Trong khi tăng trưởng tín dụng các lĩnh vực ưu tiên không cao như cùng kỳ 2019, vốn ngân hàng vẫn đổ mạnh vào bất động sản.
Số liệu báo cáo của NHNN cho biết, tạm tính đến cuối tháng 3/2020, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, dư nợ các lĩnh vực ưu tiên không tăng cao như cùng kỳ năm 2019, tín dụng lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tăng 0,86%, chiếm 24,8%; Doanh nghiệp nhỏ và vừa giảm 1,2%, chiếm 19,2%; Lĩnh vực xuất khẩu tăng 3,74%, chiếm 2,99%; Công nghiệp hỗ trợ tăng 1,38%, chiếm 2,83%; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao tăng 5,42%, chiếm 0,39%.
Riêng dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản tăng cao hơn mức tăng trưởng dư nợ tín dụng chung nhưng tập trung chủ yếu vào dư nợ phục vụ mục đích tự sử dụng.
Tỷ trọng dư nợ tín dụng đối với mục đích kinh doanh bất động sản trong tổng dư nợ lĩnh vực bất động sản ngày càng giảm. Cụ thể, cuối năm 2017 là 45,63%, năm 2018 là 35,49% và hết năm 2019 là 32,95%.
Đến cuối tháng 3/2020, tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản tăng 1,23% so với cuối năm 2019, chiếm 19,31% tổng dư nợ tín dụng. Trong đó, dư nợ tín dụng phục vụ nhu cầu về nhà ở chiếm tỷ trọng khoảng 62,43% dư nợ tín dụng bất động sản.
Thời gian qua các tổ chức tín dụng đã được yêu cầu tập trung phân bổ nguồn vốn cho vay vào các lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là các lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ. Kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như bất động sản, chứng khoán...
Cụ thể, cơ quan quản lý yêu cầu ngân hàng thương mại tiếp tục áp áp dụng hệ số rủi ro của các khoản cho vay kinh doanh bất động sản lên mức 200%, tăng hệ số rủi ro đối với khoản cho vay phục vụ đời sống mà tổng số tiền thỏa thuận vay từ 4 tỷ đồng trở lên, giảm dần theo lộ trình tỉ lệ nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn. Các tổ chức tín dụng cũng được yêu cầu phải ban hành quy định nội bộ về cấp tín dụng, quản lý tiền vay đối với kinh doanh bất động sản...
Khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ
Cũng trong báo cáo này, NHNN cho biết, bình quân giai đoạn 2016 - 2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 3/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 1,27%, chiếm 1,35%.
Riêng trong năm 2019, 4 tổ chức tín dụng đã ký hợp đồng tín dụng tài trợ 6.686 tỷ đồng thực hiện dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận. Hiện nay, các TCTD đang thực hiện giải ngân theo tiến độ dự án.
NHNN cho biết, thời gian qua đã theo dõi sát sao tình hình cấp tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông, đồng thời chỉ đạo các TCTD kiểm soát chặt chẽ, mức độ tập trung tín dụng vào các dự án BOT, BT giao thông. Tăng cường kiểm soát rủi ro trong việc cho vay đối với các dự án BOT giao thông. Tăng cường cho vay hợp vốn đối với các dự án lớn nhằm chia sẻ rủi ro, đảm bảo các chỉ tiêu an toàn theo quy định...
Tuy nhiên, NHNN bày tỏ lo ngại hiện nay, có khoảng 49 dự án BOT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 64.676 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng, ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của TCTD.
Nhằm tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng.
Cụ thể, tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động mọi nguồn lực đảm bảo khả năng trả nợ ngân hàng theo hợp đồng tín dụng đã ký. Tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng để minh bạch hóa và kiểm soát nguồn thu. Đảm bảo an ninh trật tự tại các trạm thu phí, phối hợp với Bộ GTVT quản lý thu phí và quy hoạch giao thông địa phương.