Xây dựng Hòa Bình làm ăn ra sao khi nợ vay gấp 14 lần vốn chủ sở hữu?

04/11/2023 07:03

Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình (mã chứng khoán HBC) vừa tiếp tục trải qua một quý kinh doanh không mấy khả quan.

Doanh nghiệp đang phải trích lập dự phòng hơn 2.500 tỷ đồng cho các khoản phải thu.

Bức tranh kinh doanh tối màu

Theo báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh hợp nhất quý III/2023 vừa công bố cho thấy, doanh thu thuần của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình ghi nhận đạt hơn 1.893 tỷ đồng, giảm 49,9% so với cùng kỳ năm trước. Giá vốn giảm chậm hơn khiến lợi nhuận gộp của công ty chỉ đạt vỏn vẹn gần 40 tỷ đồng, giảm gần 86% so với mức lãi gộp 282,5 tỷ đồng của cùng kỳ.

Tương tự, doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm 8,8% so với cùng kỳ, xuống còn 30,8 tỷ đồng. Ngược lại, chi phí tài chính tăng 17,9%, lên gần 145 tỷ đồng; trong khi đó, chi phí bán hàng giảm 19,4%, xuống gần 8 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp giảm một nửa, còn 78,5 tỷ đồng.

Sau khi khấu trừ chi phí, Xây dựng Hòa Bình báo lỗ sau thuế hơn 170 tỷ đồng trong quý III/2023, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi gần 5,5 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ (lãi ròng) vẫn âm hơn 168 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi hơn 6 tỷ đồng. Đây là quý thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp này báo lỗ.

Lũy kế 9 tháng năm 2023, Xây dựng Hòa Bình ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 5.356 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế gần 884 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ vẫn có lãi hơn 61 tỷ đồng. Năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đặt mục tiêu đạt tổng doanh thu 12.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 125 tỷ đồng. Như vậy, sau 9 tháng đầu năm 2023, doanh nghiệp đã thực hiện được 42,8% kế hoạch doanh thu và ngày càng cách xa mục tiêu lợi nhuận.

Hệ quả, khoản lỗ sau thuế trong quý III/2023 cũng đã nâng tổng mức lỗ ròng lũy kế của Xây dựng Hòa Bình trong 9 tháng năm 2023 lên tới 2.980 tỷ đồng, vượt 8,7% mức vốn điều lệ của công ty là 2.741 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tăng cũng khiến cho vốn chủ sở hữu của Xây dựng Hòa Bình giảm 71% so với đầu năm, xuống còn 352,3 tỷ đồng.

xay-dung-hoa-binh-lam-an-ra-sao-khi-no-vay-gap-14-lan-von-chu-so-huu-1699056137.png

Nợ vay gấp 14 lần vốn chủ sở hữu, lợi nhuận Xây dựng Hòa Bình thế nào? (ảnh minh họa: Internet). 

Trước đó, quý II/2023, Xây dựng Hòa Bình báo lãi đột biến nhờ “bỏ bớt” khối tài sản. Cụ thể, công ty lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh 68 tỷ đồng. Dù vậy, nhờ ghi nhận 656 tỷ đồng từ thanh lý tài sản cố định, vật tư, Xây dựng Hòa Bình báo lãi trước thuế tăng vọt 585 tỷ đồng, cao gấp 8,5 lần cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, tại báo cáo tài chính soát xét bán niên 2023, Xây dựng Hòa Bình đã bất ngờ chuyển từ lãi bán niên hơn trăm tỷ sang lỗ sau thuế 711,5 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023. Nguyên nhân được Xây dựng Hòa Bình đưa ra là do điều chỉnh giảm lợi nhuận từ việc bán tài sản.

Cổ phiếu vào diện theo dõi đặc biệt

Tại thời điểm 30/9/2023, tổng tài sản của Xây dựng Hòa Bình đạt gần 13.670 tỷ đồng, giảm gần 2.000 tỷ đồng so với số đầu năm, tương đương giảm 12,7%. Trong đó, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là các khoản phải thu ngắn hạn ghi nhận ở mức 8.856 tỷ đồng, chiếm 64,7% tổng tài sản; hàng tồn kho ghi nhận hơn 2.296 tỷ đồng, chiếm 16,8% tổng tài sản.

Đáng nói, về các khoản phải thu, đầu năm Xây dựng Hòa Bình đã trích lập dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi là 2.059 tỷ đồng nhưng tới cuối quý III/2023 đã lên tới 2.504 tỷ đồng. Như vậy, trong 9 tháng đầu năm 2023, Xây dựng Hòa Bình đã tăng trích lập thêm hơn 445 tỷ đồng.

Phía bên kia bảng cân đối kế toán hợp nhất, tổng nợ phải trả của Xây dựng Hòa Bình tại thời điểm ngày 30/9/2023 đã giảm hơn 1.000 tỷ đồng so với đầu năm, còn 13.344 tỷ đồng. Đáng chú ý, tổng nợ vay tài chính của Xây dựng Hòa Bình ghi nhận ở mức gần 5.150 tỷ đồng, gấp 14 lần vốn chủ sở hữu và chiếm 37,6% tổng nguồn vốn. Trong đó, nợ vay ngắn hạn gần 4.400 tỷ đồng và nợ vay dài hạn gần 750 tỷ đồng.

Ở diễn biến liên quan, tại đại hội đồng cổ đông thường niên 2023 gần đây, HĐQT Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã thông qua phương án phát hành cổ phiếu riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ. Trong đó, công ty dự kiến phát hành 220 triệu cổ phiếu nhằm tăng nguồn vốn và 54 triệu cổ phiếu riêng lẻ để hoán đổi nợ đối với các đơn vị là nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà sản xuất của công ty. Giá phát hành dự kiến là 12.000/cp, với tổng giá trị 3.288 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến phát hành trong năm 2023 – 2024.

Trên sàn chứng khoán, do liên tục chậm trễ nộp báo cáo tài chính đã được kiểm toán cùng lợi nhuận trên báo cáo tài chính là con số âm, cổ phiếu HBC của Công ty CP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình đã bị Sở Giao dịch chứng khoán TPHCM (HoSE) chuyển từ diện kiểm soát sang diện hạn chế giao dịch và theo dõi đặc biệt. Kết thúc phiên giao dịch ngày 1/11, cổ phiếu HBC giảm về mức 6.540 đồng/cp, với khối lượng giao dịch hơn 1.473.000 đơn vị.

Bạn đang đọc bài viết "Xây dựng Hòa Bình làm ăn ra sao khi nợ vay gấp 14 lần vốn chủ sở hữu?" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.