Năm 2019 tiếp tục đánh dấu một năm sôi động của hoạt động phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
Bước sang năm 2020, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục sôi động khi cả cung và cầu nhiều khả năng vẫn được duy trì.
“Nở rộ” trong năm 2019
Diễn biến “nở rộ” TPDN trong năm qua không gây nhiều ngạc nhiên khi xét đến tiềm năng còn rất lớn của thị trường này. Theo lộ trình phát triển thị trường trái phiếu đã được Việt Nam đề ra trong năm 2017, một trong những mục tiêu là tăng quy mô của thị trường này lên 45% GDP vào năm 2020 và 65% vào năm 2030.
Mặc dù trái phiếu chính phủ chiếm phần lớn thị trường trái phiếu, nhưng thị trường TPDN được dự báo sẽ ngày càng trở thành một kênh quan trọng để tài trợ vốn cho nền kinh tế, bên cạnh kênh truyền thống là tín dụng ngân hàng. Sự phát triển của thị trường trái phiếu không chỉ được thúc đẩy bởi tăng trưởng GDP, ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp, mà còn bởi các doanh nghiệp tăng cường phát hành trái phiếu để đa dạng hóa nguồn vốn.
Trong năm 2019, khối lượng TPDN phát hành tăng mạnh so với năm trước đó. Số liệu cập nhật từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội cho thấy, trong tháng 11/2019, 35 doanh nghiệp đã thực hiện 94 đợt phát hành trái phiếu trong tổng số 184 đợt đăng ký, qua đó, huy động được hơn 26.000 tỷ đồng.
Ảnh Minh họa
Khối ngân hàng là nhà phát hành trái phiếu lớn nhất với tổng giá trị huy động đạt hơn 14.000 tỷ đồng, chiếm 55% tổng lượng vốn huy động thành công; tiếp đến là các doanh nghiệp khác (trừ bất động sản và chứng khoán), với hơn 6.000 tỷ đồng; doanh nghiệp bất động sản với hơn 5.000 tỷ đồng và các công ty chứng khoán với 502 tỷ đồng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm 2019, 189 doanh nghiệp đã thực hiện 726 đợt phát hành trái phiếu, qua đó huy động được lượng vốn lên đến 233.000 tỷ đồng với kỳ hạn phát hành bình quân là 4,13 năm.
Sự mở rộng của nguồn cung TPDN trong năm nay xuất phát từ hai nhóm đối tượng chính. Một là các ngân hàng huy động vốn trung và dài hạn qua kênh trái phiếu nhằm đáp ứng chuẩn Basel 2 cũng như lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng Nhà nước. Hai là nhóm các doanh nghiệp bất động sản khó tiếp cận nguồn vốn vay từ ngân hàng khi hệ số rủi ro cho vay bất động sản được quy định ở mức cao.
Thống kê thị trường sơ cấp cho thấy, nhà đầu tư TPDN lớn nhất hiện nay vẫn là các ngân hàng, tiếp đến là các công ty chứng khoán. Các công ty chứng khoán hoạt động như một đơn vị trung gian và phân phối lại trái phiếu phát hành cho nhà đầu tư khác như ngân hàng, doanh nghiệp, nhà đầu tư cá nhân.
Các công ty bảo hiểm chỉ nắm giữ một phần nhỏ TPDN, vì họ ưa chuộng TPDN dài hạn có mức tín nhiệm tốt, hoặc TPDN dài hạn được đảm bảo bởi những tổ chức bảo lãnh có mức tín nhiệm cao.
Sự xuất hiện của các nhà đầu tư cá nhân là một điểm đáng chú ý trong hai năm gần đây, ước tính chiếm 10 - 15% trong tổng thị trường TPDN. Sức hút của TPDN gia tăng với nhà đầu tư cá nhân không chỉ do lãi suất cao mà còn do không ít trái phiếu được phát hành với quyền lựa chọn bán lại.
Cụ thể, nhà đầu tư cá nhân có thể bán lại trái phiếu cho doanh nghiệp phát hành sau một vài tháng nắm giữ mà vẫn hưởng được lợi nhuận như lãi suất cuống phiếu ban đầu. Ðây là một lựa chọn hấp dẫn so với sản phẩm tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng.
Nhiều thách thức vẫn hiện hữu
Bước sang năm 2020, thị trường TPDN được dự báo sẽ tiếp tục sôi động khi cả cung và cầu nhiều khả năng vẫn được duy trì. Lợi tức trái phiếu cao hơn so với lãi suất tiền gửi ngân hàng khiến thị trường này càng thêm hấp dẫn các nhà đầu tư cá nhân, trong khi lãi suất trái phiếu chính phủ thấp sẽ giúp gia tăng nhu cầu đầu tư TPDN của các nhà đầu tư tổ chức. Mặt khác, biến động mạnh của thị trường chứng khoán cũng có thể khiến các nhà đầu tư chuyển hướng sang TPDN.
Mặc dù vậy, những rủi ro và thách thức cho thị trường TPDN vẫn hiện hữu. Một trong những thách thức lớn nhất chính là sự hạn chế về thanh khoản trên thị trường thứ cấp, khiến các nhà đầu tư gặp khó khăn khi có nhu cầu chuyển sang tiền mặt. Bên cạnh đó, việc thiếu cơ sở đánh giá rủi ro phù hợp có thể dẫn đến rủi ro thanh toán khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu mất khả năng chi trả sau này, nhất là trong bối cảnh sự phát triển cơ sở hạ tầng của thị trường không theo kịp tốc độ tăng trưởng của thị trường trái phiếu.
Hiện chưa có tổ chức xếp hạng tín nhiệm trong nước cung cấp dịch vụ đánh giá doanh nghiệp. Các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế cũng chưa cung cấp dịch vụ đánh giá cho hầu hết tổ chức phát hành TPDN tại Việt Nam, ngoại trừ phần lớn ngân hàng trong nước được Moody’s xếp hạng.
Một rủi ro khác liên quan đến TPDN là rất khó giám sát dòng tiền huy động qua kênh này có được doanh nghiệp sử dụng đúng mục đích hay không. Thông thường, nếu cấp tín dụng, ngân hàng có thể dễ dàng giám sát dòng tiền vì giải ngân theo hợp đồng, theo tiến độ dự án.
Song với TPDN, nhà đầu tư không thể nào biết được doanh nghiệp có sử dụng tiền để triển khai dự án như đã thông báo hay không. Do vậy, nhà đầu tư cá nhân muốn mua TPDN bất động sản cần đặc biệt chú trọng các yếu tố như báo cáo tài chính có minh bạch không, tính pháp lý của dự án có đảm bảo không, đã có quỹ đất sạch chưa, định giá có hợp lý hay không...
Hiện nay, hầu hết TPDN trên thị trường được bán theo phương thức phát hành riêng lẻ (93 - 95%), chỉ có khoảng 3 - 5% là phát hành đại chúng. Ngân hàng, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm... là những trái chủ lớn. Những trái chủ này thường có bộ phận phân tích về tài chính doanh nghiệp rất kỹ, nên mức độ rủi ro là không quá lớn. Tuy vậy, thị trường TPDN sẽ bền vững hơn nếu có sự tham gia nhiều hơn của các nhà đầu tư cá nhân.
https://www.thesaigontimes.vn/298647/2019--nam-no-ro-cua-trai-phieu-doanh-nghiep.html