Năm 2019 tín dụng tăng 13,5% - mức tăng có thấp hơn những năm trước nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP đã ở mức 135%, điều này minh chứng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Tại buổi công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô Việt Nam, phân tích và dự báo của Đại học Ngân hàng TP.HCM diễn ra mới đây, ông Nguyễn Tú Anh - Vụ trưởng Vụ Kinh tế Tổng hợp, Ban Kinh tế Trung ương dự báo, năm 2020 các nền kinh tế trên thế giới sẽ tiếp tục nới lỏng tiền tệ và Việt Nam có cơ hội đón nhận những nguồn vốn giá rẻ.
Việt Nam “không nới lỏng tiền tệ”
Đồng ý các nền kinh tế trên thế giới nới lỏng tiền tệ, ông Trương Văn Phước - Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ cho rằng, “Việt Nam sẽ không nới lỏng tiền tệ”. Theo đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vẫn phải dùng đến các công cụ hạn mức tăng trưởng tín dụng hàng năm, quy định giới hạn tỷ tệ sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn…
Chính vì giới hạn tăng trưởng tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro như bất động sản, chứng khoán trong những năm gần đây đã khiến các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực hơn trong việc tìm kiếm vốn thông qua phát hành trái phiếu. Đơn cử, năm 2019 tổng lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp đã lên tới 245 ngàn tỷ đồng, trong đó có khoảng 50% thuộc về các doanh nghiệp bất động sản.
Mặc dù vậy, theo ông Phước, hiện thị trường tài chính vẫn chưa phát triển, trong khi 90% doanh nghiệp Việt Nam là DNNVV và con đường tìm kiếm vốn duy nhất của doanh nghiệp vẫn là “gõ cửa ngân hàng” và cái giá phải trả là một nền kinh tế với chi phí vốn cao và có nhiều nợ xấu. Theo số liệu thống kê của NHNN, năm 2019 tín dụng tăng 13,5% - mức tăng có thấp hơn những năm trước nhưng tỷ lệ tín dụng trên GDP đã ở mức 135%, điều này minh chứng tín dụng đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế.
Việc doanh nghiệp phát hành trái phiếu nổi lên trong năm qua là một xu hướng tất yếu, để thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bền vững và giảm thiểu rủi ro cho các nhà đầu tư, cần phải có quy định xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu minh bạch mọi thông tin quy luật chung trên thị trường tài chính, doanh nghiệp phát hành tạo niềm tin cho thị trường thu hút giới đầu tư người mua trái phiếu tăng lên, tín dụng ngân hàng dần dần giảm xuống.
Với thị trường chứng khoán cũng vậy, cần phải có thêm các sản phẩm, công cụ phái sinh để thu hút thêm các nhà đầu tư, qua đó giúp thị trường phát triển bền vững để giảm gánh nặng lo vốn trung dài hạn cho các ngân hàng. Ngoài ra, cần phải có suy nghĩ lấy TP.HCM là địa điểm “đóng đô” của trung tâm tài chính khu vực và của thế giới mới giảm bớt gánh nặng cho chính sách tiền tệ.
Dư địa điều hành tỷ giá
Bà Dương Thị Thanh Bình - Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ NHNN cho biết, năm 2020 NHNN định hướng tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%; tín dụng tăng khoảng 14%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Song song với đó, NHNN sẽ tiếp tục điều hành đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ, tỷ giá; phối hợp tốt với chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và hỗ trợ tăng trưởng.
Liên quan đến điều hành tỷ giá, đại diện NHNN cho biết, tỷ giá trung tâm thời gian qua được NHNN điều hành rất chủ động và linh hoạt, theo sát diễn biến thị trường; đồng thời kết hợp với các công cụ thị trường mở (OMO) để điều tiết VND, và sẵn sàng mua bán ngoại tệ tạo niềm tin thị trường. Do NHNN chủ động điều hành tỷ giá trung tâm nên trong năm 2019 tỷ giá tại NHTM tăng bình quân 0,7%, thấp hơn mức tăng của tỷ giá trung tâm là 1,4%.
Chẳng hạn, thống kê bảng niêm yết tỷ giá của Vietcombank ngày 2/1/2019 giá mua/bán ở mức 23.110/23.230 đồng/USD đến ngày 31/12/2019 giá mua/bán ở mức 23.150/23.240 đồng/USD; trong khi đó tỷ giá trung tâm do NHNN ngày 2/1/2019 ở mức 22.825 đồng/USD, đến ngày 31/12/2019 ở mức 23.155 đồng/USD. Mặc dù giá mua - bán USD tại các ngân hàng được phép biến động trong biên độ +/- 3% so với tỷ giá trung tâm, nhưng trong suốt năm 2019 không có ngày nào giá mua bán USD trên thị trường chạm trần biên độ.
Năm 2020 NHNN sẽ tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ nhằm ổn định thị trường, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước khi điều kiện và bối cảnh phù hợp.
Theo các chuyên gia tài chính, đó là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn khi mà dự báo năm 2020, thị trường tài chính và kinh tế toàn cầu vẫn còn nhiều bất định. Bởi các chuyên gia cho rằng, sẽ không có bất cứ một thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung nào sau ngày 3/11/2020. Bên cạnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, còn nhiều yếu tố bất định khác như nguy cơ Brexit không thỏa thuận, hay việc Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất, đồng USD tăng giá… Đó là những vấn đề mà các DN sản xuất kinh doanh trong nước cần lưu ý.
Theo ông Phước, nếu Fed cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa vào tháng 3/2020 thị trường chứng khoán Mỹ sẽ đạt lên mức kỷ lục hơn nữa, để giải quyết các vấn đề tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, hiện Fed không còn lạm dụng phương thức nới lỏng định lượng (QE) do công cụ này đã dùng quá nhiều trong những năm trước, thêm các yếu tố có tính phi truyền thống cần phải lưu ý.
Từ đó những cơ sở đó, ông Trương Văn Phước dự báo năm 2020 chỉ số USD (DollarIndex - DXY) sẽ lên đến 98 điểm sau đó xuống 95 điểm (hiện nay đang ở mức 96 điểm). Điều này sẽ tạo điều kiện cho NHNN điều hành chính sách. “Tôi nghĩ rằng điều hành chính sách tỷ giá năm nay sẽ thuận lợi hơn nhiều”, ông Phước khẳng định.
Ông Nguyễn Xuân Thành - Đại học Fulbright đánh giá, trong năm qua và bước vào năm 2020 niềm tin của người tiêu dùng và DN đã quay trở lại.
Việt Nam đang bước vào thời kỳ có sức cầu nội địa tốt thể hiện qua tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ liên tục tăng trong thời gian qua. Sức mạnh này sẽ kéo dài trong trung hạn và công nghiệp vẫn sẽ vẫn là động lực trong tăng trưởng trong thời gian tới.
https://thoibaonganhang.vn/2020-du-dia-lon-cho-chinh-sach-tien-te-96932.html