Từ năm 2000 nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Hội Cây cảnh nghệ thuật Thăng Long (CCNT) được UBND TP Hà Nội tạo điều kiện cho thuê lại khu đất có diện tích gần 2.000m2 đất ven hồ Thành Công tại địa chỉ số 4 phố Huỳnh Thúc Kháng giáp với tòa nhà của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (khu đất khoanh đỏ - PV) để trưng bày và bán cây cảnh.
Theo người dân khu vực phản ánh, trong quá trình sử dụng, Hội CCNT đã dùng lưới B40 quây xung quanh khu vực trưng bày, xây dựng một nhà tạm tiến hành sản xuất chậu cây tại chỗ... không phù hợp với nội dung chấp thuận của thành phố khiến diện tích công viên hồ Thành Công bị thu hẹp, người dân bị chiếm mất lối đi để vào công viên.
Trước những bức xúc của dư luận, năm 2015 UBND quận Ba Đình đã yêu cầu Hội CCNT phá dỡ phần nhà tạm và hàng rào B40, khẩn trương khắc phục các tồn tại trong khu vực trưng bày, đồng thời yêu cầu phải tạo không gian mở, không thực hiện rào chắn bằng bất cứ vật liệu gì từ 6h đến 21h hằng ngày, không để ảnh hưởng đến việc đi lại của nhân dân và du khách. Tuy nhiên, sau đó Hội CCNT không thực hiện đúng đề nghị của UBND quận Ba Đình khiến người dân càng bức xúc.
Đến năm 2018, Hội CCNT mới trả lại khu đất cho thành phố, tuy nhiên sau khi Hội CCNT dời đi khu đất trở lên nhếch nhác, ngập rác thải, mất mỹ quan đô thị.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay khu đất gần 2.000m2 ven hồ Thành Công cho Hội CCNT trước đó được cải tạo thành khu sân chơi thể thao, trồng cây xanh... để phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Hàng cây xanh mới trồng tại khu đất công viên.
Lối đi lại khang trang, sạch đẹp bên trong công viên hồ Thành Công.
Khu đất nhếch nhác trước đó đã được cải tạo, chỉnh trang đẹp mắt.
Sân chơi cầu lông phục vụ hoạt dộng thể dục, thể thao của người dân.
“Trước đây, khu vực này bị quây làm khu trưng bày và bán cây cảnh, nhiều lúc tôi muốn vào trong công viên đi dạo nhưng lối đi bị chiếm rất bất tiện. Bây giờ khu đất được cải tạo, chỉnh trang, thoáng mát nên buổi tối tôi thường ra đây đi dạo và tập thể dục”, một người dân tại đây chia sẻ.
Thế nhưng, chưa vui mừng được bao lâu thì người dân nơi đây lại lo ngại công viên hồ Thành Công tiếp tục bị "xẻ thịt" xây chung cư cao tầng khi mới đây, Công ty CP Ðầu tư phát triển đô thị Việt Hưng (Vihajico) vừa đề xuất với Hà Nội 2 phương án cải tạo khu tập thể cũ Thành Công (quận Ba Ðình, Hà Nội). Trong đó, phương án 2 chủ yếu triển khai bằng nguồn lực của chủ đầu tư; 100% cư dân được tái định cư tại chỗ; chiều cao tối đa của công trình 35 tầng. Điểm đáng lưu ý của phương án này là nhà đầu tư đề xuất mở rộng diện tích công viên và hồ về phía trung tâm khu đô thị và “bù lại” cũng đề xuất cắt giảm hơn 4.267m2 mặt hồ phía đối diện để làm khu nhà tái định cư chất lượng cao! Nếu làm theo đề xuất này thực chất là lấp đi một góc hồ đẹp nhất để xây dựng thêm 3 tòa nhà chung cư cao tầng. Trong ảnh là khu tập thể Thành Công giáp với đường Nguyên Hồng và phố Thành Công.
Đề xuất "lấp" hồ Thành Công hiện đang bị dư luận phản ứng gay gắt. Người dân quanh khu vực hồ Thành Công cho rằng: "Hồ Thành Công là một trong những hồ nước đẹp nhất của Hà Nội còn sót lại, vừa có tác dụng điều hòa nước phục vụ thủy lợi, vừa điều hòa không khí, là lá phổi xanh của khu vực quận Ba Đình và Đống Đa. Việc lấp hồ xây chung cư trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng lại càng vô lý. Hơn nữa, công viên hồ Thành Công lâu nay vốn bị "bịt mặt" bủa vây bởi loạt cao ốc, việc thêm xây chung cư cao tầng sẽ tạo ra áp lực lớn đối với hạ tầng giao thông".
Lấp hồ xây chung cư là chuyện ngược đời
Trao đổi với Tiền Phong về đề xuất "lấp" hồ Thành Công xây chung cư cao tầng, TS Phạm Thanh Tùng, Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam cho biết, cải tạo chung cư cũ sẽ có nhiều giải pháp, không phải lấy diện tích hồ, tài sản của cộng đồng để thực hiện. Bởi hồ Thành Công đóng vai trò điều hòa, thu gom nước mưa khi trời mưa tránh nguy cơ ngập lụt cho thành phố. Hơn nữa, hồ còn đóng vai trò là cảnh quan đô thị, tạo ra khí hậu tốt cho cảnh quan xung quanh, nhất là trong bối cảnh Hà Nội đang bị ô nhiễm không khí nặng. “Không ai làm chuyện ấy, hồ là hồ, không thể lấy đi một phần diện tích hồ xây dựng nhà chung cư rồi lại đào chỗ khác bù vào, không thể hoán đổi ví trí vậy được. Đề xuất không khả thi, không thể thực hiện bởi hồ có ví trí riêng của nó” ông Tùng nhấn mạnh.
Cũng không đồng ý với đề xuất phương án cải tạo tập thể cũ Thành Công, bà Bùi Thị An – nguyên Đại biểu Quốc hội Khóa XIII cho rằng, ô nhiễm môi trường đang là vấn đề rất bức xúc tại Hà Nội. Ô nhiễm môi trường đang tác động rất lớn tới xã hội, sự phát triển bền vững của xã hội… “Đây là chuyện ngược đời, bởi người ta tạo thêm hồ còn không được, đằng này lại đòi lấp một phần hồ. Hồ là “lá phổi” để điều hòa nước, không khí và môi trường. Chúng ta đã nhìn rõ hậu quả của việc lấp hồ, lấp cống trong quá trình xây dựng, đó là tình trạng ngập lụt trong thành phố”, bà An nhấn mạnh. Cũng theo bà An, đề xuất là quyền của doanh nghiệp, nhưng lãnh đạo Hà Nội chắc chắn không bao giờ chấp nhận. Bởi, chính quyền luôn đứng về quyền lợi của đại đa số người dân. Cũng như, Chính phủ đã chỉ đạo “không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế”.
ĐÌNH PHONG - DUY PHẠM