Thời điểm cuối năm 2019, bước sang năm 2020, nhiều doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM đã bắt đầu có những kế hoạch đầu tư, giới thiệu dự án BĐS ra thị trường, trong đó phần lớn nằm ở các tỉnh vùng ven với quy mô khá lớn.
Xu hướng này cũng đã xuất hiện trên thị trường BĐS trong năm 2019. Động thái “đánh bắt xa bờ” đã hình thành trước bối cảnh quỹ đất tại Tp.HCM trở nên hạn hẹp trong suốt thời gian qua.
Nhiều doanh nghiệp địa ốc, trong đó có những “ông lớn” trong ngành đã lên kế hoạch tấn công mạnh thị trường tỉnh và dự báo đây sẽ trở thành một chiến lược lâu dài của các doanh nghiệp này trong giai đoạn tới.
Theo các chuyên gia, tiềm năng về hạ tầng, du lịch, địa hình sinh thái là lợi thế của các tỉnh tạo sức hút cho doanh nghiệp địa ốc
Những tên tuổi lớn của bất động sản Tp.HCM trong những ngày cuối năm gần đây như Hưng Thịnh, Novaland, Phú Long,...đều có những động thái công bố các dự án lớn, cũng như kế hoạch đầu tư vào các thị trường tỉnh lẻ. Đơn cử, Công ty CP Property X (Đơn vị thành viên của Tập đoàn Hưng Thịnh) mới đây đã giới thiệu ra thị trường dự án Grand Center Quy Nhon tại Bình Định với quy mô hơn 7.000m2, bao gồm khu căn hộ và khu văn phòng. Đây là dự án thứ 2 của đơn vị này tại thị trường Bình Định sau Quy Nhon Melody. Theo đại diện doanh nghiệp này, thị trường BĐS Quy Nhơn đang trên đà phát triển, nhu cầu về chỗ ở của cư dân sinh sống tại đây đang tăng cao nên kì vọng sự phát triển của các dự án tại khu vực này.
Tương tự, ông lớn địa ốc Novaland cũng đang tấn công mạnh thị trường BĐS tỉnh với các dự án lớn như NovaWorld Phan Thiết, NovaWorld Hồ Tràm, NovaBeach Cam Ranh Resort & Villas với quy mô cả 1.000m2 mỗi dự án. Bên cạnh các dự án tại Tp.HCM thì doanh nghiệp này phát triển ra các thị trường nghỉ dưỡng nằm trong chiến lược lâu dài trong năm 2019 và các năm tới.
Năm 2020, Công ty CP Địa ốc Phú Long cũng lên kế hoạch phát triển một số dự án nghỉ dưỡng quy mô tại Phú Quốc và Khánh Hòa. Dù chưa tiết lộ cụ thể về dự án nhưng tấn công thị trường tỉnh nằm trong kế hoạch trong các năm tới của doanh nghiệp này.
Hay một số đơn vị như Phát Đạt, DRH Holdings, Phúc Khang… cũng lên kế hoạch khai phá mạnh thị trường các tỉnh lân cận Tp.HCM trong các năm tới trước bối cảnh quỹ đất nội đô ngày càng khan hiếm. Trong đó, một số thị trường mới nổi như Bình Định, Bình Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi… được các doanh nghiệp gọi tên khi mà nhìn về dài hạn tiềm năng phát triển còn khá lớn.
Theo các chuyên gia, không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp BĐS Sài Gòn “đánh bắt xa bờ”, chắc chắn họ nhìn thấy tiềm năng trong tương lai của khu vực, đặc biệt ở các địa phương có lợi thế rõ nét về kết nối giao thông, bờ biển đẹp, còn hoang sơ.
Chẳng hạn, tại Quy Nhơn, Bình Định thời gian qua khá nhiều doanh nghiệp địa ốc Tp.HCM tìm về để phát triển dự án. Bên cạnh phân khúc nghỉ dưỡng thì căn hộ chung cư, đất nền cũng là các phân khúc được doanh nghiệp khai phá ở thị trường này. Theo các chuyên gia trong ngành, sự thay đổi tích cực của cơ sở hạ tầng cả về đường bộ đường sắt, đường hàng không, đường thủy đã mang đến cơ hội cho thị trường BĐS nơi đây.
Tấn công thị trường tỉnh nằm trong kế hoạch lâu dài của các doanh nghiệp trước bối cảnh quỹ đất Tp.HCM khan hiếm. Ảnh: Hạ Vy
Được biết, trong tháng 8/2019, UBND Tỉnh Bình Định đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng kí đầu tư cho 15 dự án với tổng số vốn hơn 36.000 tỉ đồng đổ bộ vào tỉnh này. Các dự án này đa dạng ở nhiều lĩnh vực như du lịch, điện gió, trường học, nhà ở thương mại…đặc biệt, dự kiến đến cuối tháng 12 các chuyến bay quốc tế đầu tiên đến và đi từ sân bay Phù Cát sẽ bắt đầu đi vào hoạt động góp phần thu hút khách du lịch và lượng lớn NĐT đổ về thị trường này, từ đó kéo theo BĐS phát triển theo. Nhiều doanh nghiệp địa ốc vì thế đã nhận thấy tiềm năng và bắt đầu rục rịch đến với thị trường này.
Bà Dương Thị Thùy Dung, Giám đốc cấp cao CBRE Việt Nam dự báo, nguồn cung BĐS trong thời gian tới chủ yếu ghi nhận ở các tỉnh lân cận Tp.HCM như Long An, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, xa hơn sẽ là Bình Thuận, Bình Định, Phú Yên…xu hướng này ngày càng diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các phân khúc như đất nền, nhà phố, biệt thự, căn hộ.
“Khi mà pháp lý khó khăn, quỹ đất không còn dồi dào thì xu hướng dịch chuyển của các doanh nghiệp ra thị trường tỉnh là tất yếu, cũng là cách để doanh nghiệp nuôi quân và xây dựng quân số trong lâu dài”, bà Dung nhấn mạnh.
Tại hội thảo về BĐS vùng lân cận Tp.HCM diễn ra mới đây tại Tp.HCM, các chuyên gia cùng chung quan điểm, thị trường tỉnh sẽ là cơ hội không chỉ của CĐT mà còn của NĐT cá nhân nhỏ lẻ trong giai đoạn tới bởi dư địa phát triển còn khá lớn. Với nguồn cung khan hiếm tại Tp.HCM thì nguồn cung BĐS tỉnh sẽ là nguồn bổ trợ, đây cũng là điểm tích cực của thị trường ở giai đoạn hiện nay.