Nữ đại gia và tham vọng thâu tóm “miếng bánh” đất vàng?
Là một trong những địa phương nằm trong top đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI; dòng vốn đầu tư đã giúp Bình Dương trở thành một trong những trung tâm công nghiệp lớn của cả nước; mỗi năm thu hút hàng nghìn chuyên gia, kỹ sư, công nhân tới sinh sống và làm việc. Cũng vì thế mà nhu cầu về nhà ở và đầu tư tại Bình Dương cũng tăng cao, giúp thị trường bất động sản trở nên sôi động hơn bao giờ hết.
Là một doanh nghiệp hình thành và hoạt động tại Bình Dương, Công ty TNHH BĐS Phú Hồng Thịnh (Phú Hồng Thịnh) – doanh nghiệp mang đậm dấu ấn của nữ doanh nhân Phạm Thị Hường đã phát huy rất tốt lợi thế “sân nhà” cùng sự am hiểu về thị trường bất động sản địa phương để nắm bắt cho mình những điều kiện thuận lợi trước cơ hội thâu tóm “miếng bánh” bất động sản.
Được thành lập từ tháng 5/2013, Quá trình tìm hiểu cho thấy, Công ty Phú Hồng Thịnh có trụ sở tại Bình Dương với vốn điều lệ tính đến cuối năm 2020 ở mức 250 tỷ đồng. Quá trình tìm hiểu cho thấy theo đăng ký kinh doanh thay đổi mới nhất, người đại diện pháp luật của Công ty là ông Phạm Hữu Đức – chức vụ Giám đốc chỉ sở hữu 11% vốn; trong khi bà Hường nắm tới 88,6% cổ phần, còn lại 0,4% thuộc về Lê Thị Thúy Phượng.
Đáng chú ý, ngoài Công ty Phú Hồng Thịnh, bà Phạm Thị Hường hiện đang đứng tên pháp nhân của hàng loạt doanh nghiệp khác, gồm: Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam (Đô thị Việt Nam), Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong (Phú Phong), Công ty TNHH MTV thương mại dịch vụ Chợ Phú Phong, Công ty CP Đầu tư bất động sản Giang Nam (Giang Nam).
Nhóm doanh nghiệp do bà Hường đứng đầu này hiện cũng đang là chủ đầu tư của hang chục dự án bất động sản trên địa bàn tỉnh Bình Dương. Từ ngày 1/1/2016 – 15/10/2018, nhóm doanh nghiệp liên quan đến Phú Hồng Thịnh đã có tới 9/53 dự án nhà ở thương mại được UBND tỉnh Bình Dương cấp quyết định, chấp thuận chủ trương đầu tư - với tổng vốn đầu tư lên tới hàng ngàn tỷ đồng.
Trong đó, Công ty Phú Hồng Thịnh được chấp thuận chủ trương đầu tư 8 dự án: các Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh III, VI, VIII, IX, X; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Khang; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Đạt; Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát. Các dự án này có tổng diện tích 32,8 ha, với 2.630 căn hộ, tổng vốn đầu tư lên tới 2.109 tỷ đồng.
Hệ sinh thái có lợi nhuận “mỏng”, quy mô thu hẹp
Trái ngược với việc được cấp chủ trương loạt dự án lớn lên đến cả nghìn tỷ đồng, quy mô của Phú Hồng Thịnh lại ở mức rất khiêm tốn và đang có xu hướng “teo nhỏ” và thu hẹp lại. Tính đến cuối năm 2020, tổng tài sản của Phú Hồng Thịnh chỉ đạt hơn 345 tỷ đồng, giảm gần 35% so với một năm trước.
Trong giai đoạn từ năm 2016 đến năm 2019, quy mô của Phú Hồng Thịnh lại liên tục được mở rộng với tổng tài sản tăng mạnh qua từng năm; tuy nhiên con số cao nhất cũng chỉ dừng lại ở mức vỏn vẹn 528 tỷ đồng. Mặc dù vậy, trong 3 năm trở lại đây vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp này đã chững lại quanh mức 250 tỷ đồng.
Không chỉ dừng lại ở quy mô khiêm tốn, tình hình kinh doanh của Phú Hồng Thịnh cũng không mấy nổi bật; từ sau khi đạt mức kỷ lục gần 465 tỷ đồng năm 2018, doanh thu của Phú Hồng Thịnh có xu hướng giảm dần qua từng năm. Trong năm 2020, doanh nghiệp này đạt 361 tỷ đồng doanh thu (giảm 11% so với cùng kỳ) nhưng lợi nhuận thuần lại bất ngờ tang vọt từ hơn 400 triệu đồng lên mức 3 tỷ đồng.
Khi đi sâu vào kết quả kinh doanh của Phú Hồng Thịnh trên thực tế cho thấy, lợi nhuận của doanh nghiệp thường xuyên chỉ duy trì ở mức rất thấp – khoảng vài tỷ đồng. Tại thời điểm năm 2017 - năm lãi lớn nhất trong 5 năm trở lại đây của Phú Hồng Thịnh, lợi nhuận thuần thu về cũng chỉ dừng ở con số 6,5 tỷ đồng. Đáng chú ý, kết quả này đạt được vào năm mà doanh thu chỉ chưa đến 75 tỷ đồng; còn trong 3 năm từ 2018-2020, doanh thu hàng trăm tỷ đồng của Phú Hồng Thịnh gần như đã bị “nướng” hết vào chi phí.
Tại một doanh nghiệp khác cũng do doanh nhân Phạm Thị Hường làm đại diện pháp luật là Công ty TNHH Quản lý đầu tư phát triển Đô thị Việt Nam – chủ đầu tư dự án Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Phát, một dự án “khủng” với diện tích 2,75 ha và tổng vốn đầu tư 192,1 tỷ đồng; thì tình hình kinh doanh cũng có những diễn biến tương tự như ở Phú Hồng Thịnh. Năm 2020, Công ty Đô thị Việt Nam lãi mỏng 5,4 tỷ đồng, dù doanh thu không đến nỗi nào với hơn 300 tỷ đồng. Điều này cho thấy năng lực quản lý chi phí có phần hạn chế của chủ đầu tư.
Công ty Đô thị Việt Nam được thành lập vào đầu năm 2017. Ngay khi mới được thành lập, doanh nghiệp này đã nhanh chóng tăng vốn điều lệ lên 800 tỷ đồng (cập nhật đến tháng 5/2020); trong đó bà Hường nắm giữ đến gần 91,875% còn lại thuộc về ông Phạm Huy Đức (8%) và bà Nguyễn Ngọc Kim Châu (0,125%). Cùng quá trình tăng vốn, quy mô doanh nghiệp này cũng liên tục mở rộng với tổng tài sản thời điểm cuối năm 2020 đạt 969 tỷ đồng, hơn gấp đôi so với đầu năm.
Bà Phạm Thị Hường, ông Phạm Đức Huy và ông Phạm Hữu Đức cũng là những cổ đông chính nắm quyền chi phối tại Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Bất động sản Phú Phong. Được thành lập vào năm 2006, Công ty Phú Phong hiện có quy mô vốn điều lệ vô cùng khiêm tốn ở mức 22,5 tỷ đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, doanh thu của phú Phong chưa năm nào vượt quá 3 tỷ đồng và lợi nhuận thuần cũng chưa đến 1 tỷ đồng.
Loạt dự án “lọt” tầm ngắm Bộ Công an vì sai phạm
Điều đáng nói, các doanh nghiệp có pháp nhân liên quan đến doanh nhân Phạm Thị Hường gồm Công ty Phú Hồng Thịnh, Công ty Phú Phong và Công ty Đô thị Việt Nam dù tình hình kinh doanh không có điểm nổi bật, nhưng lại gây chú ý lớn khi “lọt” vào tầm ngắm của Bộ Công an do có dấu hiệu sai phạm liên quan đến việc phân lô bán nền tại các dự án.
Cụ thể, hơn 500.000 mét vuông đất ở nhiều vị trí đẹp, thậm chí "siêu đẹp" ở thị xã Thuận An (nay là TP. Thuận An, tỉnh Bình Dương) không hiểu vì lý do gì mà đều lần lượt rơi vào bàn tay thâu tóm của nhóm các Công ty trong gia đình bà Phạm Thị Hường. Điển hình là các dự án: Khu nhà ở thương mại Phú Hồng Thịnh (đánh số thứ tự từ 1 đến 10); Phú Hồng Khang (3,4ha); Phú Hồng Lộc (2,5ha); Phú Hồng Phát (2,7ha); Phú Gia Huy (3,7ha); Phú Gia (2,6ha); chung cư Phú Hồng Thịnh (0,6ha)...
Những dấu hiệu sai phạm trong việc phân lô bán nền tại 17 dự án này sau đó đã được Bộ Công an thu thập hồ sơ để phục vụ công tác điều tra. Cũng từ đây, những “khuất tất” trong việc thu hồi đất, giao đất "thần tốc" của UBND tỉnh Bình Dương cho nhóm doanh nghiệp của gia đình nữ đại gia Phạm Thị Hường cũng dần được hé lộ.
Trong năm 2019 và năm 2020, UBND tỉnh Bình Dương đã thành lập các Đoàn thanh tra về việc chấp hành các quy định pháp luật và thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai đối với 17 dự án của 4 Công ty thuộc những pháp nhân trong gia đình doanh nhân Phạm Thị Hường làm chủ.
Kết quả thanh tra của tỉnh Bình Dương cho thấy, các dự án này đều có nguồn gốc đất là từ đất do các nhà máy, xí nghiệp thuê lại của Nhà nước để sản xuất kinh doanh. Sau khi nhận chuyển nhượng quyền thuê đất sản xuất, các Công ty thuộc sở hữu của gia đìnhh bà Hường đã xin lập các dự án nhà ở thương mại và nhanh chóng được các cấp chính quyền tỉnh Bình Dương chấp thuận.
“Phớt lờ” việc nhiều dự án theo quy hoạch tổng thể đều có quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội nhằm đảm bảo công tác an sinh xã hội và đảm bảo đời sống cho người dân, người lao động; các Công ty do gia đình bà Hường làm chủ đã “thẳng thừng” xin điều chỉnh các quỹ đất này thành đất nhà ở thương mại. Điều đặc biệt là, những đề xuất này đều rất nhanh chóng được các cấp thẩm quyền của tỉnh Bình Dương chấp thuận.
Chính vì lẽ đó mà chỉ trong vòng 4 năm, các Công ty của gia đình bà Hường đã "thâu tóm" được hàng loạt khu “đất vàng” trên địa bàn tỉnh Bình Dương; để rồi lập ra hàng chục dự án, phân lô hàng ngàn khu đất nền sau đó bán cho người dân, thu lợi nhuận một cách rất dễ dàng. Điều này làm dấy lên dấu hỏi lớn về sự “ưu ái lạ” mà chính quyền tỉnh Bình Dương đang dành cho các doanh nghiệp mang dấu ấn của nữ doanh nhân Phạm Thị Hường?
Theo Thùy Chi/Ngày Nay