Vụ phóng viên Báo Người Lao Động bị đe doạ: Xử lý rốt ráo công trình vi phạm

06/12/2021 09:37

Liên tục trong hai ngày 4 và 5-12, thông tin trên Báo Người Lao Động về những vi phạm ở công trình xây dựng tại số 09, lô B, khu biệt thự 5,2 ha phường Yên Hòa và phường Ngọc Hà, quận Ba Đình, TP Hà Nội khiến nhiều bạn đọc bức xúc trước cách xử lý của chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan.

Đây là công trình xây dựng dân dụng, chủ đầu tư hiện tại là ông Phạm Văn Duyên và bà Vũ Thị Thu Hà. Ông Duyên là tổng giám đốc một công ty chuyên sản xuất xi măng… Song, chủ đầu tư là ai thực ra không quan trọng, cứ công trình có vi phạm thì cần phải xử lý. "Luật pháp bất vị thân", đây là sự công bằng và bảo đảm cho đời sống được vận hành một cách trật tự.

cong-trinh-vi-pham-nld-16387526708631342188103-1638758101.jpg

Dù đang bị đình chỉ nhưng các công nhân vẫn thi công tại công trình có nhiều vi phạm này - Ảnh chụp chiều ngày 2-12

Công trình số 09 đã có hàng loạt vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, như: thi công sai so với giấy phép được cấp, vi phạm cam kết về độ lùi công trình; vi phạm thiết kế, phá vỡ cảnh quan, quy hoạch; không bảo đảm biện pháp an toàn khi thi công, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản người dân ở các công trình liền kề…

Từ tháng 3-2021, chủ đầu tư đã làm cam kết dừng thi công công trình vi phạm gửi UBND phường Yên Hòa. Thế nhưng thực tế, chẳng những không hề tháo dỡ những hạng mục vi phạm do xây dựng thêm hoặc xây dựng sai thiết kế được cấp phép, chủ đầu tư công trình số 09 còn tiếp tục hoàn thiện theo cách đã từng thi công, bất chấp sự kêu cứu của hàng chục hộ dân sinh sống xung quanh.

Người dân sống cạnh công trình số 09 đã có hàng loạt đơn thư gửi tới rất nhiều cơ quan chức năng nhưng nơi nào cũng "kính chuyển", không chuyển thì "ngâm". Rốt cuộc, không nơi nào xử lý vi phạm đến nơi đến chốn.

Trường hợp trên có thể nói là một điển hình về sự bất cập của hệ thống chính quyền địa phương và cơ quan chức năng trong việc xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực xây dựng. Đáng tiếc là sự việc diễn ra ngay ở TP Hà Nội - nơi có các cơ quan bảo vệ pháp luật cao nhất của cả nước.

Báo chí từng lên tiếng về nhiều công trình biệt thự, biệt phủ vi phạm hành chính về trật tự xây dựng, chủ yếu vẫn là thi công trái phép hoặc có phép nhưng cố tình xây dựng sai. Trong đó, có thể kể đến biệt thự của "đại gia vàng" Ngô Văn Quang trên đèo Hải Vân, TP Đà Nẵng; biệt thự của ông Phạm Văn Huyên tại trung tâm TP Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng; thậm chí cả một "làng biệt thự" tới 50 căn xây dựng trái phép cạnh Khu Du lịch quốc gia hồ Tuyền Lâm - Đà Lạt…

Chính quyền địa phương và cơ quan chức năng ở đâu khi các công trình vi phạm không chỉ xây dựng một vài ngày mà là thi công trong thời gian dài? Không ít trường hợp, tại sao đã vào cuộc nhưng chính quyền các cấp và cơ quan chức năng vẫn không xử lý đến nơi đến chốn?

Điểm giống nhau ở hầu hết các công trình vi phạm xây dựng là chỉ bị xử lý rốt ráo, cụ thể là cưỡng chế tháo dỡ toàn bộ hoặc phần vi phạm, khi báo chí quyết liệt lên tiếng. Còn trước đó, dù dư luận người dân có bức xúc đến mấy, đã bằng nhiều cách bày tỏ phản ứng nhưng mọi việc vẫn đâu vào đó. Để người dân yên tâm, tin tưởng, chính quyền địa phương và cơ quan chức năng cần phải giải quyết cho được những yêu cầu chính đáng của họ. 

Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG/NLD

Bạn đang đọc bài viết "Vụ phóng viên Báo Người Lao Động bị đe doạ: Xử lý rốt ráo công trình vi phạm" tại chuyên mục Bất động sản. Mọi thông tin phản hồi, góp ý xin gửi về hòm thư thuonghieuplus.hcm@gmail.vn hoặc liên hệ hotline 0941996262.