Xây dựng thiếu quy hoạch: Do tầm hay tiền?

03/11/2019 18:19

Quy hoạch xây dựng là hành lang pháp lý phục vụ cho công tác quản lý và phát triển đô thị, kinh tế- xã hội. Nhưng khi có sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng tiêu cực nhằm phục vụ lợi ích của một số cá nhân, lợi ích nhóm, sẽ gây thiệt hại cho nhiều thế hệ. Việc khắc phục hậu quả hết sức khó khăn và nhiều khi là không thể.

Quy hoạch xây dựng là hành lang pháp lý phục vụ cho công tác quản lý và phát triển đô thị, kinh tế- xã hội. Nhưng khi có sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch theo hướng tiêu cực nhằm phục vụ lợi ích của một số cá nhân, lợi ích nhóm, sẽ gây thiệt hại cho nhiều thế hệ. Việc khắc phục hậu quả hết sức khó khăn và nhiều khi là không thể.

xay dung thieu quy hoach do tam hay tien 114455
Từ việc thiếu tâm, tầm trong quy hoạch xây dựng dẫn đến các sai phạm nghiêm trọng. Điển hình là Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tỉnh Hà Giang đang thu hút sự quan tâm của dư luận. Ảnh: S.T.

Thiếu “nhạc trưởng”

Năm 2018, Thanh tra Chính phủ đã tiến hành 21 cuộc thanh tra có nội dung liên quan đến việc quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị. Qua các kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã phát hiện sai phạm số tiền hơn 3.600 tỷ đồng, hơn 19.200 ha đất. Riêng trong năm 2018, chỉ trong lĩnh vực quản lý và sử dụng đất đai, toàn ngành thanh tra đã tiến hành 1.127 cuộc thanh tra, phát hiện 827 đơn vị có vi phạm số tiền trên 465 tỷ đồng và 9.759 ha đất.

Khi nhắc tới vấn đề quy hoạch thiếu khoa học hẳn nhiều người không thể quên tòa nhà số 8B Lê Trực nằm chình ình giữa trung tâm Thủ đô Hà Nội hay các khu chung cư, nhà cao tầng mọc lên như nấm sau mưa dọc các con đường, tuyến phố mà không có sự tính toán kỹ càng về bài toán giao thông, công trình công cộng, khu sinh hoạt chung, hầm đỗ xe… Hay như việc xây dựng Dự án khu du lịch sinh thái văn hóa tâm linh Lũng Cú tỉnh Hà Giang nằm trong lòng Công viên Cao nguyên đá Đồng Văn (công viên đã được UNESCO ghi danh trong danh mục Công viên địa chất toàn cầu năm 2010)...

Con đường Lê Văn Lương, ở Hà Nội dài chưa đầy 1km nhưng phải “gánh” tới gần 40 dự án chung cư cao từ 25- 35 tầng. Tại phố Giảng Võ, người dân rất trông đợi sẽ có nhiều không gian mở và xanh sau khi giải tỏa đất tại khu triển lãm. Nhưng đề xuất được cơ quan chức năng công bố lại là những khối chung cư cao 50 tầng mật độ cao.

Thống kê của Bộ Xây dựng cho thấy, hiện cả nước có gần 1.400 dự án điều chỉnh quy hoạch từ 1- 6 lần và luôn có xu hướng tăng tối đa lợi ích cho nhà đầu tư, giảm tối đa không gian công cộng và phúc lợi của người dân. Dễ thấy nhất là những dự án bất động sản điều chỉnh tăng số tầng cùng với diện tích sàn, mật độ xây dựng; giảm diện tích công viên, cây xanh, nơi sinh hoạt chung, thậm chí là giảm bề rộng hành lang và lối đi giữa các căn hộ.

Nói về quy hoạch thiếu tầm nhìn tại một số khu vực, quy hoạch bất hợp lý hay đặc biệt là tình trạng “quy hoạch trên giấy” đang tồn tại, ông Trương Văn Quảng, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho rằng, không nói tới vấn nạn tắc đường do quy hoạch đường sá thiếu tầm nhìn, không đáp ứng được yêu cầu lưu thông của người dân Hà Nội hiện nay mà nhiều khu vực tại Thủ đô chỉ cần mưa một lượng nhỏ cũng ngập úng... Nguyên nhân một phần do thiếu quy hoạch cốt nền nên các công trình chắn dòng chảy thoát nước của nhau.

Và, có một vấn đề quan trọng cho việc phát triển đô thị hiện đại, văn minh, theo ông Trương Văn Quảng, là xây dựng các không gian ngầm. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có một đô thị nào ở nước ta xây dựng được quy hoạch ngầm. Ngay cả Thủ đô Hà Nội là địa phương đầu tiên giao nhiệm vụ lập quy hoạch không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thành phố, nhưng đến nay vẫn “dậm chân tại chỗ” do nhiều nguyên nhân chủ quan và khách quan.

“Trong công tác quy hoạch xây dựng Việt Nam đang lúng túng do thiếu một ‘nhạc trưởng’ đủ bản lĩnh, trình độ dẫn đến tình trạng quy hoạch manh mún, chắp vá, mạnh ai nấy làm. Chưa kể, đâu đó còn là vấn là lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm được xem trọng hơn quyền và lợi ích của phần đông người dân”, ông Quảng nhấn mạnh.

Ngoài ra, để xảy ra tình trạng quy hoạch treo, quy hoạch phục vụ một số lợi ích nhóm, ông Quảng cho rằng, không thể bỏ qua trách nhiệm của lực lượng thanh tra xây dựng, chính quyền địa phương bởi chỉ khi chính quyền sở tại buông lỏng quản lý, tình trạng điều chỉnh quy hoạch, vi phạm trật tự xây dựng mới diễn ra tràn lan như thời gian qua.

Thận trọng điều chỉnh quy hoạch

Nhiều người lý giải cho việc quy hoạch bất hợp lý, xây dựng thiếu quy hoạch là do thiếu tiền bởi kinh phí đầu tư cho công tác này còn hạn chế trong khi nhiều vấn đề dân sinh bức xúc cần được quan tâm đầu tư hơn. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, tầm nhìn hạn hẹp, không quan tâm đến lợi ích số đông mà chỉ nhăm nhe lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm là nguyên nhân khiến cho công tác quy hoạch xây dựng cứ rơi vào vòng luẩn quẩn, chắp vá như hiện tại.

Ông Hồ Ngọc Hùng, Khoa Kiến trúc và Quy hoạch, Đại học Xây dựng Hà Nội cho rằng, trong công tác lập, điều chỉnh quy hoạch cần quy định chặt chẽ hơn. Cụ thể, cần có sự phối hợp đồng bộ trong quản lý trên cơ sở khoa học, phù hợp thực tiễn, ưu tiên tiện ích cho công cộng, sinh hoạt cộng đồng, lấy ý kiến người dân có liên quan. Khi lập hay điều chỉnh quy hoạch đều ưu tiên hạ tầng xã hội, đi kèm giải pháp phát triển bền vững đời sống xã hội. “Đã đến lúc rà soát, xem xét lại và xử lý từ gốc đối với khâu cán bộ thuộc bộ máy tham mưu và quản lý. Cần có đầu mối chịu trách nhiệm cụ thể trong công tác quản lý việc lập, phê duyệt điều chỉnh quy hoạch”, ông Hùng nêu.

Còn theo ông Quảng, sở dĩ công tác quy hoạch xây dựng đang tồn tại nhiều hạn chế là không phải do thiếu tiền mà thiếu tâm và tầm của những nhà quản lý lãnh đạo. “Để xây dựng quy hoạch, tỉnh Quảng Ninh chi tới 6 triệu USD. Nhiều địa phương khác cũng đầu tư kinh phí lớn, song vấn đề mấu chốt nằm ở chỗ quy hoạch được đề ra trước tiên sau đó lại bị điều chỉnh bởi các nhóm lợi ích khác nhau, hậu quả là người dân gánh chịu”, Phó Tổng thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam nêu quan điểm

Ngoài ra, theo chuyên gia này, chỉ cần một trong số những người có trách nhiệm quản lý quy hoạch địa phương có tầm và có tài thì những đồ án quy hoạch hay điều chỉnh quy hoạch bất hợp lý khó có thể được thông qua, phê duyệt. Do vậy, nhiều nước trên thế giới không để cho một kiến trúc sư hay một tổ chức nào đó đơn độc trong công tác lập và điều chỉnh quy hoạch, mà phải có sự tham gia của các nhà phản biện xã hội, chuyên gia xây dựng, nhà văn hóa học, nhà đô thị học.

Đề cập việc khắc phục tình trạng “quy hoạch treo”, “dự án treo”, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại nhiều hội nghị đều nhấn mạnh các cơ quan quản lý trước hết phải tập trung đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch gắn với nâng cao chất lượng quy hoạch. Muốn vậy phải có cơ chế để lựa chọn được các nhà tư vấn giỏi, có kinh nghiệm lập quy hoạch. Đồng thời thường xuyên rà soát, cập nhật thông tin về quy hoạch, công khai quy hoạch và lắng nghe ý kiến người dân trong việc lập quy hoạch cũng như trong điều chỉnh, bổ sung quy hoạch.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường kiểm soát sử dụng đất đai, đầu tư phát triển đô thị theo đúng quy hoạch và phải có kế hoạch. Các bộ, ngành liên quan, các địa phương phải xây dựng chương trình kế hoạch phát triển đô thị hằng năm, giai đoạn 5 năm và dài hạn. Căn cứ vào nhu cầu xã hội, yêu cầu phát triển và khả năng đáp ứng nguồn lực, nhằm khắc phục tình trạng quy hoạch treo, dự án treo như các vị đại biểu Quốc hội đã nêu. Và lựa chọn các dự án ưu tiên để đầu tư xây dựng, khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư kiểu phong trào không có kế hoạch.

Ông Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường:

Tài nguyên lãng phí, di sản ngủ quên, tiềm năng không được khai thác hiệu quả; hoặc phát triển ồ ạt, mất cân đối, thiếu bền vững, kinh tế hủy hoại môi trường đang là thực trạng kìm hãm sự phát triển ở không ít địa phương, mà nguyên nhân rốt cuộc là do thiếu một quy hoạch khoa học và xứng tầm. Các cơ quan quản lý, các nhà hoạch định chính sách đừng đổ lỗi cho thiếu tiền, mà thực tế cho thấy, trong công tác quy hoạch xây dựng hiện chúng ta đang thiếu cả tâm, và tầm.

Từ quản lý yếu kém của cơ quan quản lý dẫn đến tình trạng quy hoạch không theo kịp sự phát triển của kinh tế, xã hội. Chưa kể, một thực tế hiện nay đang diễn ra khiến những người có tâm với công tác quy hoạch cảm thấy trăn trở đó là việc điều chỉnh quy hoạch diễn ra vô tội vạ, tràn lan, phục vụ mục tiêu, lợi ích của các nhà đầu tư mà ít quan tâm đến lợi ích của người dân.

Ở một số nước phát triển, điều chỉnh quy hoạch là vấn đề hệ trọng nên cần cơ quan quản lý cấp trên thông qua, song hiện nay ở Việt Nam, việc điều chỉnh quy hoạch lại được tiến hành vội vã, dễ dàng, không tham vấn ý kiến của các chuyên gia cũng như người dân chịu tác động, hệ lụy là công tác quy hoạch luôn bất cập.

Suy cho cùng, việc thiếu quy hoạch hoặc phát triển không có quy hoạch thực chất là thiếu sự làm việc khoa học, thiếu cái tầm nhìn xa trông rộng chứ không phải thiếu tiền. Không có tiền có thể huy động từ nguồn lực nội tại; nhưng thiếu tầm nhìn của người lãnh đạo thì sẽ mãi nhốt mình và cả cộng đồng, lĩnh vực trong cái vòng luẩn quẩn không lối thoát.

D.Ngân - Theo haiquanonline.com

https://haiquanonline.com.vn/xay-dung-thieu-quy-hoach-do-tam-hay-tien-114455-114455.html

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng thiếu quy hoạch: Do tầm hay tiền?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.