Liên quan đến di sản, phải có khai thác và kiểm soát; không thể lệch về phía khai thác rồi phá vỡ di sản hay chỉ chăm chăm giữ nguyên trạng. Vấn đề phải tìm điểm cân bằng.
3 ngày qua, chủ đầu tư, huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đều đã lên tiếng về công trình 7 tầng Panorama chưa có giấy phép được xây dựng trên một trong những khu vực đẹp nhất của đèo Mã Pì Lèng.
Lượt tìm kiếm từ khóa Mã Pì Lèng hay Mã Pì Lèng Panorama, một chỉ số thể hiện sự quan tâm của cộng đồng với công trình này nói riêng và danh thắng của Hà Giang nói chung tăng vọt theo thống kê của Google Trends. Nhiều người dùng cùng đặt vấn đề tại sao một ngôi nhà 7 tầng kiên cố có thể mọc lên ngay ở một di sản như vậy.
Thực trạng việc khai thác di sản để phát triển du lịch phơi bày sự xung đột giữa giá trị kinh tế và bảo tồn, Viện trưởng Viện nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) Nguyễn Quang Đồng nhận định.
Theo ông, các địa phương cần có một quy hoạch tổng thể về du lịch.
Cần quy hoạch tổng thể của địa phương
"Các tỉnh cần đánh giá lại tiềm năng du lịch của mình, phải xác định cái gì là tốt nhất, đặc thù nhất. Cần có chiến lược phân vùng, đâu là vùng cần bảo vệ đặc biệt, bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác du lịch đại trà phổ thông. Những vùng khác sẽ mở cửa du lịch. Sau khi có quy hoạch tổng thể, chính quyền sẽ cấp phép xây dựng trên từng phân khu chức năng riêng. Nhà đầu tư có thể dựa vào đó để lập dự án", ông Đồng nói với Zing.vn.
Theo ông, việc này không khác với tư duy quy hoạch đô thị nhưng vì nhiều di sản ở những vùng xa đô thị, ở trong các khu vực cảnh quan như vườn quốc gia, công tác đánh giá quy hoạch tổng thể không được thực hiện. Sau đó, nhà đầu tư đến làm dự án nhưng không tôn trọng môi trường.
Viện trưởng IPS cho rằng sau khi có quy hoạch, chính quyền địa phương nên mời doanh nghiệp tham gia đầu tư. Doanh nghiệp có phương án quy hoạch chi tiết, xây dựng tốt sẽ được vào phân khu chức năng.
Chuyên gia cho rằng cần quy hoạch tổng thể để tránh những công trình tương tự Mã Pì Lèng Panorama. Ảnh: Ngọc Tân. |
Tuy nhiên, ông Đồng lưu ý việc quy hoạch cần được chính quyền thực hiện chứ không thể để các doanh nghiệp lớn vì xung đột lợi ích.
"Nếu để doanh nghiệp làm, quy hoạch có thể đi theo hướng khai thác càng triệt để càng tốt về kinh tế, du lịch. Chính quyền không thể xã hội hóa công tác quy hoạch và phải đầu tư ngân sách để đảm bảo lợi ích chung", ông nói.
Phó tổng giám đốc công ty du lịch Hanoi RedTours Nguyễn Công Hoan cũng cho rằng không nên để di sản quá hoang sơ, cần đưa di sản vào khai thác, phát triển hạ tầng dịch vụ để phát triển điểm đến. Tuy nhiên, phải đặt câu hỏi quy hoạch thế nào, quản trị kiến trúc, quy mô ra sao để không làm mất đi giá trị gốc của di sản.
"Cần có quy hoạch chi tiết và công bố công khai. Khu vực nào được làm gì, mật độ, sức chứa bao nhiêu, tần suất bao nhiêu khách một ngày, một mùa vẫn giữ được giá trị cảnh quan. Có quy hoạch sẽ cho phép cái nào được đầu tư, cái nào không được đầu tư để chính quyền hướng dẫn nhà đầu tư tham gia", ông Hoan nói với Zing.vn.
Theo ông, cơ quan quản lý phải chủ động kêu gọi đầu tư. Với những khu vực đẹp nhiều nhà đầu tư muốn tham gia, nhà chức trách có thể tổ chức đấu thầu. Với địa điểm ít nhà đầu tư muốn tham gia thì cần có cơ chế khuyến khích.
Với trường hợp cụ thể của Mã Pì Lèng Panorama, ông Hoan cho rằng với cung đường dài từ Mèo Vạc đến Đồng Văn rất cần một điểm dừng chân, ngắm cảnh và đặt vấn đề liệu chính quyền địa phương đã có quy hoạch khai thác cao nguyên đá Đồng Văn, khu vực Mã Pì Lèng, sông Nho Quế hay chưa.
"Phải có khai thác và kiểm soát. Không thể lệch về phía khai thác rồi phá vỡ di sản hay phía giữ nguyên hiện trạng. Cần hài hòa, tìm điểm cân bằng. Bây giờ là Mã Pì Lèng, tới đây có thể là di sản khác. Đừng như SaPa thành một đô thị chật chội nhưng cũng đừng để quá hoang sơ. Nếu quá hoang sơ, người dân sẽ làm tự phát, về sau muốn chuẩn hóa lại rất khó", ông Hoan kết luận.
Cải tạo thay vì đập bỏ?
Trong khi đó, KTS Ngô Viết Nam Sơn nói với Zing.vn, công trình Mã Pì Lèng Panorama sai về giấy phép nên chủ đầu tư phải chấp hành quyết định xử lý của cơ quan chức năng, không loại trừ khả năng phá bỏ công trình.
Tuy nhiên, theo ông, có một một giải pháp mang tính dung hòa hơn là cải tạo công trình với những điều kiện phù hợp danh thắng Mã Pì Lèng.
Đầu tiên, sau khi cải tạo, công trình không được có chức năng khách sạn, nhà hàng. Thay vào đó có thể là chức năng nơi ngắm cảnh, điểm du khách dừng chân đi vệ sinh và có thể thu phí.
“Ở đây phải là một kiến trúc độc đáo đóng góp cho di sản. Công trình hiện tại đang làm xấu không gian di sản. Cần cải tạo lại để công trình hòa lẫn với thiên nhiên”, KTS Nam Sơn đề xuất.
Nếu theo hướng này, KTS Nam Sơn cho rằng 2 tầng trên cùng của Mã Pì Lèng Panorama từ đường bộ nhìn thấy phải bị phá bỏ. Những tầng dưới có thể được cải tạo thành sân vượt cấp để du khách đi bộ xuống ngắm cảnh, nhà vệ sinh giấu bên trong. Không gian hai bên cần được đắp đất, trồng cây để hòa hợp với đồi núi xung quanh. Khi đó, công trình sẽ chìm trong đất, không còn là mặt tiền.
Câu chuyện không riêng Mã Pì Lèng
Mã Pì Lèng Panorama không phải là trường hợp cá biệt hay đầu tiên ở Việt Nam. Trên cả nước, từng có những công trình, dự án thậm chí xâm phạm di sản thô bạo hơn so với ngôi nhà 7 tầng ở Mã Pì Lèng.
Di tích lầu Bảo Đại ở Nha Trang hoang tàn, lạnh lẽo. Ảnh: An Bình. |
Sau nhiều năm đóng cửa, hồi tháng 4, tỉnh Khánh Hòa chỉ đạo chủ đầu tư mở cửa 2 trong 5 biệt thự cổ ở khu di tích lầu Bảo Đại (TP. Nha Trang) để đón khách tham quan. Tuy nhiên, nhiều du khách đến tham quan thất vọng vì di tích bị đào bới tan hoang, các biệt thự cổ xuống cấp, hiện vật cổ được lưu giữ còn ít ỏi.
Dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp Bảo Đại do công ty Khánh Hà thuộc tập đoàn Hà Đô thực hiện từ năm 2013 sau khi được tỉnh Khánh Hòa giao hơn 13,6 ha đất gồm toàn bộ khu di tích lầu Bảo Đại và mặt nước danh thắng quốc gia vịnh Nha Trang. Theo quy hoạch, chủ đầu tư sẽ xây mới khách sạn, nhà hội thảo, 36 biệt thự mới, cải tạo 5 biệt thự cổ.
Sau khi được giao đất, chủ đầu tư huy động máy móc san gạt, khoét núi Cảnh Long. 6 năm sau ngày bắt đầu triển khai dự án, di tích lầu Bảo Đại bị cạo trọc, đào bới nham nhở, nhiều nơi bị múc sâu để làm móng, xây biệt thự. Nơi đây trở nên hoang tàn vì dự án bị đình chỉ thi công từ năm 2018 do chủ đầu tư sai phạm nhiều lần.
Từ tháng 8/2017, cây cầu lên đỉnh núi Cái Hạ thuộc khu du lịch Tràng An cổ bắt đầu được xây dựng dù không phép. Ảnh: Quang Vinh. |
Tháng 8/2017, Công ty Cổ phần Du lịch Tràng An khoan đục từ chân núi Cái Hạ (Hoa Lư, Ninh Bình) lên tới đỉnh núi, xây dựng hàng trăm bậc thang bằng bê tông cốt thép xuyên lõi danh thắng Tràng An là di sản thế giới UNESCO công nhận. Đầu năm 2018, công trình này hoàn thành.
Ngay sau đó, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch kết luận chủ đầu tư tự ý xây dựng, không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng; vi phạm Luật Di sản văn hóa và yêu cầu tỉnh Ninh Bình có phương án tháo dỡ khẩn trương công trình. Đến tháng 7/2018, cây cầu không phép dài 510 m với hơn 900 bậc thang xuyên lõi Tràng An bị tháo dỡ hoàn toàn.
Theo Zing.vn