Liệu giá nhà đất khu Đông Sài Gòn có biến động mạnh trước cú hích “thành phố phía Đông”?; Đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư: Nguy cơ tạo lỗ hổng pháp lý... là những thông tin được quan tâm trong 24h qua.
Liệu giá nhà đất khu Đông Sài Gòn có biến động mạnh trước cú hích “thành phố phía Đông”?
Không thể phủ nhận, khu Đông TP.HCM được xem là khu vực có biên độ tăng giá bất động sản ấn tượng trong suốt thời gian qua. Đây cũng là điểm nóng sốt bất động sản đã từng diễn ra nhiều đợt trước đó. Làn sóng đầu tư, hoạt động mua bán của thị trường này luôn sôi động hơn hẳn so với các khu vực khác bởi những lợi thế về hạ tầng giao thông lẫn quy hoạch.
Dù hiện tại thị trường nhà đất nơi đây có phần chậm lại do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng xét tổng thể, giá bất động sản khu vực này vẫn âm thầm tăng, liên tục thiết lập mặt bằng giá mới trong suốt thời gian qua. Với các sản phẩm chất lượng, giá hợp lý, pháp lý hoàn thiện khả năng hấp thụ của thị trường vẫn khá tốt.
Ngay sau thời điểm dịch thì cú hích về đề án quy hoạch thành lập “thành phố phía Đông” đã khiến thị trường bất động sản khu Đông Sài Gòn chộn rộn trở lại. Khảo sát thực tế cho thấy, nắm bắt sức nóng của thị trường khu vực, hiện một số dự án mới đang triển khai bán trên địa bàn cũng đưa ra mặt bằng giá tăng cao so với giai đoạn mở bán trước đó.
Giải mã vì sao đồng loạt mặt bằng "đất vàng" Hà Nội bỗng dưng "mất giá"
Bà Hoàng Diệu Trang, Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Cho thuê Thương mại Savills Hà Nội cho hay, nguyên nhân dẫn đến tình trạng vắng khách thuê bất động sản bán lẻ mặt phố là do sự gián đoạn chuỗi cung ứng và sự tái cấu trúc hoạt động kinh doanh của chủ thuê. Những địa điểm có hoạt động kinh doanh nhộn nhịp như khu vực trung tâm Hà Nội, hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ thường được biết đến với tình trạng luôn hiếm mặt bằng cho thuê và giá thuê tương đối cao nhưng dịch Covid-19 đã khiến gần 50% số lượng khách thuê trả lại mặt bằng.
Hơn nữa, lệnh đóng cửa, kiểm soát biên giới của Trung Quốc đã gây ảnh hưởng nặng tới nguồn cung cấp hàng cho các hoạt động kinh doanh tại khu phố trung tâm, khiến cho việc tiếp tục bán là gần như không thể. Hiện, chuỗi cửa hàng phục vụ khách du lịch đang phải tái cấu trúc, chọn ra những cửa hàng có doanh thu tốt và vẫn còn bán được để duy trì hoạt động.
Một khảo sát về khách thuê bán lẻ của Savills trong quý I/2020 cho thấy 57% lượng người tham gia mong muốn chủ nhà giảm 40 - 50% giá thuê và 31% yêu cầu miễn giá thuê. Việc giảm giá quá nhiều cũng tạo sức ép lên chủ nhà, khảo sát cho thấy có sự miễn cưỡng đối với việc giảm giá thuê quá nhiều, phần lớn đưa ra các giải pháp hài hòa trong hỗ trợ về giá về thanh toán và áp dụng cho một khoảng thời gian nhất định.
Vốn FDI khu công nghiệp: Tăng tốc và chuyển dịch
Dịch Covid-19 mở ra một bước ngoặt mới. Với mục đích giảm thiểu sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng làm gia tăng cấp bách nhu cầu đa dạng hóa danh mục sản xuất, tránh sự phụ thuộc quá nhiều vào một quốc gia, sự dịch chuyển sản xuất từ Trung Quốc sang các quốc gia khác sẽ diễn ra nhanh chóng hơn. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp lớn như Pegatron, Amazon và Home Depot bắt đầu có hoạt động tuyển dụng và tìm kiếm chuỗi cung ứng, cho thấy Việt Nam là một trong những điểm đến trong quá trình dịch chuyển, bên cạnh các quốc gia tiềm năng khác trong khu vực như Indonesia, Thái Lan hay Malaysia.
Mới đây, nhóm phân tích SSI Research đã nhấn mạnh đến dòng vốn FDI vào khu công nghiệp tạo động lực hội nhập sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu trong giai đoạn gần nhất 2020 - 2021.
Vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đã có những tín hiệu khởi sắc, tổng vốn đăng ký cấp mới và vốn tăng thêm 4 tháng đầu năm đạt 9,8 tỷ USD, tăng 32% cùng kỳ năm trước. Vốn FDI vào các tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tăng 244%, Long An tăng 65%, Bình Phước tăng 60%, Quảng Ninh tăng 44%.
Đề xuất bỏ thu 2% phí bảo trì chung cư: Nguy cơ tạo lỗ hổng pháp lý
Sở Xây dựng TP.HCM vừa đề xuất Bộ Xây dựng tiến tới bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.
Tại văn bản kiến nghị đến UBND TP.HCM và Bộ Xây dựng, Sở Xây dựng cho biết thời gian qua có rất nhiều bất cập, phức tạp trong việc quản lý và vận hành, sử dụng phí bảo trì 2%. Trong đó, nhiều chung cư cũ (ra đời trước Luật nhà ở năm 2005) thiếu nhà để xe, nhà sinh hoạt cộng đồng, hệ thống PCCC… và đặc biệt không có phí bảo trì, đến lúc trùng tu không có kinh phí để thực hiện.
Ngoài ra, tồn tại lớn hiện nay là tình trạng chủ đầu tư không tổ chức hội nghị nhà chung cư lần đầu để bầu ban quản trị; không bàn giao kinh phí bảo trì, gây khó khăn cho việc kiểm tra, bảo trì, bảo dưỡng công trình. Với các chung cư thuộc sở hữu nhà nước cũng có nhiều bất cập trong các quy định về kinh phí bảo trì và kinh phí quản lý.
Từ việc này, Sở Xây dựng TP.HCM đề xuất giải pháp bỏ cơ chế giao chủ đầu tư thu kinh phí bảo trì 2% phần sở hữu chung nhà chung cư như hiện nay.
Việc hình thành quỹ bảo trì phần sở hữu chung của từng chung cư sẽ do ban quản trị chung cư thu của các chủ sở hữu căn hộ trong quá trình quản lý, sử dụng. Số thu sẽ theo tỷ lệ % do hội nghị nhà chung cư quyết định.
"Không gian dù chỉ 50m2 hay rộng hơn đều cần thông minh, chất lượng"
Tại Tọa đàm Không gian sống trong đô thị hiện đại do Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam và Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức với số đầu tiên có chủ đề: “Những yếu tố an cư thời hiện đại” diễn ra sáng nay 26/5, nhà văn Nguyễn Quang Thiều chia sẻ, chúng ta trải qua 3 thời kỳ phát triển về nhu cầu của con người. Thời kỳ thứ nhất là kiếm được cái gì để ăn, để che thân. Bước sang giai đoạn thứ hai là làm thế nào để ăn đủ no, mặc đủ ấm. Thời kỳ thứ ba là một cuộc cách mạng về nhu cầu sống.
Nhà văn Nguyễn Quang Thiều cho rằng, đô thị hiện đại trong mong muốn của người dân đều có những yêu cầu chung về không gian đẹp, về kiến trúc xanh và thông minh.
“Chung cư hiện nay không phải là một "cái hang" chỉ để… chui ra chui vào nữa. Nếu 20 năm trước, những chung cư cũ là nơi ở đơn thuần sau khi người dân đi làm về thì nay, chung cư phải là nơi sống có chất lượng.
Kiến trúc không gian hiện nay dù chỉ 50m2, 100m2 hay rộng hơn đều cần thông minh và có sự giao lưu đáp ứng chất lượng sống cao nhất của người dân. Đó sẽ là nơi phải có sự kết nối giữa các thành viên trong gia đình”, nhà văn nói.