Liên tục bị phạt thuế
Đầu tháng 6, Cục Thuế Tp.HCM đã ra quyết định xử phạt và truy thu thuế Công ty Cổ phần Đầu tư và Kinh doanh Nhà Khang Điền (Công ty Nhà Khang Điền) với số tiền 6,14 tỷ đồng do vi phạm hành chính về thuế cho đợt thanh tra quyết toán thuế giai đoạn 5 năm từ 2018 – 2022. Đáng chú ý, việc bị phạt thuế cũng đã diễn ra trong năm 2018 cho giai đoạn thanh tra 3 năm, từ 2015-2017.
Đây không phải lần đầu Nhà Khang Điền gặp rắc rối liên quan đến thuế. Trước đó, vào năm 2018, Nhà Khang Điền đã từng bị Tổng cục Thuế thanh tra kiểm tra thời kỳ các năm 2015, 2016, 2017 và ra mức xử phạt hơn 4,2 tỷ đồng.
Trước đó, từ năm 2014 đến năm 2022, Nhà Khang Điền đã có hành trình dài nợ thuế. Tại thời điểm cuối năm, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tại Nhà Khang Điền là 38,9 tỷ đồng (năm 2014), 91,9 tỷ đồng (năm 2015), 179 tỷ đồng (năm 2016), 259 tỷ đồng (năm 2017), 239 tỷ đồng (năm 2018), 294 tỷ đồng (năm 2019), 548 tỷ đồng (năm 2020), 251 tỷ đồng (năm 2021).
Tới ngày 30/6/2023, chỉ tiêu Thuế và các khoản phải nộp nhà nước tại Nhà Khang Điền đạt “đỉnh” sau khi tăng lên mức gần 700 tỷ đồng từ con số 427 tỷ đồng hồi cuối năm 2022.
Trong các khoản nợ thuế của Nhà Khang Điền, đa số đều là thuế thu nhập doanh nghiệp. Từ năm 2017, công ty bắt đầu phát sinh Tiền sử dụng đất phải nộp (26,1 tỷ đồng). Tới cuối quý 2/2023, Tiền sử dụng đất không còn đáng kể nhưng thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp lên tới gần 697 tỷ đồng, chiếm 99,6% tổng nợ thuế của công ty.
Âm nặng dòng tiền
Cũng như nhiều công ty bất động sản, Nhà Khang Điền đang bất ổn về dòng tiền khi lợi nhuận sụt giảm. Và một trong những “cục máu đông” của tiền tại Nhà Khang Điền chính là “núi” tồn kho vẫn chưa ngừng tăng.
Cụ thể, lợi nhuận sau thuế quý 2/2023 của Nhà Khang Điền chỉ còn 257 tỷ đồng, giảm 69 tỷ đồng, tương đương 21,2% so với quý 2/2023. Trong 6 tháng đầu năm,
dù doanh thu tăng đáng kể từ 875 tỷ đồng lên 1.013 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn giảm 168 tỷ đồng, tương đương 26,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động chính không mang lại nhiều nguồn tiền nên Nhà Khang Điền phải sử dụng đến vốn vay. Cần phải nhấn mạnh, ở giai đoạn Covid-19, Nhà Khang Điền là một trong những công ty bất động sản gặp ít khó khăn nhất vì không lạm dụng đòn bẩy tài chính. Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, công ty đã tích cực vay nợ.
Cụ thể, tại thời điểm 30/6/2023, Nhà Khang Điền ghi nhận Vay ngắn hạn giảm sâu từ 1.195 tỷ đồng xuống chỉ còn 461 tỷ đồng; Vay và nợ thuê dài hạn giảm từ 5.576 tỷ đồng xuống 5.343 tỷ đồng.
Xét về con số tại thời điểm cuối quý 2/2023, nợ tại Nhà Khang Điền giảm rất mạnh nhưng nếu tính theo luồng tiền thì trong kỳ, công ty dành 3.082 tỷ đồng để trả nợ vay. Đồng thời, công ty đi vay thêm 2.114 tỷ đồng.
Dù tăng cường vay nợ nhưng do thanh toán nợ quá nhiều nên Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động tài chính của công ty là âm 965 tỷ đồng. Trong khi đó, Lưu chuyển tiền thuần từ hoạt động kinh doanh cũng âm 842 tỷ đồng nên dù hoạt động đầu tư mang lại dòng tiền dương nhưng tính chung, Lưu chuyển tiền thuần trong kỳ của Nhà Khang Điền là âm 731 tỷ đồng.
“Núi” tồn kho
Dòng tiền của Nhà Khang Điền trở nên yếu vì có “cục máu đông” mang tên Hàng tồn kho. Trong vài năm gần đây, chỉ tiêu này của công ty tăng rất mạnh.
Tại ngày 30/6/2023, Hàng tồn kho của Nhà Khang Điền lên đến 12.970 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 12.453 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Trước đó, Hàng tồn kho của công ty là 7.733 tỷ đồng (năm 2021), 7.338 tỷ đồng (năm 2020), 7.037 tỷ đồng (năm 2019).
Như vậy, sau Covid-19, Hàng tồn kho đã tăng 5.933 tỷ đồng, tương đương 84,3%. Trong khi đó, mức tiêu thụ hàng năm nhích lên không đáng kể.
Cụ thể, trước Covid-19, năm 2019, Nhà Khang Điền ghi nhận doanh thu là 2.845 tỷ đồng nhưng tới năm 2022, con số này vẫn chỉ là 2.974 tỷ đồng.
Hồi cuối quý 2/2023, giá trị Hàng tồn kho cao nhất nằm ở dự án Khang Phúc – Khu dân cư Tân Tạo với 5.646 tỷ đồng, tăng mạnh so với 5.315 tỷ đồng hồi cuối năm 2022. Như vậy, có thể thấy, nửa đầu năm 2022, Nhà Khang Điền dồn khá nhiều sức cho dự án này.
Đứng sau là dự án Đoàn Nguyên – Bình Trưng Đông với 3.344 tỷ đồng, Bình Trưng – Bình Trưng Đông với 219 tỷ đồng, Khang Phúc – An Dương Vương gần 620 tỷ đồng, Khang Phúc – Khu Dân cư Bình Hưng 11A gần 568 tỷ đồng.
Ngoại trừ Khang Phúc – An Dương Vương, các dự án còn lại kể trên đều có Quyền sử dụng đất và tài sản ngắn hạn gắn liền trên đất đã được thế chấp cho các khoản vay ở ngân hàng.