Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Tranh chấp dân sự hay xử lý hình sự?

11/05/2021 08:00

gày 06/5, TAND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đưa vụ án “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” ra xét xử lần 2, đối với pháp nhân là Công ty cổ phần Tập đoàn bia Sài Gòn Việt Nam (Công ty bia Sài Gòn Việt Nam) và ông Lê Đình Trung. Lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng tại Việt Nam khi pháp nhân là bị cáo.

6096c04b97a5f-1620694580.jpg

Bia của Công ty Cổ phần Tập đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam (hình trái).

Lần đầu tiên xét xử pháp nhân thương mại

Theo cáo trạng, sáng 23/6/2020, Đội quản lý thị trường thuộc Cục quản lý thị trường tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật trong sản xuất, kinh doanh hàng hóa đối với Cơ sở sản xuất bia Biva. Kết quả phát hiện cơ sở sản xuất này có 4.712 thùng bia mang nhãn hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” thành phẩm (1 thùng 24 lon, 1 lon dung tích 330ml), 116.700 vỏ lon bia loại dung tích 330ml và 3.300 vỏ thùng bia có cùng nhãn hiệu nhưng chưa sử dụng.

Các sản phẩm trên đều có đặc điểm: Trên bao bì sản phẩm thể hiện thông tin sản phẩm của Công ty bia Sài Gòn Việt Nam; trên lon bia thành phẩm và vỏ lon bia chưa sử dụng có in các dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM” và “hình khiên đứng” tại mặt trước; mặt sau lon bia có dấu hiệu “BIA SAIGON VIETNAM”; trên bề mặt bên của lon bia có dấu hiệu “BIA SAIGON VN”…

Cáo trạng xác định Công ty bia Sài Gòn Việt Nam và ông Lê Đình Trung có hành vi sản xuất bia mang nhãn hiệu “Bia Sài Gòn Việt Nam”, sản phẩm có kiểu dáng nhãn hiệu có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hóa đối với nhãn hiệu “Bia Sài Gòn” đã được bảo hộ thuộc sở hữu của Tổng Công ty cổ phần Bia Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) với quy mô thương mại. Sabeco được xác định là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bên bị xâm phạm nhãn hiệu.

Tại phiên tòa, đại diện theo pháp luật Công ty bia Sài Gòn Việt Nam là bà Trần Thị Ái Loan và đại diện Cục Sở hữu trí tuệ cùng vắng mặt. Các Luật sư bào chữa cho các bị cáo đề nghị HĐXX triệu tập Viện Khoa học sở hữu trí tuệ, Cục Sở hữu trí tuệ, điều tra viên, giám định viên tham gia phiên tòa. Đồng thời, các Luật sư cho rằng bắt buộc phải có người đại diện cho pháp nhân Công ty bia Sài Gòn Việt Nam tham gia phiên tòa.

Tại phiên xử, Sabeco đã có đơn gửi HĐXX về đề nghị trưng cầu giám định bổ sung đối với sản phẩm lon bia, vỏ thùng bia và yêu cầu Tòa xác định Sabeco là nhãn hiệu nổi tiếng. Tại phiên tòa, HĐXX cho rằng không đủ chức năng để tuyên bố một nhãn hiệu nào nổi tiếng hay không nổi tiếng. Việc tuyên bố Bia Sài Gòn là nhãn hiệu nổi tiếng thuộc thẩm quyền của Cục Sở hữu trí tuệ. Sau khi hội ý, HĐXX quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung làm rõ các nội dung đã nêu.

Cục sở hữu trí tuệ từng chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp

Tại phiên tòa, ông Lê Đình Trung cho rằng, Công ty ông hoạt động sản xuất khi đã có đầy đủ giấy tờ và cơ sở pháp lý chứng minh sản phẩm “Bia Sài Gòn Việt Nam” được đăng ký đúng quy định pháp luật và các giấy tờ kiểm nghiệm chứng minh hàng hóa đảm bảo chất lượng cao cho người tiêu dùng, nên sau khi thành lập, Công ty đã xem xét và xây dựng sản phẩm mang đúng tên gọi của Công ty và tiến hành các thủ tục đăng ký với Nhà nước gồm:

- Phiếu kết quả thử nghiệm do Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng 3 cấp đạt tiêu chuẩn (Nghị định 74/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ);

- Thông báo kết quả xác nhận thực phẩm đạt yêu cầu nhập khẩu của Vinacontrol;

- Chứng thư phẩm chất (vỏ lon bia bằng nhôm) do Vinacontrol cấp;

- Bản tự công bố sản phẩm số 01/BIA SÀI GÒN VIỆT NAM/2019;

- Bản tự công bố sản phẩm (vỏ lon bia) số 02/ BIA SÀI GÒN VIỆT NAM/2020.

Với nhận thức  mong muốn được bảo vệ nhãn hiệu và kiểu dáng công nghiệp của mình theo quy định của pháp luật, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã tiến hành nộp hồ sơ đăng ký bảo hộ nhãn hiệu – Kiểu dáng công nghiệp cụ thể:

- Quyết định số 67212/QĐ-SHTT NGÀY 12/8/2019 về việc chấp nhận đơn hợp lệ về nhãn hiệu: BIA SÀI GÒN VIỆT NAM, hình con rồng.

- Quyết định số 9856w/QĐ-SHTT NGÀY 15/7/2020 về việc chấp nhận đơn hợp lệ về kiểu dáng công nghiệp: Thùng BIA SÀI GÒN VIỆT NAM Lager;

- Quyết định số 9857w/QĐ-SHTT NGÀY 15/7/2020 về việc chấp nhận đơn hợp lệ về kiểu dáng công nghiệp: Nhãn sản phẩm BIA SÀI GÒN VIỆT NAM Lager.

Theo ông Trung, tất cả hình ảnh, nhãn, kiểu dáng công nghiệp đã được đăng Công báo sở hữu công nghiệp và lưu trữ vào Thư viện Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam. Trên cơ sở  trình tự thủ tục đăng ký xin bảo hộ hình ảnh, nhãn, kiểu dáng công nghiệp nói trên, Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam đã tiến hành ký kết hợp đồng gia công và hợp tác sản xuất số 01/2020/HĐ/BSGVN-HTSX ngày 15/4/2020 với Cơ sở Bia BIVA đóng tại Thành phố Bà Rịa với mục đích nhằm sản xuất thử nghiệm và thăm dò thị trường.

6096c04baa6d9-1620694581.jpg

Quang cảnh phiên xét xử.

Tranh chấp dân sự hay xử lý hình sự?

Theo Luật sư Phan Trung Hoài, Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho pháp nhân thương mại là Công ty Cổ Phần Tập Đoàn Bia Sài Gòn Việt Nam cho biết, đây là lần đầu tiên trong lịch sử tố tụng một pháp nhân bị khởi tố hình sự.

Pháp luật cũng chưa có quy định chi tiết cụ thể về hành vi bị coi là xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu trong khái niệm "gây nhầm lẫn và khả năng gây nhầm lẫn"  mà chỉ quy ước chung chung, mang tính tương đối, nặng về suy luận theo cảm tính nên chưa đảm bảo yếu tố pháp lý để xem xét trong quá trình xử lý. Mặt khác, trong  kết luận điều tra chưa nêu được hành vi của Công ty Bia Sài Gòn Việt Nam vi phạm điểm nào, hành vi nào, gây thiệt hại như thế nào, chỉ kết luận chung chung và căn cứ vào kết luận của Viện Khoa học Sở hữu trí tuệ và việc khởi tố đều xảy ra trước thời điểm có văn bản từ chối bảo hộ đối với nhãn hiệu hình con rồng và BIA SAI GON VIET NAM.

Bên cạnh đó Viện Khoa học sở hữu trí tuệ lại là đơn vị sự nghiệp chuyên môn thuộc Bộ Khoa học và công nghệ nhưng dựa vào khoản 14 điều 1 nghị định 119/2010/NĐ-CP quy định: Văn bản kết luận giám định là một trong các nguồn chứng cứ để cơ quan có thẩm quyền giải quyết vụ việc văn bản kết luận giám định không đưa ra kết luận về hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ hoặc kết luận về vụ tranh chấp”. Vì vậy, phiên tòa xét xử cần phải có sự tham gia của đại diện Viện khoa học sở hữu trí tuệ để đảm bảo tính pháp lý và yếu tố khách quan của vụ án. 

Theo quan điểm của Luật sư Hoài, do doanh nghiệp mới khởi nghiệp gặp rất nhiều khó khăn, có nguy cơ dẫn đến phá sản, nhận thức về quy trình, thủ tục đăng ký và chấp thuận bảo hộ nhãn hiệu còn những mặt hạn chế và quy trình giải quyết khiếu nại của Cục Sở hữu trí tuệ chưa có kết luận cuối cùng, nên đề nghị cân nhắc xem xét lại đường lối và mức độ xử lý theo hướng không cần thiết phải truy cứu trách nhiệm hình sự, tạo điều kiện cho các bên hòa giải, thương lượng về tranh chấp nhãn hiệu, kiểu dáng sở hữu công nghiệp. 

Trao đổi với Luật sư Ngô Huỳnh Phương Thảo, Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú thuộc Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, một trong những hành vi xâm phạm quyền đối với kiểu dáng, nhãn hiệu được quy định tại Điều 126, Điều 129, Luật Sở hữu trí tuệ (áp dụng trong lĩnh vực phi hình sự) là việc sử dụng nhãn hiệu trùng, hoặc tương tự đến mức “gây nhầm lẫn”, “có khả năng gây nhầm lẫn” với kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu được bảo hộ. Tuy nhiên, thế nào là “gây nhầm lẫn” và “có khả năng gây nhầm lẫn” thì chưa có quy định cụ thể, chưa được định danh chính xác.

Vì chưa có hướng dẫn, chưa có quy định cụ thể nên ngày 11/9/2019, Văn phòng Chính phủ có Công văn số 8172/VPCP-V.I, theo đó, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đã có ý kiến chỉ đạo về việc xử lý vướng mắc trong xử lý tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp” theo Điều 226 của BLHS: “Đề nghị Tòa án nhân dân Tối cao phối hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Công thương, Bộ Công an trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân Tối cao hướng dẫn Điều 225, Điều 226 của BLHS”. Như vậy, Cơ quan THTT tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã tự ý điều tra, truy tố và đưa vụ án ra xét xử khi chưa có hướng dẫn của Cơ quan ban, ngành tư pháp Trung ương. Từ đó, Luật sư Thảo cho rằng, việc trả hồ sơ để điều tra để làm rõ các vấn đề là cần thiết.

Theo Kim Chi – Duẩn Trần/LSVN

Bạn đang đọc bài viết "Vụ xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp bia Sài Gòn: Tranh chấp dân sự hay xử lý hình sự?" tại chuyên mục Thời sự. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.