Không phải tự nhiên mà người Do Thái có thể trở thành dân tộc thông minh nhất thế giới, đồng thời sở hữu rất nhiều tỷ phú hàng đầu, điển hình như ông chủ Facebook Mark Zuckerberg. Nguyên do chủ yếu nằm ngay trong tư duy “độc lạ” của chính họ.
Người Do Thái được biết đến là một sắc tộc tôn giáo có nguồn gốc từ Israel, hiện nay sinh sống rải rác tại khắp nơi trên thế giới. Theo số liệu năm 2013, dân số người gốc Do Thái trên thế giới hiện nay vào khoảng gần 13,8 triệu người (khoảng hơn 0,19% dân số thế giới), tức là cứ khoảng 517 người thì có 1 người Do Thái.
Thế nhưng, chỉ tính đến khoảng giữa thế kỷ 19, 25% các nhà khoa học trên thế giới là người Do Thái, và tính đến năm 1978, hơn một nửa giải Nobel rơi vào tay người Do Thái. Như vậy, có đến 50% đóng góp cho sự tiến bộ của loài người chỉ do 0,19% dân số đảm nhiệm. Những tên tuổi lớn của thế kỷ 20 có thể kể đến như bộ óc thế kỷ Albert Einstein, Sigmund Freud, Otto Frisch… đều là người Do Thái.
Theo một báo cáo trong quá khứ của Forbes Israel, trong số 1.426 tỷ phú hiện đang sống trên thế giới, 11% là người Do Thái, và tổng tài sản của họ lên tới 812 tỷ USD. Còn trong Top 50 người giàu nhất thế giới thì có 25% là người Do Thái, và 10 người Do Thái giàu nhất thì 8 người đến từ Mỹ, và 2 người đến từ Nga. Theo xếp hạng này, có thể thấy rằng người Do Thái không chỉ thông minh, mà cũng là dân tộc giàu nhất thế giới.
Vậy sự khác biệt nào trong tư duy đã giúp họ đạt được nhiều thành tựu đáng ngạc nhiên như vậy? 4 câu chuyện sau đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về nó.
Lý do tại sao Do Thái có thể trở thành quốc gia giàu nhất trên thế giới là bởi vì họ có thể vượt qua được những suy nghĩ thông thường và đi theo con đường khác biệt.
1. Người doanh nhân trong tù
Có ba người đàn ông phải chịu án tù 3 năm. Quản giáo hứa rằng, mỗi người có thể đưa ra một yêu cầu.
Người Mỹ nghiện thuốc nên nhanh chóng xin 3 hộp thuốc. Người Pháp yêu thích sự lãng mạn nên yêu cầu một người phụ nữ đẹp ở cạnh bên. Người Do Thái thì muốn có một chiếc điện thoại có thể liên lạc với thế giới bên ngoài bất cứ lúc nào.
Sau 3 năm, người Mỹ ra khỏi tù với 3 hộp thuốc còn nguyên trên tay và miệng thì không ngừng hét lên: "Hãy cho tôi lửa, cho tôi lửa!". Thì ra anh ta đã quên yêu cầu bật lửa.
Người Pháp bước ra khỏi tù cùng người phụ nữ, trên tay mỗi người đều đang bế một đứa trẻ và trong bụng cô ta còn có một đứa trẻ khác đang thành hình.
Người Do Thái bước ra cuối cùng, anh ta bắt tay quản tù cảm ơn rồi bước lên chiếc ô tô sang trọng đang chờ sẵn bên ngoài. Hóa ra, nhờ có chiếc điện thoại, anh ta vẫn không ngừng đầu tư và kinh doanh với thế giới bên ngoài, kết quả rất thành công và nhanh chóng có một khối gia tài không nhỏ.
Bài học rút ra: Lựa chọn quyết định số phận
Sự lựa chọn trong quá khứ của doanh nghiệp sẽ quyết định thành tựu hiện tại. Còn sự lựa chọn trong hiện tại của doanh nghiệp sẽ quyết định sự phát triển trong tương lai. Với mỗi lựa chọn khác nhau, người ta sẽ đối mặt với những số phận khác nhau.
2. Đàn gà của Paul
Có một người nông dân tên Paul nuôi một đàn gà.
Bỗng một hôm, anh ta hốt hoảng than khóc và cầu cứu hàng xóm: “Đàn gà nhà tôi tự dưng chết mất một nửa vì bị cúm rồi, phải làm sao đây?”
Hàng xóm hỏi: “Anh đã cho chúng ăn gì thế?”
Paul trả lời: “Ăn thóc.”
“Vậy thì đổi sang ăn lúa mì đi!”
Hôm sau Paul lại chạy đến nói: “Không ổn, có thêm 15 con nữa chết rồi!”
Hàng xóm hỏi: “Anh đã cho chúng uống gì thế?”
Paul trả lời: “Uống nước lạnh.”
“Vậy thì đổi sang uống nước nóng đi!”
Hôm sau nữa, Paul chán nản kể: “Cả đàn gà chết gần hết rồi anh ạ, chỉ còn 10 con sống sót thôi!”
“Nước uống của chúng lấy từ đâu?”
“Nước giếng chứ đâu.”
“Anh đổi sang nước tinh khiết đi, tốt cho sức khỏe hơn nhiều.”
Cuối cùng, Paul tuyệt vọng: “Thế là con cuối cùng cũng chết rồi.”
Hàng xóm mới thở dài: “Chán nhỉ, tôi còn nhiều ý kiến để chia sẻ cho anh lắm mà chưa kịp nói.”
Bài học rút ra: Thay đổi cần dựa trên nền tảng cốt lõi và nhắm vào vấn đề thực sự.
Sự thay đổi trong doanh nghiệp nên được thực hiện từng bước, dựa trên những giá trị sẵn có và đang làm tốt chứ đừng vội từ bỏ ngay. Thay đổi diện mạo không thể thay đổi trái tim, thay đổi trái tim cũng không thể thay đổi toàn bộ dòng máu đang chảy. Điều quan trọng là tìm ra chính xác bộ phận nào đang có vấn đề để xử lý. Nếu không, dù bạn đổi tới đổi lui cũng chẳng có tác dụng gì.
3. Chú chó trông nhà
Trong một cửa tiệm mở ra bởi người Do Thái, họ quảng cáo khả năng trông nhà của những chú chó tại đây là cực tốt.
Khách hàng sau khi mua về một thời gian thì giận dữ quay lại và phàn nàn: “Tôi mua chó của anh để giúp trông nhà. Thế mà tối qua, tôi bị trộm cạy cửa vào nhà, cuỗm mất 200 đô la, vậy mà nó có sủa tiếng nào đâu!”
Ông chủ Do Thái giải thích: "Chủ nhân cũ của nó là một triệu phú. Cho nên nó mới thấy 200 đô của anh không đáng để sủa.”
Bài học rút ra: Quản lý có những nguyên tắc vĩnh viễn tồn tại, nhưng không có tính cố định.
Dựa trên những hệ quy chiếu khác nhau, người ta có thể nhìn nhận nguyên tắc theo những cách khác nhau. Không phải điều gì cũng có thể áp dụng trong mọi trường hợp. Nguyên tắc về quản lý trong doanh nghiệp cũng vậy.
4. Kẻ ăn mày duy nhất
Một nhóm ăn mày vừa nằm phơi nắng, vừa mơ mộng với nhau. Có người nói muốn trở thành đại gia, có người lại muốn lấy vợ là đại gia, có người thì cầu mình giỏi giang hơn.
Chỉ duy nhất một người Do Thái trong đám ước rằng, mình là kẻ ăn mày duy nhất trong thành phố này.
Mọi người hỏi: “Tại sao?”
Anh ta trả lời: “Tất cả tiền ăn xin trong thành phố tốt bụng này đều thuộc về tôi.”
Bài học rút ra: Cái gì “duy nhất” cũng là giá trị nhất.
Trong thị trường ngày này, muốn trở nên giá trị nhất thì nhất định phải tạo ra các khái niệm độc đáo nhất, là “duy nhất”. Phải mở ra những con đường khác biệt với suy nghĩ thông thường để có không gian bứt phá.
Theo Trí thức trẻ