group ở thời điểm kết thúc năm 2022 cũng chỉ đạt 21 tỷ đồng, khá thấp với một doanh nghiệp đang ở tình trạng “khát tiền”. Tuy nhiên, đây vẫn là một niềm an ủi, bởi năm 2021, công ty thậm chí đã kết thúc năm với chỉ 2,5 tỷ đồng tiền và tương đương tiền.

Theo Ái Châu Tử/Vietnamfinance
Bạn đang đọc bài viết "Bức tranh tài chính Kita Group: Lỗ liên tiếp, khoản phải thu và tồn kho chiếm hơn 90% tài sản" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.