Chịu ảnh hưởng “kép” liên tiếp từ đại dịch Covid-19 nhưng thị trường bất động sản (BĐS) vẫn đang được đánh giá có nhiều dấu hiệu lạc quan.
Nhu cầu nhà ở ngày càng lớn
Việt Nam đang ở giai đoạn dân số vàng với quy mô xấp xỉ 100 triệu dân, trong đó tỷ trọng dân số trong độ tuổi lao động gấp đôi số người trong độ tuổi phụ thuộc, đi liền với mức nhu cầu về nhà ở, giải trí và sức mua sắm cao.
Đáng chú ý, trung bình mỗi năm cả nước có thêm khoảng 1 triệu người gia nhập tầng lớp trung lưu và số người giàu không ngừng gia tăng. Cùng với tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ ở các thành phố trên cả nước, đây được xem là động lực bền vững để phát triển các loại hình BĐS đô thị, du lịch nghỉ dưỡng và dịch vụ thương mại…
Theo số liệu của Ngân hàng Techcombank mới công bố gần đây, nhu cầu nhà của cư dân thành thị được phản ánh khá rõ nét. Năm 2019, cho vay mua nhà là một trong những sản phẩm tập trung của Techcombank, chiếm tới 81% tổng dư nợ mảng bán lẻ, với 84% đến từ phân khúc khách hàng có thu nhập khá trở lên và có nguồn thu nhập ổn định.
Cũng theo ước tính của ngân hàng này, phân khúc nhà ở cho các gia đình hạt nhân luôn tăng đều đặn khoảng 20% mỗi năm tại các thành phố có tốc độ đô thị hóa hàng đầu như TP.HCM, Hà Nội, bất kể các yếu tố tác động ngoại cảnh về thiên tai, dịch bệnh hay biến động kinh tế - chính trị.
Giá BĐS chỉ tăng không giảm
Thị trường BĐS 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận nguồn cung và lượng giao dịch giảm, tuy nhiên giá bán ở nhiều phân khúc vẫn giữ giá và thậm chí còn có xu hướng tăng so với cuối năm 2019. Số liệu báo cáo quí I/2020 của Bộ Xây dựng cho biết, giá nhà riêng lẻ tại Hà Nội, TP HCM đã lần lượt tăng khoảng 3,82% và 8,36% so với cùng kỳ năm trước, tiếp tục tăng nhẹ trong quý II/2020.
Còn theo khảo sát của một số đơn vị phân phối, tại một số thị trường tiêu biểu như Hạ Long, Bình Dương, TP.HCM, giá BĐS đã tăng trung bình từ 15 - 20% chủ yếu đến từ nguồn cung dự án của các doanh nghiệp có nhiều quỹ đất.
Bên cạnh sự thiếu hụt nguồn cung dự án mới, một trong những nguyên nhân chính đẩy giá BĐS đến từ nhu cầu thực vẫn đang rất lớn trên thị trường. Cộng thêm với việc BĐS hiện vẫn được ưa chuộng như một kênh đầu tư lâu dài mang lại nhiều lợi nhuận và an toàn, hút dòng tiền đổ về. Do đó giới đầu tư nhận định ngay khi thị trường hồi phục “hậu” Covid, giá BĐS chắc chắn sẽ còn thiết lập mặt bằng mới.
Quyết sách kịp thời
Nhận định về tương lai của thị trường BĐS Việt Nam, ông Neil MacGregor, Tổng giám đốc Savills Việt Nam tin tưởng thị trường vẫn còn cơ hội phục hồi và phát triển trở lại trong giai đoạn 2021 - 2022, nhờ vào những quyết tâm rất lớn và kịp thời của Chính phủ.
Nhiều giải pháp quyết liệt đã và đang được Chính phủ tập trung triển khai như giảm, hoãn thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm lãi suất ngân hàng, đặc biệt là việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công đã có những hỗ trợ hiệu quả cho thị trường giảm thiểu tác động từ đại dịch. Cùng với hàng loạt thủ tục pháp lý về đất đai, thủ tục hành chính… dần được xử lý và khơi thông, góp phần tháo gỡ khó khăn cho các dự án chậm giải ngân, đặc biệt là các dự án trọng điểm có quy mô lớn.
Bên cạnh đó, động thái đẩy mạnh triển khai những dự án hạ tầng giao thông trọng điểm của chính quyền các địa phương cũng được xem là một yếu tố thuận lợi có thể thúc đẩy thị trường phục hồi hoàn toàn vào năm sau.
Trong thách thức vẫn luôn có cơ hội, nhưng các doanh nghiệp cũng như nhà đầu tư cần làm gì để nắm bắt cơ hội phục hồi và đón đầu giai đoạn phát triển mới của thị trường? Những câu hỏi cấp thiết này sẽ được bàn luận, phân tích kĩ lưỡng để tìm ra lời giải tại tọa đàm “Bất động sản Việt Nam 2020 – 2021: Sẵn sàng chu kỳ mới” do chuyên trang BizLIVE tổ chức vào ngày 29/8 tại FLC Sầm Sơn (Thanh Hóa).
Sự kiện được tường thuật trực tiếp trên BizLIVE với sự tham dự của các chuyên gia kinh tế, tài chính, bất động sản; lãnh đạo doanh nghiệp, hiệp hội và các đơn vị tư vấn hàng đầu Việt Nam.
Tại tọa đàm, các diễn giả sẽ phân tích, đánh giá chung về bức tranh toàn cảnh của bất động sản ở thời điểm hiện tại, đặc biệt là các điểm sáng được dự báo thúc đẩy thị trường. Bên cạnh đó, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn cũng sẽ cùng phân tích diễn biến các phân khúc cụ thể, tiềm năng, nguồn cung, cơ hội đầu tư và thị hiếu tại mỗi phân khúc trong ngắn và dài hạn, đồng thời đưa ra những tư vấn, khuyến nghị cần thiết cho doanh nghiệp, nhà đầu tư trong thời gian tới.