Dù còn một số khu vực mất điểm do hạ tầng quá tải, nhưng trên bình diện chung, bất động sản khu Đông vẫn sẽ là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM, nhất là khi tuyến Metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) đang dần thành hình, bến xe lớn nhất cả nước đã sẵn sàng đưa vào hoạt động...
Hạ tầng liên tục được đẩy mạnh đầu tư chính là đòn bẩy giúp bất động sản khu Đông duy trì vị thế tâm điểm của thị trường TP.HCM
Giao dịch trầm lắng, giá âm thầm tăng
Trong khoảng 5 năm trở lại đây, thị trường khu Đông luôn là tâm điểm của thị trường bất động sản TP.HCM. Trong năm 2020, dù thị trường chung có dấu hiệu chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng giá bất động sản khu Đông vẫn tăng.
Giới chuyên môn cho rằng, chính sự phát triển của hạ tầng giao thông, thuận lợi gần trung tâm Thành phố, kết nối tốt với các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu… là thế mạnh của thị trường địa ốc nơi đây.
Theo quan sát thực tế thị trường của phóng vên Báo Đầu tư Bất động sản, từ năm 2019 đến nay, giá đất tại nhiều khu vực ở khu Đông liên tục tăng, kể cả một số khu vực đang đối mặt với áp lực hạ tầng sau thời gian phát triển mạnh.
Theo lý giải của giới đầu tư, đây là điều dễ hiểu, bởi nguồn cung bất động sản khan hiếm, trong khi nhu cầu lớn. Bên cạnh đó, sự phát triển mạnh mẽ của hạ tầng giao thông thời gian qua, giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ các quận của khu Đông vào trung tâm Thành phố.
Chưa hết, xét ở góc độ nhu cầu chọn khu vực để an cư, trong mắt người có nhu cầu về nhà ở, các quận khu Đông vẫn đang là lựa chọn hấp dẫn. Nếu so sánh giá bán căn hộ tại quận 2, quận 9 ở thời điểm hiện tại với cách đây khoảng 2 năm, có thể thấy các căn hộ tại đây đã gia tăng trung bình từ 40 - 60%. Đặc biệt, các dự án đã và đang hoàn thiện nằm dọc những trục đường chính của khu Đông đều được săn đón.
Chẳng hạn, những nền đất được lên thổ cư ngay bên cạnh một đại dự án ở đường Nguyễn Xiển, quận 9 đang có giá bán ở mức 40 - 45,5 triệu đồng/m2, riêng những lô ở mặt tiền giá lên đến 90 triệu đồng/m2. Đường Nguyễn Văn Tăng có giá khoảng 45 triệu đồng/m2, đường Nguyễn Duy Trinh đang giao dịch quanh mức 50 - 55 triệu đồng/m2, đường Đỗ Xuân Hợp có giá khoảng 60 triệu đồng/m2.
Đối với Phân khúc căn hộ cũng có sự tăng giá nhẹ mặc dù dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến lượng giao dịch. Chẳng hạn, dự án Phú Đông Premier, thời điểm tháng 11/2018 giá bán chỉ vào khoảng 1,6 tỷ đồng/căn, hiện nay dù mới thi công xong phần thô, nhưng giá sang nhượng đã tăng từ 20 - 25%.
Dự án Centum Wealth ở quận 9 đang trong giai đoạn triển khai lên tầng có giá lúc đầu từ 1,8 - 2,5 tỷ đồng/căn, hiện được giao dịch trên thị trường thứ cấp tăng lên từ 25 - 30%. Nguồn tin chúng tôi còn biết được, trong dự án này, chủ đầu tư còn gần 200 căn và sẽ tung ra thị trường thời gian tới với mức giá cao hơn so với các đợt trước bán trước đây khá nhiều.
Loạt dự án giao thông trọng điểm phía Đông sau khi đưa vào hoạt động không chỉ có tác động rất tích cực đến giao thông khu vực cửa ngõ Thành phố, mà còn tạo đà phát triển rất tốt cho kinh tế - xã hội TP.HCM cũng như toàn vùng trọng điểm phía Nam
Ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM
Bên cạnh đó, một số dự án biệt thự, nhà liền kề thuộc khu vực Cát Lái (quận 2) và quanh trục đường Nguyễn Thị Định, Đồng Văn Cống cũng đang có giao dịch tăng lên so với cuối năm 2019 do tận dụng một số dự án cầu giao thông mới vừa khởi công xây dựng.
Các tuyến đường khác như Tạ Hiện (phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2) giá đất ở mức hơn 79,6 triệu đồng/m2, đường Đặng Như Mai (phường Thạnh Mỹ Lợi) 71,5 triệu đồng/m2, đường Trương Văn Băng (phường Bình Trưng Tây, quận 2) 65 triệu đồng/m2, đường Bát Nàn (phường Thạnh Mỹ Lợi) 61,36 triệu đồng/m2. Thấp nhất là đường số 3 (phường Thạnh Mỹ Lợi) cũng có giá khoảng 36,4 triệu đồng/m2…
Ông Ngô Quang Phúc, Tổng giám đốc Phú Đông Group cho rằng, nguồn cung bất động sản trong năm 2019 và đầu năm 2020 khan hiếm khiến mặt bằng giá leo thang là chuyện quy luật thị trường. Giá bán căn hộ tại một số dự án ở quận 9, Thủ Đức thời điểm mở bán năm 2018 chỉ 30 - 35 triệu đồng/m2, thì bây giờ đã tăng lên 40 - 45 triệu đồng/m2. Có những dự án căn hộ thu hút nhà đầu tư, các sản phẩm nhà phố giá còn tăng gấp đôi hoặc hơn nữa so với thời điểm mở bán.
Vẫn sẽ là tâm
Theo phân tích của giới chuyên môn, khu Đông TP.HCM hiện đang dẫn đầu về các công trình giao thông trọng điểm khi 70% vốn đầu tư phát triển hạ tầng của TP.HCM đều được tập trung vào khu vực này.
Có thể kể đến hàng loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm đã và đang được triển khai tại khu Đông như dự án mở rộng Xa lộ Hà Nội, cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Đại lộ Mai Chí Thọ, cầu qua đảo Kim Cương, hầm vượt 3 tầng Mỹ Thuỷ, dự án 4 cầu quanh Thủ Thiêm và mới đây nhất là dự án cầu Cát Lái nối quận 2 với huyện Nhơn Trạch (Đồng Nai).
Chưa kể, UBND TP.HCM đang đẩy mạnh tiến độ triển khai tuyến đường Vành đai 2, hiện đang trong quá trình xây dựng khép kín đoạn từ ngã tư Bình Thái đến Phạm Văn Đồng. Như vậy, việc kết nối giao thông của các dự án dọc tuyến Phạm Văn Đồng vào đô thị Thủ Thiêm hay trung tâm thành phố sẽ trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Mới đây nhất, TP.HCM cũng đang lên phương án quy hoạch khu đô thị sáng tạo thuộc các quận quận 2, quận 9 và Thủ Đức (khu Đông) thành lập “thành phố thuộc TP.HCM” với mục tiêu khu đô thị sáng tạo sẽ trở thành khu vực dẫn dắt kinh tế thành phố. Đề án này cũng được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao và sẽ xin ý kiến của Bộ Chính trị khi đưa ra kết luận cuối cùng.
Ông Nguyễn Bá Hoàng, Phó hiệu trưởng Trường đại học Giao thông - Vận tải TP.HCM nhận định, những dự án giao thông trọng điểm hoàn thành mang 2 ý nghĩa quan trọng là thay đổi bộ mặt đô thị và kích hoạt giao thương, kinh tế toàn vùng.
Đơn cử, tuyến Metro số 1 hoàn thành sẽ kết thúc tất cả các điểm xây dựng, các lô cốt đang chiếm dụng mặt đường, gây ách tắc giao thông, trả lại không gian kinh doanh cho các hộ gia đình sống tại khu vực bị ảnh hưởng bởi công trình xây dựng trong suốt thời gian qua, đặc biệt là khu vực buôn bán sầm uất như đoạn nhà ga Bến Thành.
“Theo quy hoạch phát triển giao thông đến năm 2020 và tầm nhìn sau 2030 đã được Chính phủ phê duyệt, xa lộ Hà Nội là trục giao thông huyết mạch ở cửa ngõ phía Đông Bắc của Thành phố, nối liền TP.HCM với các tỉnh Đông Nam Bộ, miền Trung và miền Bắc. Do đó, loạt dự án giao thông trọng điểm phía Đông sau khi đưa vào hoạt động không chỉ có tác động rất tích cực đến giao thông khu vực cửa ngõ Thành phố, mà còn tạo đà phát triển rất tốt cho kinh tế - xã hội TP.HCM cũng như toàn vùng trọng điểm phía Nam”, ông Hoàng nói.
Dưới góc độ chuyên môn về bất động sản, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, năm 2020 và những năm tiếp theo, khu Đông sẽ là tâm điểm dẫn dắt thị trường bất động sản TP.HCM.
“Khu vực này vẫn còn nhiều dư địa phát triển. Thời gian tới, khu Đông vẫn có đầy đủ các yếu tố kích cầu thị trường bất động sản đi lên. Hạ tầng giao thông, dịch vụ với nguồn vốn đầu tư lớn đã và đang làm thay đổi bộ mặt đô thị khu Đông”, ông Châu phân tích.