Thị trường bất động sản: Đừng bắt nhầm sóng ảo; Hé lộ hướng đi của dòng tiền... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Thị trường bất động sản: Đừng bắt nhầm sóng ảo
Người ta vẫn bảo, số liệu thì không biết nói dối, cũng bởi vậy, đôi khi lúc biết kết quả, nhiều người mới hay mình bị rơi vào tình huống “bé cái nhầm”.
Với nhiều nhà đầu tư, việc có được thông tin chính xác để đọc vị thị trường là điều vô cùng quan trọng, nó cho thấy sự đồng điệu hay khác biệt với những diễn biến chung của thị trường - điều mà người ta vẫn hay gọi chung là xu hướng.
Như nhận xét của ông Jeremy Williams, Tổng giám đốc PropertyGuru Group, việc có được thông tin và khai thác hiệu quả các thông tin, từ thông tin chính sách, phân tích thị trường sẽ giúp ích lớn cho việc hoạch định các kế hoạch kinh doanh.
Dẫu vậy, có những thứ mà nhiều người trong chúng ta tưởng thế mà lại không phải thế. Ví dụ như trong một thống kê riêng của người viết, khi tìm kiếm các từ khóa trên trang thông dụng - Google.com, kết quả lần lượt như sau: Đất nền: 86.900.000 kết quả, trong 0,64 giây; Chung cư: 123.000.000 kết quả, trong 0,53 giây; Condotel: 9.620.000 kết quả, trong 0,4 giây (với từ khóa Căn hộ khách sạn lại cho 24.600.000 kết quả, trong 0,75 giây); Biệt thự: 46.600.000 kết quả, trong 0,66 giây; Shophouse: 11.200.000 kết quả, trong 0,47 giây (với từ khóa Nhà phố lại cho 249.000.000 kết quả, trong 0,59 giây).
Trong khi nhiều ý kiến vẫn cho rằng phân khúc nhà phố hay shophouse năm 2019 trầm lắng, thậm chí có dấu hiệu thoái trào, thì nếu chỉ nhìn vào lượng tìm kiếm, có thể thấy đây vẫn là phân khúc nhận được nhiều sự quan tâm nhất, thậm chí hơn hẳn đất nền hay chung cư, vốn là những phân khúc luôn nóng.
Thị trường bất động sản 2020: Hé lộ hướng đi của dòng tiền
Bức tranh thị trường bất động sản năm 2020 có nhiều tín hiệu tích cực, nguồn cầu vẫn lớn, giá bất động sản vẫn tăng và một số phân khúc sẽ có cơ hội bứt phá.
Với bệ đỡ vững chắc từ sự tăng trưởng của kinh tế vĩ mô, thị trường bất động sản tiếp tục đón nhiều cơ hội mới. Theo đó, một số kênh sẽ đặc biệt thu hút nguồn vốn đầu tư trong năm 2020.
Ông Matthew Powell, Giám đốc Savills Hà Nội cho biết, Việt Nam hiện đang là một trong những điểm nóng bất động sản trong khu vực. Với tiềm năng khổng lồ, triển vọng kinh tế vĩ mô và sự đầu tư không ngừng vào cơ sở hạ tầng, thị trường này đang phát triển mạnh mẽ trên nhiều phân khúc bất động sản khác nhau.
Theo Giám đốc Savills Hà Nội dự báo, năm 2020 phân khúc bán lẻ có nhiều cơ hội tăng trưởng do sự lạc quan của người tiêu dùng. Mức tăng vào khoảng 12%/năm bởi niềm tin của người tiêu dùng đã tốt hơn. Cùng với đó, các trung tâm thương mại sẽ là nhóm truyền thống với đóng góp đáng kể, khoảng 140.000m2 được đưa ra thị trường. Cùng với đó, khách sạn 5 sao phát triển mạnh bởi giải đua F1 là cơ hội gia tăng lượng khách tới Việt Nam trong ngắn hạn. Do đó, ngành khách sạn phải quan tâm đến câu chuyện làm thế nào để đáp ứng được nguồn cầu này.
Đặc biệt, năm 2020 sẽ là một năm sôi động về thị trường nhà ở tuy nhiên rào cản cho phân khúc này là khách hàng có yêu cầu về chất lượng công trình, không gian sống ngày càng cao hơn. Do đó, các doanh nghiệp phát triển dự án nhà ở phải đón bắt xu hướng và thay đổi cách phát triển dự án, tập trung các dự án xanh, thông minh và đầy đủ tiện ích.
An ninh nguồn nước bị đe dọa: Xung đột xã hội sẽ xảy ra
Ngày 8/10, sự cố đổ trộm dầu thải đã gây nhiễm styrene cho toàn bộ hệ thống nước sạch cung cấp cho nhiều quận, huyện của Hà Nội. Tất yếu của hệ lụy nguồn nước bẩn là hàng loạt các vấn đề liên quan tới hỗ trợ cung cấp nước miễn phí, kiểm tra và thanh lọc lại nguồn nước cho cư dân. Vụ việc của Nhà máy nước Sông Đà vẫn còn khiến người dân chưa an tâm, hoang mang về chất lượng của nguồn nước dù đại diện của doanh nghiệp này đã công bố chỉ tiêu an toàn về nước.
Ngay sau đó, thông tin Nhà máy nước sông Đuống đã phát nước phục vụ người dân Thủ đô từ tháng 10/2018 nhưng Cục Giám định vẫn chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư tiếp tục được công bố. Trong khi đó, mức giá mà Nhà máy nước sông Đuống được công bố lại chênh gấp khoảng 2 lần so với giá nước mà Nhà máy nước sông Đà đang thực hiện. Đặc biệt, thông tin từ đại gia Thái Lan mua lại 34% cổ phần của Nhà máy nước sông Đuống cũng trở thành vấn đề nóng được các ĐBQH đặt ra trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Công thương trước lo ngại về an ninh nguồn nước.
Hàng loạt các vấn đề liên tục xảy ra về chất lượng, quy trình sản xuất, giá cả và kiểm soát nguồn nước. Một câu hỏi được đặt ra, phải chăng an ninh nguồn nước của Việt Nam đang bị đe dọa. Liên quan đến vấn đề này, Reatimes đã có cuộc trò chuyện với TS. Nguyễn Thị Thu Hoài (Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội).
Cư dân Cao-Xà-Lá ngày đêm lo sợ ô nhiễm?
Tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội trong thời gian gần đây đang là nỗi lo lắng của nhiều người dân. Theo các chuyên gia đánh giá, nhiều trạm quan trắc trên địa bàn Hà Nội phủ màu tím với chỉ số AQI vượt trên 200, tương đương mức rất xấu. Cá biệt, nhiều điểm đã chạm mốc nâu - là mức nguy hại, báo động về tình trạng tác động tới sức khỏe, đơn cử trong ngày 13/11, chỉ số AQI tại Tây Hồ lên tới 405, trước đó ngày 10/12, trạm đo tại Đại sứ quán Pháp, Hoàn Kiếm báo chỉ số AQI ở mức 336.
Thế nhưng, những người dân bình thường lo ngại một phần thì đối với những người sống quanh các khu nhà máy, cơ sở sản xuất chây ỳ, chậm di dời ra khỏi nội đô sự lo lắng còn tăng lên gấp bội bởi các cơ sở này vẫn ngày ngày vận hành, sản xuất.
Điển hình, tại khu vực số 231-235 đường Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) lâu nay vẫn được gọi tắt là khu “Cao-Xà-Lá” bởi đây là nơi tập trung ba nhà máy lớn, gồm: CTCP Cao su Sao Vàng, CTCP Xà phòng Hà Nội và nhà máy Thuốc lá Thăng Long.
Theo tiêu chuẩn của Hoa Kỳ, chất lượng không khí được chia làm 5 mức, từ 0 - 100 là chất lượng không khí tốt và chấp nhận được. Từ 101 - 200 là kém, người dân nhóm nhạy cảm cần hạn chế ra ngoài. Chỉ số AQI từ 201 - 300 là thang màu tím, thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 là thang màu nâu, ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo mọi người nên ở trong nhà.
Khu tổ hợp nhà máy này từng là niềm tự hào một thời về nền công nghiệp của Hà Nội những năm 1970 - 1990. Đến nay, cùng với sự phát triển của Thủ đô, các nhà máy này đều đã có quyết định phải di dời khỏi nội đô.
Nhưng theo phản ánh của người dân sống quanh khu vực, hằng ngày họ vẫn phải chứng kiến và chịu đựng những cột khói thoát ra từ các nhà máy này, ảnh hưởng đến cuộc sống.
Mùa Tết ảm đạm của nhiều doanh nghiệp bất động sản
Năm 2019 được xem là năm khó nhất đối với toàn doanh nghiệp bất động sản. Những vướng mắc đến từ việc lấn cấn pháp lý, nhiều loại hình khung pháp lý chưa hoàn chỉnh, các dự án vướng đất công, vi phạm TTXD rồi đứng im tại chỗ khiến thị trường toàn TP.HCM rơi vào thế ảm đạm chưa từng có trong vòng 5 năm trở lại đây.
Theo ghi nhận, ngoài một số doanh nghiệp bất động sản lớn vẫn có lượng giao dịch tương đối thì các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp mới thành lập hoặc các sàn giao dịch đều rơi vào thế ảm đạm khi lượng giao dịch bị giảm xuống hơn 60% so với các năm trước.
Nếu như trong năm 2017, 2018 giai đoạn áp Tết là thời gian nhà đầu tư đổ xô đi mua bất động sản để dành chờ sang năm bán kiếm lời thì năm nay toàn thị trường đều khan hiếm nguồn hàng. Nhà đầu tư e ngại xuống tiền vào các dự án đã mở bán từ lâu nhưng chậm tiến độ, những dự án cũ thì mức chênh lệch đã cao nên rơi vào trạng thái “ế khách”. Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp bất động sản cả năm không có dự án ra hàng. Tình hình hoạt động cả năm vốn đã ảm đạm thì đến sát Tết Nguyên Đán lại càng khó khăn hơn.
http://reatimes.vn/bat-dong-san-24h-thi-truong-bat-dong-san-dung-bat-nham-song-ao-20191219085143836.html