Như Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) phản ánh, với việc bán hàng sai nhãn mác cùng nhiều sản phẩm đồ chơi dành cho trẻ em bày bán không rõ nguồn gốc xuất xứ, ‘168 Mart’ tại tòa nhà Đại Kim Building nằm trên đường Trần Hòa, phường Đại Kim, Hoàng Mai, Hà Nội đã vi phạm theo luật định.
Luật sư Đặng Văn Cường, Văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội phân tích, việc bán hàng hóa từ nước ngoài không có tem phụ tiếng Việt là vi phạm khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007.
Cụ thể, khoản 2 Điều 12 Luật Chất lượng sản phẩm hàng hóa năm 2007 quy định nghĩa vụ của người nhập khẩu là chịu trách nhiệm về chất lượng và ghi nhãn hàng hóa theo quy định của pháp luật đối với hàng hóa do mình nhập khẩu. Đồng thời, khoản 3 Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP quy định về nhãn hàng hóa, hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc. Như vậy, theo quy định pháp luật hiện hành, đối với sản phẩm là hàng hóa có xuất xứ từ nước ngoài khi lưu hành tại thị trường Việt Nam bắt buộc phải có tem nhãn phụ hay tem nhãn bằng tiếng Việt.
"Trường hợp cá nhân, tổ chức kinh doanh mua bán hàng hóa có nguồn gốc từ nước ngoài tại thị trường Việt Nam không có tem phụ bằng tiếng Việt mà giá trị sản phẩm từ 3 triệu đồng trở lên sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản1, khoản 2 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa.
Theo đó, cá nhân tổ chức có hành vi không dán nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam lên sản phẩm có tem mác bằng tiếng nước ngoài mà giá trị của sản phẩm đó từ 3 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 500.000đ đến 1 trệu đồng, đối với sản phẩm có giá trị trên 3 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì tùy vào giá trị thực tế của sản phẩm mà bị phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 25 triệu đồng. Đối với sản phẩm có giá trị trên 100 triệu đồng thì mức phạt tiền sẽ từ 25 triệu đến 30 triệu đồng", luật sư Cường thông tin.
Trước đó, như Chất lượng Việt Nam Online đã thông tin, nhiều sản phẩm dành cho trẻ em, người lớn, nhất là các loại hóa mỹ phẩm chăm sóc cơ thể và thực phẩm sử dụng trực tiếp bày bán tại ‘168 Mart’ tại tòa nhà Đại Kim Building nằm trên đường Trần Hòa, phường Đại Kim, Hoàng Mai được giới thiệu có xuất xứ từ nhiều nước như: Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… Tuy nhiên, trên thân sản phẩm không có tem phụ tiếng Việt.
Chưa kể, trên các sản phẩm đồ chơi bày bán tại đây chỉ ghi những dòng chữ tượng hình gần giống chữ Trung Quốc, thông tin duy nhất ghi bằng tiếng Việt là “đồ chơi siêu thị bằng nhựa”. Mọi thông tin về nguồn gốc xuất xứ, hướng dẫn sử dụng hay cảnh báo đều không hề có trên sản phẩm.
Việc bày bán các sản phẩm đồ chơi không rõ nguồn gốc như trên có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khoẻ người sử dụng, đặc biệt là trẻ em.
Theo phân tích của các chuyên gia, sở dĩ đồ chơi có nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng hoặc đồ chơi không qua kiểm định bị coi là nguy hiểm vì chúng thường sản xuất từ nhựa tái chế được bơm tẩm chất phụ gia, chất tạo màu công nghiệp, nhất là chất PAE (phthalic acid esters) - một hóa chất gây hại cho hệ sinh sản. Do cơ thể trẻ rất nhỏ nên khi ngậm, mút, ngửi, thổi hoặc trực tiếp tiếp xúc với chất độc này sẽ có nguy cơ tổn thương nghiêm trọng tới sự phát triển về cả thể chất và tinh thần chưa hoàn chỉnh của các bé.
Ngoài chất độc trên, các loại đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ cũng được phát hiện chứa lượng lớn thành phần kim loại nặng, cực độc hại đối với con người như chì, crôm, mangan, thủy ngân, cadimi... Khi ở nhiệt độ cao hoặc sử dụng trong một khoảng thời gian nhất định, các chất độc hại này có thể bị phát tán ra ngoài và trực tiếp xâm nhập vào cơ thể bé thông qua da, miệng, hô hấp. Đặc biệt, nếu tiếp xúc với món đồ chơi kém chất lượng lâu dài có thể gây mẫn cảm mạnh, phản ứng dị ứng, nặng hơn có thể ảnh hưởng tới gan và thận.
Theo quy định tại khoản 4 Điều 31 Nghị định số 119/2017/NĐ – CP ngày 01/11/2017 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Tiêu chuẩn, Đo lường và Chất lượng sản phẩm, hàng hóa thì hành vi kinh doanh hàng hóa theo quy định phải có nhãn mác hàng hóa mà không có đối với hàng hóa có giá trị đến 5 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 1 triệu đến 3 triệu đồng. Đối với hàng hóa có giá trị từ 5 triệu đồng đến 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 50 triệu đồng. Hàng hóa không có nhãn mác có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 50 triệu đến 60 triệu đồng.
Chất lượng Việt Nam online (VietQ.vn) sẽ tiếp tục thông tin!