VNREA đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19...
Những kiến nghị giải cứu
Ngày 27/4, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA) có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ về giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như phản ảnh những vướng mắc, bất cập của hệ thống pháp luật, chính sách hỗ trợ dịch Covid-19.
Trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp bất động sản, theo VNREA, về tín dụng, thứ nhất, cần quy định cụ thể, chi tiết danh mục hồ sơ, thủ tục để các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh thực hiện việc xin hỗ trợ lãi suất theo hướng đơn giản hóa hồ sơ, thủ tục, không gây khó khăn cho doanh nghiệp;
Thứ hai, cần cơ cấu lại thời hạn trả nợ đối với các dư nợ gốc và lãi kéo dài thêm một khoảng thời gian là 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn trả nợ (thay vì quy định cơ cấu lại thời gian trả nợ không vượt quá 12 tháng kể từ ngày cuối cùng của thời hạn vay như Thông tư số 01/2020/TT-NHNN đang quy định).
Cuối cùng là đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay (gồm cả dư nợ hiện hữu và dư nợ mới) đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng Chính phủ công bố hết dịch Covid-19.
Về lĩnh vực thuế, do dịch Covid-19 là sự kiện bất khả kháng đối với tất cả các doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì vậy, VNREA kiến nghị cần áp dụng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế đối với tất cả các doanh nghiệp thuộc các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong thời gian công bố dịch.
VNREA đề nghị hỗ trợ cho vay với lãi suất 0% trong suốt thời gian dịch bệnh Covid-19 và giảm 50% lãi suất cho vay đến ngày liền kề sau 12 tháng kể từ khi Thủ tướng công bố hết dịch Covid-19.
Đề nghị công bố danh mục lĩnh vực kinh doanh (mã ngành) bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trong đó có lĩnh vực kinh doanh bất động sản, bất động sản du lịch và các doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh (có doanh thu trong thời gian trước hoặc trong thời điểm công bố dịch) trong các lĩnh vực đó đều được hưởng chính sách gia hạn nộp thuế, miễn tiền chậm nộp thuế, mà không cần phải có xác định mức độ thiệt hại như quy định hiện hành.Việc xác định thiệt hại của từng doanh nghiệp do dịch bệnh cho các cơ quan như hướng dẫn của Tổng cục Thuế, vừa gây khó cho các cơ quan này, vừa làm gia tăng thủ tục hành chính, tăng chi phí và thời gian của doanh nghiệp, ảnh hưởng tới tính kịp thời của việc áp dụng giải pháp về thuế để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong tình hình cấp bách.
Bên cạnh đó, VNREA đề nghị miễn hoặc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng trong thời gian có dịch; giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp và 50% thuế giá trị gia tăng trong thời hạn 01 năm sau khi dịch bệnh được kiểm soát.
Gia hạn thời hạn nộp thuế TNDN cho cả quý III, IV/2020 và quý I, II/2021 như đã quy định cho quý I, II/2020 trong Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, theo đó thời gian gia hạn là 12 tháng kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng theo quy định của pháp luật về quản lý thuế (thay vì thời gian gia hạn là 5 tháng như quy định tại Nghị định số 41/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất).
Cho phép miễn hoặc giảm thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho giai đoạn 6 tháng cuối năm 2020 và 6 tháng đầu năm 2021;
Giãn thời gian nộp tiền sử dụng đất trong thời gian có dịch và 12 tháng sau khi hết dịch để đảm bảo doanh nghiệp tập trung nguồn lực phát triển dự án, kế hoạch sản xuất đủ thời gian phục hồi, tuyển dụng nhân sự, người lao động;
Gia hạn nộp thuế đối với các loại thuế: thuế GTGT khâu nhập khẩu linh kiện phục vụ sản xuất, thuế Nhập khẩu, thuế Nhà thầu nước ngoài, thuế Thu nhập cá nhân, thuế Tiêu thụ đặc biệt và tiền sử dụng đất, tiền thuê đất. Đồng thời, đề nghị điều chỉnh thời hạn gia hạn nộp thuế lên 12 tháng thay vì 5 tháng do ảnh hưởng của đại dịch dự kiến sẽ kéo dài.
Cuối cùng là giảm tiền thuê đất năm 2020 và 2021 cho các doanh nghiệp.
Về lĩnh vực bảo hiểm xã hội: Ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ban hành công văn số 860/BHXH-BT về việc tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đối với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Theo nội dung của công văn trên, các doanh nghiệp bị ảnh hưởng có thể được đề nghị tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020. Tuy nhiên, VNREA cho hay để giảm tải chi phí và khó khăn cho các doanh nghiệp trong giai đoạn này, doanh nghiệp đề xuất cho các doanh nghiệp được tạm dừng đóng tất các các khoản bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động và thời gian tạm dừng đến hết tháng 12/2020.
Về tiền ký quỹ dự án đầu tư: Theo quy định của Luật đầu tư năm 2014, ký quỹ là một biện pháp nhằm bảo đảm thực hiện dự án đầu tư. Theo đó, nhà đầu tư phải ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Mức ký quỹ để bảo đảm thực hiện dự án từ 1 - 3% vốn đầu tư của dự án căn cứ vào quy mô, tính chất và tiến độ thực hiện của từng dự án cụ thể.
VNREA nhận thấy, mức ký quỹ này trên thực tế là rất lớn, gây khó khăn về tài chính cho các doanh nghiệp thực hiện dự án, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hiện nay. Vì vậy, thực hiện tinh thần của Chỉ thị số 11/CT-TTg về việc “giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh”, bên cạnh các giải pháp tháo gỡ khó khăn về tín dụng, thuế và bảo hiểm xã hội nêu trên, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ về việc cho phép các Nhà đầu tư chậm nộp tiền ký quỹ để đảm bảo thực hiện các Dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất trong thời gian xảy ra dịch bệnh Covid-19.
Về Quỹ đất đối ứng để thanh toán cho Nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng chuyển giao (BT), VNREA nhận thấy còn tồn tại bất cập khi thực hiện khoản 3 Điều 5 Nghị định số 63/2018 ngày 04/05/2018 của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Do đó, VNREA kiến nghị cần sửa đổi Luật Đầu tư, cụ thể, khi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã chọn doanh nghiệp là nhà đầu tư dự án BT thì xác định luôn doanh nghiệp đó là nhà đầu tư dự án trên quỹ đất dự kiến làm tài sản thanh toán cho nhà đầu tư và khi đủ một số điều kiện nhất định cho phép Nhà đầu tư song song với việc triển khai dự án BT được phép thực hiện các thủ tục đầu tư cho dự án trên quỹ đất dự kiến làm tài sản thanh toán cho nhà đầu tư.
Ngoài ra, tại văn bản kiến nghị, VNREA cho hay, trong thời gian vừa qua, VNREA đã có nhiều công văn gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét, tháo gỡ những vướng mắc, hạn chế, chồng chéo của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành như: pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng, nhà ở và bất động sản đang gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp trong lĩnh vực đầu tư kinh doanh bất động sản. Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan nghiên cứu sửa đổi theo thẩm quyền hoặc kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tuy nhiên, vì nhiều lý do, một số các quy định chưa được sửa đổi hoặc đang trong quy trình sửa đổi.
Liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản, mới đây Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cũng kiến nghị các các ngân hàng thương mại hỗ trợ doanh nghiệp bất động sản theo hướng được cơ cấu lại nợ, giảm khoảng 30-50% lãi vay trong thời hạn 12 tháng (tối thiểu trong năm 2020), giãn tiến độ trả lãi vay, trả nợ gốc, không chuyển nhóm nợ xấu hơn khi đáo hạn.
Hỗ trợ thế nào cho đúng?
Từng bình luận về những đề xuất cứu thị trường bất động sản, trong đó có doanh nghiệp bất động sản trong thời gian qua, LS Trương Anh Tú, Chủ tịch Công ty TAT Law Firm - Đoàn Luật sư Hà Nội đánh giá, các hiệp hội đã thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của mình, đó là bảo vệ các hội viên của hội, tuy nhiên trong khi đề xuất nhiều chính sách pháp luật về thị trường bất động sản theo hướng có lợi cho hội viên của mình thì đôi khi các hiệp hội dường như quên mất quyền lợi của những người mua nhà, của các thành phần khác tham gia trong quá trình giao dịch bất động sản.
"Ăn cây nào rào cây ấy nên các hiệp hội bất động sản đưa ra kiến nghị có lợi cho hội viên của mình là đương nhiên. Tuy nhiên, để tiếng nói của các hiệp hội có giá trị, có uy tín và dễ được Nhà nước, cộng đồng chấp thuận thì phải hướng đến một góc nhìn khách quan hơn, hài hòa lợi ích và phù hợp với hệ thống pháp luật, để từ đó kiến nghị, yêu cầu của doanh nghiệp mới có giá trị, có sức nặng để Nhà nước quyết định.
Còn nếu cứ trên tinh thần triệt để "Ăn cây nào, rào cây ấy", chỉ có lợi cho hội viên của mình, không có lợi cho những thành phần khác trong xã hội thì đương nhiên uy tín của hiệp hội cũng sẽ bị giảm sút", LS Trương Anh Tú nhận xét.
Còn ĐBQH Hồ Thanh Bình (An Giang) cho rằng, dịch bệnh Covid-19 đã ảnh hưởng chung tới nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không là ngoại lệ.
Trong đó, Chính phủ đã có những động thái hỗ trợ ban đầu như điều chỉnh các chính sách vĩ mô, điều chỉnh các chính sách tài chính, tài khóa mở rộng, các chính sách thuế, bảo hiểm...
Ngoài ra, Chính phủ cũng kêu gọi nguồn hỗ trợ từ xã hội, doanh nghiệp, bởi chắc chắn ngân sách chi cho công tác phòng chống dịch bệnh lần này không hề nhỏ.
Ông Bình nhận định đó là giải pháp cần thiết và phải làm dù biết rất tốn kém. Tuy nhiên, để trả lời câu hỏi làm thế nào cho hiệu quả, theo ông Bình, Chính phủ cần đánh giá tổng quan về sức khỏe của nền kinh tế và dựa trên các kịch bản tăng trưởng. Trên cơ sở những đánh giá đó sẽ đưa ra được nhận định toàn cảnh cho nền kinh tế. Lĩnh vực nào bị ảnh hưởng trực tiếp sẽ được hỗ trợ, lĩnh vực nào không bị ảnh hưởng nhiều thì không cần phải hỗ trợ.
Ông Bình nhắc lại có hiện tượng bộ, ngành nào cũng chỉ muốn vun vén cho lợi ích cục bộ của bộ, ngành mình, đây là "thói quen" đã bị nhắc nhở nhiều lần. Trong bối cảnh nền kinh tế bị ảnh hưởng chung do đại dịch, các bộ, ngành không thể chỉ nghĩ tới lợi ích cục bộ mà cần phải nghĩ tới sự phát triển chung của toàn nền kinh tế.
Chính vì hiện tượng trên, vị đại biểu nhấn mạnh: "Chính sách hỗ trợ cần có trọng tâm, trọng điểm, không ưu tiên hỗ trợ theo hướng bộ nào cũng xin, ngành nào cũng xin, ai quen, ai nhanh người đó được.
Nguồn lực của chúng ta không có đủ để chi tiêu phóng khoáng, tùy tiện", ông Bình nói.
Minh Thái - Theo Báo Đất Việt