So sánh với các nước trong khu vực, bất động sản Việt Nam vẫn chiếm được sức hút lớn nhất từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước nhờ các thế mạnh về điểm đến thân thiện, quỹ đất lớn, giá tốt, dễ bán.
Một cơ sở quan trọng khiến bất động sản Việt Nam có sức hút hơn so với các thị trường trong khu vực đó là “an toàn và thân thiện”, đây chính là điểm cộng của Việt Nam. Yếu tố này có thể coi là sẽ gắn chặt và quyết định phần lớn sự thành công trong kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Hơn nữa, Việt Nam đã rất thành công trong cuộc chiến chống Covid-19, ít nhất là tới thời điểm này. Sau thành công bước đầu này, hình ảnh một Việt Nam an toàn, thân thiện đã thực sự được các nhà đầu tư quốc tế quan tâm.
Số liệu từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận tổng vốn đăng ký cấp mới của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) trong 4 tháng đầu năm 2020 đạt 12,33 tỷ USD. Điều đó cho thấy mặc dù thị trường gặp khó trước diễn biến dịch bệnh nhưng việc thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn đạt thành tựu nhất định.
Tại tọa đàm trực tuyến “Thu hút FDI vào bất động sản Việt Nam hậu khủng hoảng”, trong vai trò kết nối hơn 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam, ông Hong Sun, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) cho biết, bên cạnh lĩnh vực sản xuất, công nghiệp, nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc quan tâm bất động sản du lịch, như khách sạn, resort, sân golf... Lợi thế tài nguyên thiên nhiên, nhiều bãi biển đẹp giúp du lịch và bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam phát triển thời gian qua.
Vị này cho biết, một trong những dự án nghỉ dưỡng được nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc và quốc tế quan tâm là tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng giải trí cao cấp NovaWorld Hồ Tràm có quy mô khoảng 1.000ha, trải dài theo cung đường ven biển từ Lộc An đến Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu).
Ngoài nghỉ dưỡng, phân khúc văn phòng hạng A, chung cư cao cấp tại các thành phố lớn cũng là mảng thị trường thu hút dòng tiền đầu tư Hàn. Ông Hong Sun nhận định: “Trong hơn 200.000 người Hàn Quốc sống ở Việt Nam, một bộ phận đã có kinh nghiệm đầu tư tại các thị trường quốc tế. Họ thấy địa ốc Việt giá tốt hơn, nhiều dự án bán dễ dàng”.
Tuy vậy, sự bùng nổ của Covid-19 ít nhiều ảnh hưởng tới quyết định đầu tư của doanh nghiệp Hàn Quốc. Một trong những e dè của giới đầu tư Hàn đến từ việc chủ đầu tư thiếu minh bạch thông tin cho nhà đầu tư. Bên cạnh đó, vị này cho rằng, một số chủ đầu tư tính giá trị bất động sản quá cao so với thực tế, vì gộp lợi nhuận có thể phát sinh trong tương lai vào thời điểm hiện tại, khiến nhà nhà đầu tư quốc tế khó chấp thuận.
Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc bộ phận Tư vấn Savill Hà Nội cho rằng, về lâu dài, khi Việt Nam thành công trong việc khống chế và kiểm soát dịch bệnh, ngành du lịch sẽ được hưởng lợi rất lớn từ vị thế của một điểm đến thân thiện, an toàn. Sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư trong khu vực sẽ dành lợi thế cho Việt Nam và việc trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn hơn sẽ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng.
Trên thực tế, giá bất động sản tại Việt Nam cơ bản vẫn thấp hơn các nước trong khu vực, cùng với yếu tố an toàn, thân thiện và khả năng sinh lời cao (tăng giá và cho thuê tốt), theo các chuyên gia, đang có một làn sóng đầu tư vào Việt Nam từ các nhà đầu tư bất động sản chuyên nghiệp ngoài biên giới.
Là doanh nghiệp địa ốc có kinh nghiệm hợp tác nhà đầu tư quốc tế, bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Tổng giám đốc Đại Phúc Land nhận định, giới đầu tư Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc thấy rõ triển vọng thị trường du lịch nghỉ dưỡng Việt Nam trong 20 năm tới. Tuy vậy, chất lượng các dự án còn tồn tại khoảng cách khá xa so với nhiều nước trong khu vực. Để thu hút vốn trong tương lai, cần 2 yếu tố là chiến lược quốc gia thúc đẩy bất động sản nghỉ dưỡng và chọn lọc chủ đầu tư năng lực, đảm bảo tỉ suất lấp đầy dài hạn.
Là đơn vị nghiên cứu thị trường, bà Dương Thùy Dung, Giám đốc cấp cao Bộ phận Nghiên cứu, Tư vấn và Định giá, CBRE Việt Nam cho biết, hiện người dân quan tâm những tiện ích nâng cao sức khỏe, đi du lịch theo nhóm nhỏ, chọn các địa điểm dễ dàng di chuyển bằng phương tiện cá nhân. Do đó, một số địa phương ít phụ thuộc nguồn khách quốc tế như Vũng Tàu, Phan Thiết, Hòa Bình... sẽ phục hồi trong 3 - 6 tháng.
CBRE đề xuất, hiện chưa rõ thời điểm quốc tế mở cửa, nên trước mắt Việt Nam cần tập trung cho thị trường nội địa. Trong ngắn và trung hạn, du khách có xu hướng đi theo nhóm nhỏ, đến các khách sạn, khu nghỉ dưỡng quy mô trung bình, ưu tiên du lịch tốt cho sức khỏe