Các doanh nghiệp bất động sản (BĐS) được cho đang “loay hoay” lo tìm kiếm các nguồn vốn khác nhau sau động thái kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng vào lĩnh vực này trong năm 2020.
Lo Condotel “giữa đường đứt gánh”
Tại diễn đàn bất động sản Việt Nam thường niên với chủ đề “Xu thế dòng tiền vào bất động sản 2020” diễn ra sáng nay (19/12), các chuyên gia kinh tế, tài chính, thị trường BĐS đã đưa ra nhiều nhận định.
Theo đánh giá năm 2019, thị trường BĐS trải qua một năm có khá nhiều biến động. Và gần đây nhất, câu chuyện về đầu tư, kinh doanh sản phẩm Condotel đã gây sự chú ý của hầu hết giới đầu tư. Vấn đề về pháp lý, về phân chia lợi nhuận… của loại hình này hiện vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, thị trường BĐS đang phát triển tốt, tính thanh khoản cao, giao dịch thành công đến 90% nhưng năm 2019 chững lại, nhiều dự án không được phê duyệt vì vướng mắc pháp luật: “Từ câu chuyện của dự án Condotel ở Đà Nẵng có biểu hiện đứt gánh, nên tôi cho rằng các dự án Condotel tiếp theo sẽ bị ngừng lại. Có thể thấy, ảnh hưởng lớn nhất là pháp luật chưa theo kip thị trường, hệ quả là các dự án năm nay chưa được phê duyệt, kéo theo nguồn cung trong 2 năm tới sẽ bị suy giảm, giá sẽ tăng và xu hướng tăng giá đã xuất hiện ở một số nơi”, ông Võ nói.
Theo GS Võ từ đó, đặt ra câu chuyện là đừng để xảy ra những điều bất thường trong quá trình phát triển, để Condotel không bị đứt gánh mà phát triển tốt, nhà ở phát triển tốt và mức giá thấp đi, để người dân có lợi hơn.
Doanh nghiệp BĐS phải tự cứu mình
Câu chuyện nguồn vốn, dòng tiền cho BĐS sẽ như thế nào trong năm 2020 khi mà Chính phủ có chủ trương kiểm soát chặt chẽ hơn về tín dụng vào lĩnh vực này đã được các chuyên gia, các doanh nghiệp đặt ra.
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Chủ tịch Landora Group cho rằng, trong năm 2020 theo Thông tư mới nhất của Ngân hàng Nhà nước tình hình với doanh nghiệp BĐSsẽ vẫn ổn định. “Nhưng vấn đề nằm ở các chính sách, thủ tục cấp phép. Cần phải làm sao để đơn giản nhất, đặc biệt là trong cách tính thuế và có cơ chế làm sao để doanh nghiệp làm việc với cơ quan chức năng được thuận lợi hơn. Đây là điều chúng tôi mong muốn nhất chứ không phải vấn đề vốn”, ông Hà nói.
Theo ông Hà, có nhiều phương pháp để huy động vốn: “Chúng tôi biết cách làm sao để tự tồn tại được. Chúng tôi không phụ thuộc vào chính sách Nhà nước mà phải tự cứu mình. Chúng tôi mong muốn các chính sách dài hạn và ổn định”, vị này nhấn mạnh.
Bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc thị trường Hà Nội – JLL Việt Nam cho rằng, dòng vốn ngoại đi vào thị trường thì sẽ có nhiều tác động tích cực cho thị trường chứ không phải là tiêu cực: “Đây là dòng tiền tiềm năng, họ đem theo kinh nghiệm, dòng vốn và các doanh nghiệp trong nước có thể tìm được các nhà đầu tư nước ngoài thì không chỉ có thêm tiền mà còn có thể tích luỹ thêm kinh nghiệm để phát triển dự án của mình lên một tầm cao hơn. Các nhà đầu tư ngoại cũng không bị giới hạn tầm nhìn ở một lĩnh vực nào mà họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như nhà thương mại, chung cư…”, bà Vân phân tích.
NINH PHAN - Theo Tiền Phong
https://www.tienphong.vn/dia-oc/bat-dong-san-lieu-co-doi-von-trong-2020-1499926.tpo